Tụ tập đông người xét nghiệm SARS-CoV-2: Nguy cơ lây lan dịch bệnh

Để có được tấm "giấy thông hành"-kết quả xét nghiệm âm tính-mới được ra vào TP HCM và một số tỉnh khác, người dân phải chen lấn làm xét nghiệm, nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại những điểm này rất cao.
Tụ tập đông người xét nghiệm SARS-CoV-2: Nguy cơ lây lan dịch bệnh ảnh 1Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo giãn cách khi thực hiện xét nghiệm cho học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp PTTH. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã ghi nhận hơn 7.000 trường hợp mắc COVID-19.

Buông lỏng quy định giãn cách?

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, với biến chủng Delta Plus SARS-CoV-2 xuất hiện có khả năng lây lan nhanh, mạnh, nhiều tỉnh/thành phố yêu cầu kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện theo đúng quy định của tỉnh/thành phố như phải có giấy xét nghiệm COVID-19 cho kết quả âm tính khi vào địa bàn hoặc cách ly y tế…

Những trường hợp ra, vào Thành phố Hồ Chí Minh hay nhiều tỉnh khác yêu cầu cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày, không phân biệt xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm RT-PCR.

[Thủ tướng đồng ý để TP Hồ Chí Minh áp dụng có dự lệnh Chỉ thị 16]

Cụ thể, bắt đầu từ ngày 2/7, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tất cả các trường hợp đi/về từ các tỉnh, thành phố khác khi vào tỉnh bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.

Ngày 4/7, Thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cũng quyết định áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 kể từ 0h ngày 5/7. Người từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai muốn vào thành phố phải xét nghiệm âm tính. Với Đồng Nai, quy định này áp dụng vào ngày 15/7.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu từ 12 giờ ngày 7/7 áp dụng cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả những người từ Thành phố Hồ Chí Minh về Hải Phòng; chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày được vào thành phố.

Ngày 7/7, tỉnh Bến Tre bắt đầu áp dụng yêu cầu người đi vào địa bàn tỉnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2…

Nhiều tỉnh công nhận kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR âm tính có giá trị 5 ngày, kết quả xét nghiệm nhanh có giá trị trong thời hạn 3 ngày.

Chính vì vậy, thời gian gần đây, nhiều người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam có hiện tượng người dân chen chúc nhau đi xếp hàng để xét nghiệm lấy giấy chứng nhận âm tính COVID-19... Để có được tấm "giấy thông hành" này, người dân phải chen lấn để làm xét nghiệm, nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại những điểm này rất cao.

Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh việc để mọi người chen chúc nhau đi xét nghiệm như vậy là không ổn, nhất là khi ngành y tế đã yêu cầu phải đảm bảo việc thực hiện giãn cách.

Hơn nữa, theo phó giáo sư Trần Đắc Phu, tờ giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính chỉ là chứng nhận tại thời điểm xét nghiệm về cơ bản người đó không nhiễm SARS-CoV-2, không phải là nguồn bệnh lây cho người khác.

Thực tế những ngày vừa qua cho thấy trong bối cảnh giãn cách xã hội, nhiều nơi vẫn để xảy ra tình trạng tập trung đông người khi tiêm chủng hay lấy mẫu xét nghiệm, khai báo y tế..., dẫn đến nguy cơ lây nhiễm rất nhanh nếu chẳng may có ca F0 trong đám đông.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Phu cho rằng cần sự vào cuộc, kiểm tra và giám sát của chính quyền, các lực lượng chức năng để công tác tổ chức tiêm chủng cũng như xét nghiệm, khai báo y tế đúng kỹ thuật, tuân thủ nghiêm túc các quy định giãn cách trong phòng, chống dịch.

Mấu chốt vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K

Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, đại diện Bộ Y tế cho biết đơn vị này đã có Công điện số 973/CĐ-BYT ngày 30/6/2021 về việc tăng cường phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2 cho người điều khiển, người đi trên phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh trong đó có nội dung hướng dẫn lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2. Bộ Y tế đang bổ sung, làm rõ thời gian có giá trị đối với kết quả xét nghiệm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay theo ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế, các trường hợp ra vào Thành phố Hồ Chí Minh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (không phân biệt xét nghiệm khẳng định hay test nhanh), được thực hiện trước khi đi hoặc đến thành phố trong vòng 3 ngày. Những nơi có thể điều kiện thì áp dụng ngay QR code. Hiện nay, một số tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh đang thực hiện theo quy định này.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để những người đã được xét nghiệm sẽ được cấp chứng nhận dưới dạng mã QR để ra vào những nơi, địa điểm yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính.

Theo Phó giáo sư Trần Đắc Phu, giấy xét nghiệm này chỉ có giá trị về mặt thời điểm, bởi sau khi xét nghiệm, nếu người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch vẫn có khả năng nhiễm SARS-CoV-2 như bình thường và trở thành nguồn lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. 

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) khuyến cáo người dân khi có nhu cầu rời khỏi thành phố cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 có thể liên hệ các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức để được xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc phòng xét nghiệm của các đơn vị được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2.

Như đã phân tích, dù có kết quả xét nghiệm âm tính, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế, để hạn chế lây nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người dân không nên vì giấy xét nghiệm âm tính mà chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp giám sát y tế. Trong 72 giờ sau khi có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, trong hành trình di chuyển, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục