Truyền hình trả tiền: Ngăn doanh nghiệp “thổi” giá

Khi được ban hành, quy chế về truyền hình trả tiền khiến doanh nghiệp không thể tự tăng giá thuê bao theo kiểu thích gì làm nấy.
Liên quan tới việc một số đơn vị phát sóng giải bóng đá ngoại hạng Anh đưa ra mức thuê bao khá cao, độc quyền phát sóng… ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, sẽ không để doanh nghiệp thích tăng giá thế nào cũng được.

Theo ông Hải, từ trước đến nay, các đài truyền hình làm rất tốt thông tin tuyên truyền. Cùng với xu thế, truyền hình trả tiền ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu giải trí đa dạng của khán giả. Ngoài ra, nó cũng góp phần vào kênh thông tin chính trị bởi trong gói truyền hình trả tiền bao giờ cũng có những kênh quảng bá.

Truyền hình trả tiền được coi như hoạt động kinh tế báo chí và được điều chỉnh bởi Luật Báo chí. Thực tế, không có điều chỉnh cụ thể vào dịch vụ, giá cả, chất lượng, khách hàng hay các điều khoản kinh tế. Cũng bởi người ta coi nó là hoạt động báo chí, nên chỉ có cơ quan báo chí được cung cấp dịch vụ này.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển, hình thành nên doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. Từ đó nảy sinh nhiều vấn đề mà Luật Báo chí không điều chỉnh hết được.

Lấy ví dụ, càng ngày đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền càng đẩy giá thuê bao lên cao. Đây là bài toán đặt ra để nhà nước có những chính sách điều chỉnh cho phù hợp.

Nhận thấy vấn đề này, năm 2009, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền. Quy chế này có những điều khoản qui định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải chịu sự quản lý của nhà nước về giá cước. Chính điều này sẽ khiến doanh nghiệp không thể “thích tăng thì tăng, thích giảm thì giảm” được.

“Về chi tiết, sẽ có những văn bản hướng dẫn thêm khi Chính phủ phê duyệt Quy chế” ông Hải cho biết.

Về chuyện độc quyền dịch vụ của K+ trong việc “độc chiếm” phát sóng bóng đá ngoại hạng Anh vào ngày Chủ Nhật, ông Hải cho hay, việc này đúng hay sai còn chưa phân định rõ. Hiện, phía Cục của ông đã trao đổi với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) để xem xét vấn đề này.

“Nếu K+ phạm luật thì xử phạt và yêu cầu tuân thủ luật pháp. Nếu K+ không sai luật, trong trường hợp này, chúng tôi sẽ mời đơn vị nắm giữ phần vốn nhà nước của K+ [Đài Truyền hình Việt Nam - PV] trao đổi, xem có biện pháp giải quyết như thế nào cho hài hòa, tránh những thiệt thòi cho người tiêu dùng,” ông Hải nói.

Trước việc có tới 4 đơn vị của Việt Nam đứng ra mua bản quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh, đẩy kinh phí bản quyền lên cao, ông Hải cho hay, khi Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các quy chế về truyền hình trả tiền thì có rất nhiều ý kiến xoay quanh chuyện này. “Đây chính là ví dụ rất rõ ràng, không có sự phối hợp, bàn bạc đã đẩy giá bản quyền lên cao, nhiều khi bất hợp lý,” ông Hải cho biết.

Để giải quyết vấn đề này, ông Hải cho hay Bộ Thông tin và Truyền thông đang thúc đẩy thành lập Hiệp hội truyền hình trả tiền. Và trong trường hợp này, Hội sẽ là đơn vị mời các doanh nghiệp thành viên ngồi lại với nhau, bàn bạc để đưa ra một quyết định có lợi cho chính doanh nghiệp, từ đó mang lại lợi ích cho người sử dụng./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục