Vì sao New York trở thành bang có tăng trưởng kinh tế yếu nhất tại Mỹ?

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của bang New York đạt gần 1.800 tỷ USD vào năm 2019, ngang bằng với GDP của Italy và đóng góp hơn 8% vào GDP tổng thể của Mỹ trong năm đó.
Vì sao New York trở thành bang có tăng trưởng kinh tế yếu nhất tại Mỹ? ảnh 1Người dân di chuyển trên một tuyến phố mua sắm ở New York, Mỹ ngày 7/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, New York có nền kinh tế mạnh thứ ba trong số các bang của Mỹ, chỉ sau Texas và California. Tuy nhiên, hiện New York lại đang là bang có mức tăng trưởng kinh tế yếu nhất tại ”xứ cờ hoa”.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của bang New York đạt gần 1.800 tỷ USD vào năm 2019, ngang bằng với GDP của Italy và đóng góp hơn 8% vào GDP tổng thể của Mỹ trong năm đó. Hơn 1.000 tỷ USD trong số đó đến từ hoạt động kinh tế ở thành phố New York.

Năm 2020, GDP của New York giảm xuống còn 1.700 tỷ USD. Điều đó nghe có vẻ không phải là một sự khác biệt lớn, nhưng hàng nghìn tỷ USD được giao dịch tại đây mỗi tuần. Việc hoạt động kinh tế của các bang chủ chốt hoạt động kém hiệu quả tác động bất lợi tới sự phục hồi của toàn bộ quốc gia.

[Mỹ: New York tổ chức diễu hành tôn vinh lực lượng tuyến đầu chống dịch]

GDP của New York giảm 5,9% vào năm 2020, lớn hơn mức giảm tổng GDP của Mỹ, đẩy bang này xuống vị trí thứ 47 trong tổng số 50 bang về tăng trưởng kinh tế.

Tình hình việc làm của New York thậm chí còn tồi tệ hơn, với tỷ lệ thất nghiệp 7,8%, đưa bang này trở thành một trong những bang có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trên toàn nước Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ nói chung ở mức 6,1% trong tháng 4/2021 và giảm xuống 5,8% vào tháng 5/2021.

Yếu tố lớn nhất khiến kinh tế bang New York tụt hậu là mức độ và phạm vi tàn phá kinh tế mà thành phố New York phải hứng chịu trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19, khi nơi đây trở thành "tâm dịch." Điều này dẫn đến các quy định phong tỏa tại New York nghiêm ngặt hơn ở nhiều nơi khác tại Mỹ.

Hơn nữa, nền kinh tế thành phố New York phụ thuộc rất nhiều vào các ngành dịch vụ. Các văn phòng trống vắng khi chỉ một số nhân viên đi làm. Đó chính là tin xấu đối với các cửa hàng cà phê, tiệm giặt khô và các điểm ăn trưa chuyên phục vụ các khu văn phòng.

Nhà kinh tế Matt Colyer của Moody's Analytics cho biết, hoạt động đi công tác và du lịch “đóng băng” cũng ảnh hưởng tới kinh tế của New York. Và những thách thức vẫn chưa hết ngay cả khi tình trạng “bình thường mới” được thiết lập khi đại dịch dịu xuống, tỷ lệ khách đến dùng bữa ở nhà hàng tại New York vẫn thấp hơn 40% so với trước đại dịch, trong khi toàn quốc chỉ giảm 13%.

Ông Colyer hy vọng việc New York dỡ bỏ các hạn chế của bang này vào tuần trước sẽ giúp khoảng cách đó sẽ được thu hẹp.

Bang New York đã thận trọng hơn hầu hết các bang khác trong việc dỡ bỏ các hạn chế để tránh sự bùng phát trở lại của COVID-19, song những vết “sẹo” về kinh tế mà đại dịch này để lại sẽ còn ảnh hưởng tới bang này trong một thời gian nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục