Vang châu Âu: Nạn nhân tranh chấp EU-Trung Quốc

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rượu vang Bordeaux, ngành công nghiệp sử dụng tới 55.000 nhân công.
Quan ngại về một cuộc chiến thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc ngày càng gia tăng sau khi Bắc Kinh ngày 5/6 tuyên bố mở cuộc điều tra chống phá giá nhằm vào rượu vang nhập khẩu từ châu Âu, một quyết định gióng lên hồi chuông báo động đối với các nhà sản xuất rượu vang truyền thống tại Bordeaux, Pháp.

Ông Allan Sichel, Chủ tịch Liên đoàn các nhà kinh doanh rượu vang Bordeaux, nói quyết định của Trung Quốc "sẽ là một thảm họa" đối với hầu hết các nhà sản xuất châu Âu.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rượu vang Bordeaux, ngành công nghiệp sử dụng tới 55.000 nhân công. Trung bình cứ năm chai rượu do vùng vang nổi tiếng này sản xuất thì có một chai bán sang Trung Quốc.

Tuyên bố kiện chống bán phá giá rượu vang được đưa ra đúng một ngày sau khi Ủy ban châu Âu quyết định áp đặt mức thuế 11,8% chống bán phá giá mặt hàng tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mức thuế này sẽ tăng lên 47,6% trong hai tháng nữa nếu như hai bên không tìm ra giải pháp tháo ngòi nổ tranh chấp.

Bình quân mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu từ châu Âu 763 triệu euro rượu vang, trong đó từ Pháp 546 triệu euro, từ Tây Ban Nha 89 triệu và Italy 77 triệu.

[Đức lo chiến tranh thương mại giữa EU-Trung Quốc]

Quyết định trả đũa của Trung Quốc do đó sẽ tác động trực tiếp đến Pháp, nước hậu thuẫn mạnh mẽ cho vụ kiện chống phá giá tấm pin mặt trời.

Ngày 5/6, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi các nước thành viên EU đoàn kết để đối phó với Bắc Kinh trong vụ kiện chống phá giá tấm pin mặt trời, yêu cầu triệu tập một cuộc họp để thống nhất lập trường trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, nội bộ EU rất chia rẽ xung quanh vấn đề này. Bộ trưởng Kinh tế Đức Philipp Roesler ngày 5/6 đã tái khẳng định quyết định của Ủy ban châu Âu là một "sai lầm nghiêm trọng."

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU với kim ngạch hai chiều năm 2012 lên đến 418 tỷ euro (546 tỷ USD).

Một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu bày tỏ tin tưởng Bắc Kinh sẽ không có cơ sở chứng tỏ rượu vang châu Âu được trợ cấp để bán vào thị trường này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục