Bảo vệ trẻ em trên mạng: Cha mẹ phải đồng hành trong nhận diện rủi ro

Để phòng ngừa lừa đảo thông tin cá nhân của trẻ bị lộ, lọt, điều quan trọng nhất chính là sự quan tâm thực sự của cha mẹ. Bản thân cha mẹ cũng phải trang bị những "kỹ năng số" để bảo vệ trẻ em.
Bảo vệ trẻ em trên mạng: Cha mẹ phải đồng hành trong nhận diện rủi ro ảnh 1Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian sử dụng Internet và đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn của internet. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Thời gian gần đây, khi kết thúc năm học, nhiều cha mẹ đã chia sẻ các thông tin, như bảng điểm, giấy khen, trường, lớp học, tên tuổi... của con trên mạng xã hội mà không biết rằng điều này sẽ giúp kẻ xấu dễ dàng tiếp cận các các thông tin cá nhân của trẻ, có thể dẫn tới các vụ việc lừa đảo.

Thực trạng này cho thấy các bậc phụ huynh còn thiếu kiến thức về bảo vệ quyền riêng tư, thông tin của trẻ em cũng như kỹ năng bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội.

Nguy cơ từ rò rỉ thông tin của trẻ em

Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng một trong số những mối nguy hại tác động tới trẻ em là tình trạng phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ trên môi trường mạng.

Theo bà Đinh Thị Như Hoa, đôi khi chính bố mẹ lại là người chia sẻ thông tin, hình ảnh con trẻ một cách vô tư, không kiểm soát lên mạng xã hội, các diễn đàn... Điều này có thể dẫn tới nhiều ảnh hưởng tiêu cực với trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, hệ thống pháp luật hiện nay ở nước ta về quyền riêng tư của trẻ em và những nội dung thuộc về quyền riêng tư của trẻ em đã được quy định trong Luật Trẻ em. Tuy nhiên, từ quy định để trở thành kiến thức kỹ năng của chính chúng ta, trong đó có các bậc phụ huynh và trẻ em thì không phải dễ dàng.

Trong thực tế, mặc dù người lớn được trang bị nhiều kiến thức kỹ năng nhưng khi có người gọi điện thoại nói rõ tên con, trường học, lớp học, thì như một phản xạ thông thường, họ đã tin tưởng ngay. Có trường hợp kẻ lừa đảo yêu cầu trẻ gái làm một số động tác đơn giản theo mẫu và dụ dỗ nếu trẻ làm theo thì sẽ được tặng một cốc trà sữa, thỏi son....

"Điều này cho thấy những đối tượng có ý định xấu ở trên mạng nắm rất rõ tâm sinh lý của trẻ em và phụ huynh," bà Nguyễn Thị Nga cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, để phòng ngừa lừa đảo, dụ dỗ trẻ thông qua thông tin cá nhân của trẻ bị lộ, lọt, điều quan trọng nhất chính là sự quan tâm thực sự của cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Bản thân cha mẹ cũng phải trang bị những "kỹ năng số" để bảo vệ trẻ em.

"Chính những người thân sẽ đồng hành cùng con, từ việc nhận diện, xác định rủi ro và nếu trẻ bị lừa gạt thông qua các thông tin cá nhân bị lộ lọt thì cha mẹ và thầy cô phải luôn chia sẻ với các em, để giảm thiểu những tổn hại và điều đáng tiếc xảy ra với trẻ," bà Nguyễn Thị Nga cho hay.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Sự phát triển của công nghệ thông tin, internet mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng kèm theo những rủi ro cho trẻ em, nhất là trong thời đại công nghệ số, kỷ nguyên số, công dân số như hiện nay. Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian sử dụng Internet với nhiều mục đích khác nhau như (học tập; xem phim; sử dụng mạng xã hội, theo dõi các nhân vật của công chúng; tìm kiếm thông tin; trò chuyện với bạn bè, người thân…). Việc này cũng khiến trẻ em sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, chuyên gia Chương trình bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trẻ em phải đối mặt với rủi ro khắc nhau và các hình thức gây hại mới trong không gian mạng. Lấy vấn đề bắt nạt làm ví dụ, ông Nguyễn Ngọc Anh chỉ rõ, ngoài đời khi bị bắt nạt, thủ phạm thường là một kẻ mạnh hơn và có thể đi kèm với bạo lực thân thể. Tuy nhiên, trên mạng trẻ em có thể bị dân cư mạng chễ giễu, cợt nhả, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý, thậm chí công kích, đe doạ, làm mất mặt…

“Trẻ em có thể là nạn nhân, người đón nhận, người tham gia hoặc người khởi xướng các hành vi trực tuyến này,” ông Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh.

Bảo vệ trẻ em trên mạng: Cha mẹ phải đồng hành trong nhận diện rủi ro ảnh 2Tài liệu tham khảo cho phụ huynh để hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về xử lý các vụ xâm hại trẻ em trên mạng, Thượng úy Lê Nhật Thịnh, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết Trong quý 1 vừa qua, công an các địa phương đã phối hợp điều tra, xác minh xử lý 135 vụ việc các đối tượng có hành vi thông qua môi trường mạng thực hiện các hành vi xâm hại trẻ em. Trong đó, có 116 vụ việc.... xâm hại tình dục trẻ em; có 13 vụ trẻ em bị phát tán các thông tin xâm hại về đời sống riêng tư, các thông tin bị làm nhục, thông tin bị xúc phạm nhân phẩm, danh dự lên mạng…..

A05 hiện đang yêu cầu ngăn chặn 10.000 trang mạng có nội dung đồi trụy, độc hại đối với trẻ em…Công an các địa phương cũng đã triệt phá các đường dây mà trẻ em bị mua bán qua bán thông qua hình thức nhận con nuôi hay mang thai hộ.

“Vaccine số” cho trẻ em

Trẻ bị xâm hại qua môi trường mạng nguy hiểm không kém đời thực, bởi những nội dung, hình ảnh được phát tán trên môi trường mạng có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ em. Theo đại diện Cục An toàn thông tin, trẻ em cần một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả chặn lọc nội dung trên mạng, giúp các em không bị "phơi nhiễm" trước thông tin xấu, độc.

[Hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng]

“Các công cụ hiện tại chỉ giới hạn trong xử lí hình ảnh và văn bản, còn việc xử lỹ video đòi hỏi công nghệ phức tạp, hầu như không có công cụ chặn lọc nào. Vì vậy, phụ huynh cần cân nhắc cho trẻ xem video từ trên mạng, đồng thời sử dụng công cụ chọn lọc nội dung để bảo vệ tối đa trẻ trên môi trường mạng,” bà Đinh Thị Như Hoa cảnh báo.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh về giải pháp tạo “vaccine số” để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng; hoan nghênh những sáng kiến phần mềm để chặn, lọc, gỡ bỏ, giám sát trẻ em sử dụng internet trong gia đình, trường học.

"Tuy nhiên, tôi khuyến khích ‘vaccine số” phải được tạo từ các giải pháp về mặt kỹ thuật cũng như các kiến thức, kỹ năng đồng hành cùng trẻ của cha mẹ, giáo viên, kỹ năng tôn trọng quyền riêng tư của trẻ, tôn trọng ý kiến của trẻ. Như vậy ‘vaccine số’ mới được trẻ tiếp nhận bền vững,” ông Đặng Hoa Nam chia sẻ./.

Theo báo cáo của Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111: Năm 2022 Tổng đài đã tiếp nhận gần 420 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và 18 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em.

Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2023, Tổng đài 111 tiếp nhận gần 130 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và 3 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em. Trong số gần 130 cuộc gọi thì có hơn 120 cuộc gọi tư vấn và 4 ca kết nối, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục