UNFPA: Ưu tiên chăm sóc sức khỏe sinh sản cho tất cả mọi người

Nhân Ngày Dân số Thế giới 2021, PV TTVN trao đổi với bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA ở Việt Nam, về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ, chăm sóc bà mẹ, trẻ em gái ở Việt Nam.
UNFPA: Ưu tiên chăm sóc sức khỏe sinh sản cho tất cả mọi người ảnh 1Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam. (Nguồn: UNFPA Việt Nam)

Ngày Dân số Thế giới là một sự kiện thường niên diễn ra vào ngày 11/7 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu.

Ngày Dân số Thế giới năm nay hướng đến kêu gọi các quốc gia ưu tiên sức khỏe sinh sản và quyền cho tất cả mọi người thông qua việc tiếp cận thông tin, dịch vụ trước sự thay đổi về mức sinh, nhân khẩu học trong bổi cảnh bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Nhân Ngày Dân số Thế giới 2021, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã trao đổi với bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ, chăm sóc bà mẹ, trẻ em gái ở Việt Nam.

Ưu tiên cho sức khỏe sinh sản và quyền của tất cả mọi người

- Trân trọng cảm ơn bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đã trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam. Câu hỏi đầu tiên, xin bà cho biết những điểm chính trong thông điệp của UNFPA nhân Ngày Dân số Thế giới năm nay?

Bà Naomi Kitahara: Trong năm COVID-19 thứ hai, một số nước trên thế giới đang phục hồi và hy vọng quay trở lại trạng thái bình thường, trong khi những quốc gia khác vẫn đang phải vật lộn trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2.

Đại dịch đã làm quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng đến việc cung cấp thông tin, dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Trong khi những người có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục đã từng hoãn việc sinh con trong tình hình bất ổn về tài chính hay khủng hoảng, việc gián đoạn cung cấp các phương tiện tránh thai cộng hưởng với lệnh phong tỏa dự đoán sẽ gia tăng số ca mang thai ngoài ý muốn giữa các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.

Theo một nghiên cứu của UNFPA thực hiện vào hồi tháng Ba vừa qua, ước tính 12 triệu phụ nữ trên thế giới đã gặp gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

Đại dịch cũng đã phơi bày và làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng giới trên toàn cầu: bạo lực giới tăng cao trong giai đoạn phong tỏa; nguy cơ diễn ra nạn tảo hôn và những thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng tăng cao.

Một số lượng rất lớn phụ nữ đã phải rời bỏ lực lượng lao động vì những công việc trả lương thấp mà họ thường làm đã bị cắt giảm, kèm theo sự gia tăng trách nhiệm chăm sóc con cái khi trẻ em phải học tập từ xa, cũng như chăm sóc người cao tuổi mất khả năng đi lại. Hiện thực này gây bất ổn tình hình tài chính của phụ nữ, không chỉ trong hiện tại mà còn trong dài hạn.

[UNFPA cung ứng thêm thiết bị chăm sóc sức khỏe cho y tế Việt Nam]

Năm nay, nhân kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) ra lời kêu gọi toàn cầu về ưu tiên sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và quyền cho mọi người thông qua việc tiếp cận thông tin, dịch vụ trước sự thay đổi về mức sinh và nhân khẩu học.

Trong đại dịch, những gián đoạn cung cấp dịch vụ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản lại càng trở nên trầm trọng hơn khi các dịch vụ này bị coi là không thiết yếu. Có những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng đại dịch có thể bị lợi dụng như một cái cớ để hạn chế hoặc từ chối tạo điều kiện cho việc ra quyết định, tự do đi lại hoặc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái.

Vào thời điểm quan trọng này, chúng ta kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới với chủ đề: Dù là bùng nổ hay sụt giảm tỷ suất sinh, giải pháp luôn nằm ở việc ưu tiên cho sức khỏe sinh sản và quyền của tất cả mọi người.

- Bà đánh giá thế nào về mối quan hệ hợp tác trong năm qua giữa UNFPA và các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị-xã hội ở Việt Nam nhằm bảo vệ bà mẹ và trẻ em gái cũng như công tác kế hoạch hóa gia đình nói chung dưới tác động của đại dịch COVID-19?

Bà Naomi Kitahara: Kể từ khi đại dịch bùng phát, UNFPA đã phối hợp hiệu quả với các đối tác của Chính phủ Việt Nam như Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, các tổ chức đoàn thể... cũng như khu vực tư nhân để hỗ trợ việc cung cấp liên tục và sử dụng các dịch vụ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo như lũ lụt và sạt lở đất liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung trong năm qua.

Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ và giải quyết nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng cho người dân tộc thiểu số, người lao động nhập cư, thanh niên dễ bị tổn thương và người khuyết tật.

Trao quyền cho phụ nữ và nâng cao giá trị của trẻ em gái

- Theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái, cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ở mức rất cao. Là cơ quan của Liên hợp quốc về công tác dân số, xin bà cho biết UNFPA đã có những hoạt động cũng như khuyến nghị gì để giúp Việt Nam khắc phục tình trạng trên?

Bà Naomi Kitahara: Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam được phát hiện lần đầu tiên cách đây 15 năm. Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã cho thấy tình trạng mất cân bằng đáng kể giới tính khi sinh tại Việt Nam. Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam ước tính là 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái vào năm 2019, so với mức chuẩn sinh học "bình thường" là 105 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái.

UNFPA: Ưu tiên chăm sóc sức khỏe sinh sản cho tất cả mọi người ảnh 2 UNFPA kêu gọi ưu tiên sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh và quyền lựa chọn cho mọi người. (Nguồn: UNFPA Việt Nam)

Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam cao thứ ba ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Thậm chí, hiện tại, ước tính mỗi năm thiếu hụt khoảng 45.900 trẻ em gái. Lựa chọn giới tính trước khi sinh phần lớn diễn ra do tâm lý ưa thích con trai vốn đã ăn sâu bắt rễ trong văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Do đó, một trong những biện pháp can thiệp chính của UNFPA tại Việt Nam là hỗ trợ các bộ, ngành liên quan của Chính phủ cũng như các tổ chức xã hội thực hiện các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi trên toàn quốc nhằm thách thức các chuẩn mực văn hóa-xã hội, nâng cao giá trị của trẻ em gái, thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em trai, các nhà lãnh đạo tôn giáo và địa phương, và các tổ chức đoàn thể trong các hoạt động truyền thông.

Thay đổi hành vi và thái độ của người dân là điều không thể đạt được trong một sớm một chiều. UNFPA kêu gọi cần có nhiều chương trình chính sách và can thiệp hơn để giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới, đặc biệt là phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong gia đình; đồng thời cần thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ và nâng cao giá trị của trẻ em gái trong mắt cha mẹ và cộng đồng, cải thiện khả năng tiếp cận hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ, thu hút sự tham gia của nam giới trong việc thiết lập các thực hành gia đình mới và chấm dứt phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái.

UNFPA cũng kêu gọi tiếp tục củng cố việc thực thi các quy định về hình phạt đối với hành vi xác định và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện Chương trình toàn cầu về giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại ở châu Á (2020-2022) do Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (Norad) và UNFPA đồng tài trợ.

Chương trình này nhằm xây dựng, củng cố các chính sách và chương trình quốc gia dựa trên bằng chứng nhằm giải quyết tâm lý thích có con trai, coi thấp giá trị của trẻ em gái và bất bình đẳng giới dẫn đến vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

Có thể nhận thấy rằng việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới xảy ra khi tỷ suất sinh giảm và việc sinh nở bị giới hạn. Với vai trò hỗ trợ các nước thực hiện Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD), UNFPA cho rằng các chính sách cần hoàn toàn thống nhất với nguyên tắc của ICPD. Theo đó "mọi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền cơ bản được tự do quyết định một cách có trách nhiệm về số con, thời điểm sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh" (Nguyên tắc 8 và Chương trình Hành động ICPD, đoạn 7.3).

Mặc dù các chương trình dân số của Việt Nam đã thành công và mang lại kết quả đặc biệt trong những thập kỷ qua nhưng đã đến lúc cần phải đưa ra những chính sách linh hoạt trong các lựa chọn sinh sản, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã thành công trong việc đạt được tăng trưởng kinh tế-xã hội và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Đảm bảo dịch vụ thiết yếu cho người cao tuổi trong đại dịch

- Người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất mắc COVID-19. Xin bà cho biết UNFPA có những khuyến nghị gì và chương trình hỗ trợ ra sao để giúp Việt Nam bảo vệ hơn 11 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,95% dân số) trước đại dịch?

Bà Naomi Kitahara: Người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi và người cao tuổi khuyết tật, có nguy cơ cao nhất và bị ảnh hưởng đáng kể bởi các tình huống khủng hoảng và khẩn cấp như đại dịch COVID-19. Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh lý nền, mãn tính, điều này càng khiến họ dễ chịu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

UNFPA: Ưu tiên chăm sóc sức khỏe sinh sản cho tất cả mọi người ảnh 3Bà Naomi Kitahara trao bộ đồ thiết yếu cho phụ nữ tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. (Nguồn: UNFPA Việt Nam)

Việc giãn cách xã hội, các biện pháp bảo vệ và phòng, chống COVID-19 có thể làm gián đoạn các dịch vụ chăm sóc và sức khỏe cho người cao tuổi, đặt ra những thách thức đặc biệt cho những người cao tuổi khuyết tật. Việc giãn cách xã hội cũng đồng nghĩa với việc giảm tính sẵn sàng trong việc cung cấp dịch vụ tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi và khiến cho người cao tuổi bị cô lập. Điều này dẫn đến việc tiếp cận thông tin, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trở nên khó khăn hơn.

Tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam. Năm 2020, dân số Việt Nam ước tính tăng lên hơn 97,2 triệu người; trong đó, người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên chiếm 8% (7,78 triệu người). Theo ước tính, đến năm 2036, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia dân số già, trong đó dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 14% tổng dân số.

Trong bối cảnh này, điều quan trọng là các dịch vụ bảo trợ xã hội, dịch vụ thiết yếu cho người cao tuổi phải được mở rộng và không bị gián đoạn trong thời kỳ khủng hoảng.

UNFPA kêu gọi xây dựng khung pháp lý và chính sách thông qua cách tiếp cận vòng đời, mang tính chuyển đổi về giới để bảo vệ các cá nhân từ thanh niên đến người cao tuổi, đồng thời trao quyền cho họ và thúc đẩy hòa nhập xã hội trong các bối cảnh phát triển và nhân đạo, đặc biệt liên quan đến khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình, cơ hội việc làm, an ninh tài chính.

Chúng tôi cũng khuyến nghị phát triển hệ sinh thái chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng, trong đó cung cấp nhiều lựa chọn cho từng giai đoạn chăm sóc người cao tuổi phù hợp để đáp ứng nhu cầu cá nhân và đặc biệt của người cao tuổi, chú trọng đến các nhóm dễ bị tổn thương như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực gia đình.

Điều quan trọng là cần thúc đẩy cách tiếp cận vòng đời đối với vấn đề già hóa dân số, tạo điều kiện xây dựng liên kết mang tính tích hợp trong việc hỗ trợ người cao tuổi, khuyến khích sự tham gia của cả khu vực nhà nước và tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và áp dụng công nghệ kỹ thuật số.

Điều này sẽ bao gồm việc trao quyền cho người cao tuổi và đảm bảo người cao tuổi tiếp cận với công nghệ số. Là một phần của phương pháp tiếp cận vòng đời, những người trẻ tuổi cũng cần được hỗ trợ về lập kế hoạch cuộc sống dài hạn để chuẩn bị cho giai đoạn tuổi già.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục