Mỗi ngày có 7 người chết vì ung thư cổ tử cung

Trung bình mỗi ngày có 7 người chết vì ung thư cổ tử cung

Ở Việt Nam, mỗi năm có trên 5.000 người được phát hiện mắc ung thư cổ tử cung mới, 2.400 người tử vong, trung bình mỗi ngày có 7 người chết vì bệnh này.
Trung bình mỗi ngày có 7 người chết vì ung thư cổ tử cung ảnh 1(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Chiều 22/4, tại Hội thảo về tầm soát ung thư cổ tử cung, bác sỹ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, hàng năm Việt Nam có trên 5.000 trường hợp phát hiện mắc ung thư cổ tử cung mới.

Trong đó, có 2.400 trường hợp tử vong, trung bình mỗi ngày có 7 phụ nữ chết vì căn bệnh này. Các trường hợp bị mắc bệnh cao nhất là phụ nữ có độ tuổi từ 45-50 tuổi.

Ung thư cổ tử cung là tổn thương ác tính tại cổ tử cung, có những biểu hiện lâm sàng như chồi, sùi, loét, dễ chảy máu, tiết dịch hôi, ra máu bất thường,… Nó thường xuất hiện khi các tế bào cổ tử cung biến đổi và phát triển bất thường một cách không kiểm soát.

Theo bác sỹ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do virus gây u nhú ở người (còn gọi là HPV).

HPV chủ yếu được lây truyền qua đường tình dục không an toàn, quan hệ tình dục sớm hoặc có nhiều bạn tình. Hơn 99% ung thư cổ tử cung là do HPV gây ra. Trong đó, HPV típ 18 và 16 chiếm 70% các trường hợp gây ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% phụ nữ nhiễm HPV có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung, phần lớn những người nhiễm HPV đều tự khỏi bệnh.

Điểm chính là sự nhiễm HPV dai dẳng ít nhất một trong 14 chủng HPV nguy cơ cao gây nên hầu hết các trường hợp tiền ung thư và ung thư cổ tử cung. Do thời gian trung bình từ khi nhiễm HPV đến khi xuất hiện tổn thương ung thư cổ tử cung là 10-15 năm. Vì vậy, ung thư cổ tử cung là loại ung thư có thể phòng ngừa, chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.

Tại Việt Nam, công tác phòng chống ung thư cổ tử cung được thực hiện theo tiến trình như: tiêm vắcxin phòng ngừa nhiễm HPV; sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả tổn thương tiền ung thư…

Tại các bệnh viện phụ sản, phác đồ sàng lọc ung thư cổ tử cung được thực hiện từ năm 1980, bằng việc xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (gọi tắt là PAP). Nếu kết quả có bất thường thì chuyển soi cổ tử cung. Sau đó, nếu phát hiện tổn thương thì sinh thiết và kết quả sinh thiết dương tính sẽ tiến hành điều trị.

Xu hướng hiện nay trên thế giới là chuyển đổi qua xét nghiệm HPV. Xét nghiệm HPV nhạy hơn so với xét nghiệm PAP. Việc sàng lọc ngay từ đầu đối với xét nghiệm HPV cũng làm giảm nguy cơ bỏ sót và xác định nhóm phụ nữ có nguy cơ cao để tập trung về mặt lâm sàng.

Các chuyên gia y tế cũng lưu ý, tốt nhất là chủng ngừa vắcxin ung thư cổ tử cung khi chưa nhiễm HPV và chưa quan hệ tình dục. Tuy nhiên, không phải vì đã nhiễm HPV và quan hệ tình dục rồi không tiêm ngừa. Bởi khi một người phụ nữ nhiễm HPV thì cơ thể sẽ sinh ra kháng thể tự nhiên để tiêu diệt virus HPV, khi kháng thể tiết ra không đủ mạnh cho lâu dài thì việc tiêm vắcxin sẽ giúp cơ thể phòng ngừa tái nhiễm HPV. Ngoài ra, nếu chẳng may có nhiễm dai dẳng một típ HPV nào đó, thì tiêm ngừa vắc xin cũng còn tác dụng đối với các típ khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục