Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên 27 theo hình thức trực tuyến

Tại Phiên họp này, Ủy ban xem xét, cho ý kiến vào Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên 27 theo hình thức trực tuyến ảnh 1Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)


Phiên họp toàn thể lần thứ 27 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội được tổ chức theo hình thức trực tuyến đã khai mạc sáng 16/4. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Tại Phiên họp này, Ủy ban xem xét, cho ý kiến vào Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và một số đề nghị, kiến nghị xây dựng luật của đại biểu Quốc hội; thẩm tra các Tờ trình và Đề án của Chính phủ về thành lập các thị xã, các phường thuộc thị xã của các tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Phú Yên.

Trong phiên làm việc sáng 16/4, Ủy ban đã xem xét, cho ý kiến về Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 (Chương trình) và một số đề nghị, kiến nghị xây dựng luật của đại biểu Quốc hội.

Đề nghị rút khỏi Chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chương trình năm 2021 gồm 8 dự án luật, pháp lệnh.

Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ chỉ đề nghị đưa 2 dự án vào Chương trình thông qua tại Kỳ họp này là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, do đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, thường chỉ kéo dài 2 tuần và Quốc hội sẽ tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự, nên Chính phủ không đề xuất đưa các dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình kỳ họp này.

[Nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật]

Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình 1 dự án Luật để thông qua là Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đồng thời, Quốc hội sẽ cho ý kiến 5 dự án Luật gồm Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Liên quan đến đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo (rút ra khỏi Chương trình 1 dự án; bổ sung 8 dự án, dự thảo và thay đổi phạm vi sửa đổi với 1 dự án).

Chính phủ đề nghị rút ra khỏi Chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Lý do là nội dung của dự án Luật còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề về kinh tế, tài chính đất đai; khung giá đất; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, an ninh lương thực; quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh...

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết Thường trực Chính phủ đã họp để thảo luận về kế hoạch và định hướng sửa đổi Luật Đất đai. Qua thảo luận, Chính phủ thấy rằng Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên 27 theo hình thức trực tuyến ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật này tại thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp sẽ có tác động lớn đến ổn định chính trị-xã hội, không loại trừ khả năng các thế lực thù địch lợi dụng, kích động làm cho khiếu kiện gia tăng, ảnh hưởng đến ổn định chính trị, trật tự xã hội và Đại hội Đảng các cấp.

Mặt khác, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương sẽ ban hành Nghị quyết mới mang tính chiến lược, toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai.

Do vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành, định hướng sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Đất đai sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trước mắt, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng ngay nghị quyết của Quốc hội để để xử lý, tháo gỡ một số nội dung vướng mắc, nổi cộm gây ách tắc trong thời gian qua.

Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật

Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu đánh giá công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào Chương trình đến xem xét, thông qua tiếp tục có những cải tiến, đổi mới.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế, chậm được khắc phục như tính dự báo của Chương trình không cao, chủ yếu vẫn chạy theo tiến độ trong ngắn hạn; việc đề nghị điều chỉnh Chương trình để bổ sung thêm dự án vẫn diễn ra phổ biến, trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung vào thời điểm gần sát kỳ họp Quốc hội; việc lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả thấp...

Các ý kiến chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện còn yếu, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quy trình xây dựng pháp luật trong nhiều trường hợp chưa được thể hiện và phát huy tối đa.

Bên cạnh đó, trong lập đề nghị xây dựng luật, một số cơ quan được giao chủ trì chuẩn bị chưa có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng, chưa bám sát yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ đồng thời đóng góp các ý kiến vào quá trình chuẩn bị của một số dự án luật cụ thể.

Về đề nghị rút khỏi Chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết việc thi hành Luật Đất đai kỹ lưỡng hơn, nghiên cứu, rà soát những vấn đề bất cập, vướng mắc để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung sau khi có Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu cụ thể, quyết liệt nội dung này. Theo đại biểu, hiện nay, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai khá phổ biến.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật đang hoàn thiện như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP) vẫn vướng mắc nhiều vấn đề liên quan đến đất đai vì đây là luật cơ bản để sử dụng nguồn lực. Vì thế, nếu không sửa đổi kịp thời sẽ rất khó thực hiện.

Các ý kiến thảo luận cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm đầy đủ hồ sơ, tài liệu, không bảo đảm chất lượng và tiến độ; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không chuẩn bị kịp, chất lượng không bảo đảm, phải lùi, rút dự án, dự thảo ra khỏi Chương trình để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời có giải pháp kiên quyết xử lý để tiến tới chấm dứt tình trạng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục