Ứng dụng Blockchain trong tài chính ngân hàng còn nhiều thách thức

Các chuyên gia cho rằng công nghệ Blockchain vẫn đang trong giai đoạn đầu, chính vì vậy khó khăn thách thức còn nhiều như thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và thiếu quy định pháp lý.
Ứng dụng Blockchain trong tài chính ngân hàng còn nhiều thách thức ảnh 1Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 26/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức hội thảo “Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính ngân hàng.”

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh với đặc tính phi tập trung, công nghệ này đã giải quyết được nhiều vấn đề nan giải về lòng tin, tính bảo mật… Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã nhận ra tiềm năng của công nghệ Blockchain (chuỗi khối) và tìm cách áp dụng vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vận tải, logistic, y tế, giáo dục...

[Blockchain Summit: Thúc đẩy phát triển công nghệ blockchain tại VN]

Hiện tại, Blockchain ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài sản số, tiền số. Ngoài một vài dự án crypto (tiền mã hóa) và Blockchain Việt Nam nổi bật như Axie Infinity, Coin98, Kyber Network, TomoChain, KardiaChain… thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, thì phần lớn các ứng dụng blockchain tại thị trường Việt Nam vẫn chưa đạt được thành công nổi bật. Những tiềm năng ứng dụng khác của công nghệ blockchain như truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp, logistics, y tế, giáo dục… chưa được ứng dụng nhiều.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, Blockchain cũng đã và đang dần trở thành trụ cột cho công nghệ ở Việt Nam với nhiều ứng dụng khá hấp dẫn như nền tảng lưu trữ văn bằng trong lĩnh vực đào tạo; thư tín dụng, bảo lãnh hợp đồng, thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng… Chính vì thế, blockchain đang dần được hiểu chính là công nghệ, không phải bitcoin hay tiền điện tử như lầm tưởng trước đây.

Hiện BIDV tiên phong ứng dụng Blockchain trong tài trợ thương mại, trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ Blockchain trong giao dịch phát hành thư tín dụng tới một ngân hàng thông báo ngoài hệ thống. Mặt khác, MB, VPBank, Vietcombank... cũng công bố ứng dụng Blockchain trong giao dịch tài chính. Về phía doanh nghiệp, Viettel ứng dụng Blockchain vào hồ sơ bệnh án điện tử; Misa phát triển hóa đơn điện tử hay một số doanh nghiệp khác ứng dụng thành công Blockchain vào kinh doanh như Masan Group, Bảo Việt, AIA…

Tuy nhiên, theo ông Vũ Công Hùng - Cục phó Cục Công nghệ thông tin Ngân hàng Nhà nước, việc ứng dụng công nghệ Blockchain vẫn còn khó khăn, thách thức về nhiều mặt như: Chi phí băng thông, lưu trữ cao; năng lực xử lý chậm; rủi ro an ninh bảo mật, mất khóa bí mật, thiếu tính riêng tư; thiếu quy định pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng nhấn mạnh tại Việt Nam, công nghệ Blockchain đang trong giai đoạn đầu, đang trên đà phát triển nên những hạn chế là khó tránh khỏi, nhưng những thay đổi tích cực mà công nghệ này mang lại là không thể phủ nhận.

Để thị trường công nghệ Blockchain phát triển đúng hướng, lành mạnh, phát huy được tiềm năng, các chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như bổ sung các cơ chế, chính sách, thúc đẩy và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao…

Nhân dịp này, nhằm gia tăng cơ hội, giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng Blockchain trong ngành tài chính ngân hàng, tại hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blochain Việt Nam./.

Theo đại diện Vụ Thanh toán-Ngân hàng Nhà nước, số lượng các doanh nghiệp Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện nay đã tăng gần 4 lần, từ 40 doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2016, đến cuối năm 2021 đã tăng lên hơn 150 doanh nghiệp, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó doanh nghiệp Bitcoin/Blockchain chiếm gần 8%.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục