Ưu tiên sáng kiến chuyển đổi số trong phòng, chống bắt nạt trên mạng

Việt Nam sẽ tập trung triển khai các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong phòng, chống bắt nạt trên mạng.
Ưu tiên sáng kiến chuyển đổi số trong phòng, chống bắt nạt trên mạng ảnh 1Tài liệu tham khảo cho phụ huynh để hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thời gian qua, Việt Nam luôn nỗ lực trong việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trên môi trường mạng. Vấn đề bắt nạt trẻ em và phụ nữ trên môi trường mạng là một trong những ưu tiên của các bộ, ngành liên quan trong khuôn khổ sáng kiến quốc gia về chuyển đổi số.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị “Việt Nam và Israel phòng chống bắt nạt trên môi trường mạng” do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 20/7 tại Hà Nội.

Theo báo cáo từ UNICEF, 66% trẻ em Việt Nam trả lời không biết các đường dây trợ giúp hoặc hỗ trợ khi bị bắt nạt trên mạng và trẻ từ 10-14 tuổi là đối tượng bị bắt nạt qua mạng nhiều nhất. Bạo lực mạng có thể làm suy kém sức khỏe tâm thần của nạn nhân, khiến  nạn nhân thực hiện các hành vi bạo lực, kết quả học tập suy giảm, bỏ học, thậm chí có thể dẫn đến suy nghĩ tự tử ở một số em.

[Bảo vệ trẻ em trên mạng: Cha mẹ phải đồng hành trong nhận diện rủi ro]

Kể lại một bức thư của nữ sinh lớp 12 tại Hà Nội, bị các bạn ghép ảnh chân dung của mình vào những hình ảnh nhạy cảm và đăng lên nhóm facebook của các bạn nam trong lớp, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chuyên gia bảo vệ trẻ em, Văn phòng đai diện UNICEF tại Hà Nội chia sẻ những lời tâm sự đáng buồn của em: “Em đã dọa các bạn là cháu sẽ chết vì bức ảnh đó, nhưng chúng nó bảo cháu chết luôn đi cho bọn nó ăn mừng và thế là cháu làm liều.”

Ưu tiên sáng kiến chuyển đổi số trong phòng, chống bắt nạt trên mạng ảnh 2Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nghiên cứu của Microsoft vào năm 2020 cho thấy cứ 10 người dùng Internet tại Việt Nam thì có hơn 5 người liên quan đến các hành vi bắt nạt. 21% những người được khảo sát cho biết họ từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối.

Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer nhấn mạnh: ‘‘Vấn đề bắt nạt trên môi trường mạng có những hệ quả nghiêm trọng về mặt tâm lý và thể chất đối với nạn nhân và đã đến lúc chúng ta cùng nhau hành động và chống lại vấn nạn bắt nạt trên môi trường mạng, tránh để ảnh hưởng xấu đến tâm lý của nạn nhân dẫn đến những hậu quả không đáng có”.

Ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết tính tới tháng 9/2022, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á với số lượng người dùng Internet vào khoảng 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Người Việt Nam trung bình dành khoảng 7 tiếng/ngày để truy cập Internet và sử dụng các nền tảng xã hội. Điều này khiến cho người dùng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, dễ có rủi ro bị bắt nạt trên môi trường mạng.

Việt Nam cũng đã vào cuộc mạnh mẽ với việc tập trung xây dựng hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em và phụ nữ trên môi trường mạng, có thể kể đến như Luật Trẻ em 2016, Luật Công nghệ thông tin 2006, Luật An ninh mạng 2018 và các văn bản pháp luật liên quan. cũng đã có các quy định pháp luật liên quan đến bắt nạt trên mạng; trong đó có Luật An ninh mạng (2018), Luật Trẻ em (2016).

Đặc biệt, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy chế phối hợp trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

Ưu tiên sáng kiến chuyển đổi số trong phòng, chống bắt nạt trên mạng ảnh 3Các đại biểu thảo luận về giải pháp phòng, chống bạo lực trên môi trường mạng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội thảo, diễn giả đến từ Israel ông Doron Herman, nhà sáng lập doanh nghiệp giáo dục Safe School Analytics đã chia sẻvề các biện pháp và mô hình mà Israel đang áp dụng để chống bắt nạn trên mạng. Theo đó, Israel đã thành lập một cơ liên bộ, vận hành đường dây nóng 105 để tiếp nhận câu hỏi và báo cáo từ người dân về hành vi bắt nạt mạng.

Bên cạnh đó, các giải pháp công nghệ cũng là thế mạnh của Israel, điển hình là các nội dung giảng dạy do doanh nghiệp của ông Doron Herman phát triển nhằm hỗ trợ nhà trường giáo dục trẻ em về năng lực cảm xúc xã hội và an toàn trên mạng. Ngoài ra, Israel còn có những ứng dụng trên điện thoại, như Keeps Child Safety của Israel, sử dụng AI để nhận diện tin nhắn có nội dung bắt nạt trong điện thoại của trẻ và báo cho cha mẹ trong vòng 20 phút.

Đề xuất về giải pháp phòng chống bắt nạt trên môi trường mạng, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng bên cạnh việc hoàn thiện khung chính sách pháp luật, tăng cường kiến thức, trang bị kỹ năng sử dụng Internet an toàn thì Việt Nam sẽ cần triển khai các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các đơn vị cung cấp dịch vụ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục