Việt Nam: 4.300 người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than mỗi năm

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu trường Đại học Harvard, số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người mỗi năm.
Việt Nam: 4.300 người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than mỗi năm ảnh 1Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh (công suất 1.200 MW) đang trong thời gian xây dựng. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Ngày 29/9, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng Tạo Xanh (GreenID) phối hợp với Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức hội thảo “Than và Nhiệt điện than: Những điều chưa biết.”

Tại hội thảo này, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Havard lần đầu tiên công bố kết quả nghiên cứu về “Các tác động liên quan tới sức khỏe do gia tăng phát thải từ than” ở khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam.

Ông Lauri Myllyvirta, một trong những thành viên trong nhóm cho biết theo báo cáo của nhóm nghiên cứu trường Đại học Harvard, số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người mỗi năm.

Nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành thì con số này sẽ có thể tăng lên đến 25.000 người chết yểu mỗi năm.

Trong bối cảnh kinh tế đất nước ngày càng phát triển như hiện nay, số người chết vì nhiệt điện than chắc chắn sẽ có xu hướng ngày càng tăng cao, chưa kể kèm theo đó là chi phí y tế khổng lồ do sự suy giảm về sức khỏe của người dân.

Theo Trung tâm Phát triển Sáng Tạo Xanh, quá trình đốt than thải ra một lượng lớn các chất ô nhiễm không khí có thể lan rộng trong phạm vi hàng trăm km, bao gồm các hạt vật chất, lưu huỳnh dioxit (SO2), oxit nitơ (NOx), carbon dioxit (CO2), thủy ngân và thạch tín.

Vì một số chất sẽ phản ứng trong khí quyển tạo thành ôzôn và các hạt vật chất có kích thước nhỏ hơn. Việc tiếp xúc với các chất này sẽ phá hủy tim mạch, đường hô hấp và hệ thần kinh của con người, tăng nguy cơ ung thư phổi, đột quỵ, các bệnh tim mạch, bệnh đường hô hấp mãn tính và các bệnh hô hấp truyền nhiễm chết người.

Trẻ em, người già, phụ nữ có thai và người có vấn đề về sức khỏe là những đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Ngoài ra, các khí sunfat và nitrat còn gây ra mưa axit, hủy hoại những dòng suối, những cánh rừng.

Đặc biệt, nhiệt điện than cũng đang tác động gây hại cho mùa màng và đất đai. Trong khi đó, hiện khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đã có cả chục nhà máy nhiệt điện than đã và sẽ tiếp tục được xây dựng.

Bên cạnh đó, VSEA cũng sẽ công bố các kết quả nghiên cứu về tác động tới môi trường nước tại thành phố Hạ Long từ Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh, chia sẻ các tư liệu thu thập được tại các khu vực đã và đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện trên cả nước, đặc biệt là ở Quảng Ninh - trung tâm của ngành than Việt Nam, sau sự cố mưa lũ đầu tháng 8 vừa qua.

Ông Đặng Ngọc Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi với biến đổi khí (Cewwarec) thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, người đã có sự khảo sát và nghiên cứu về tác động của điện than tới nguồn nước của thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, cho biết Quảng Ninh được xem là trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước, tính đến tháng 3 có 5 cụm nhà máy nhiệt điện với tổng số công suất là 4570 MW, tổng sản lượng điện hàng năm là 26,78 tỷ KWh.

Bên cạnh sự phát triển về nhiệt điện than, du lịch Vịnh Hạ Long cũng đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế của địa phương.

Hiện Vịnh Hạ Long đang bị bao vây bởi 3 nhà máy chạy than, trong đó có nhà máy nhiệt điện than Quảng Ninh với công suất 1200 MW.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của các nhà máy nhiệt điện than và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng do sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế, nhiệt điện than đang là mối đe dọa lớn đến sức khỏe cộng đồng và môi trường, đặc biệt là môi trường nước.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng Tạo Xanh, trong bước chuyển mình của năng lượng thế giới từ việc tập trung khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, Việt Nam đang có những bước đi trái chiều thể hiện qua việc Quy hoạch Điện 7 đặt mục tiêu gia tăng t​ỷ trọng của nhiệt điện than lên hơn 50% vào năm 2030.

Theo số liệu được GreenID công bố, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than sẽ thải ra một lượng tro khổng lồ gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe cộng đồng, ước tính khoảng 14,8 triệu tấn mỗi năm từ năm 2020 và lên đến 29,1 triệu tấn mỗi năm từ năm 2030.

Ngoài ra, an ninh năng lượng của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi việc đặt trọng tâm quá lớn (hơn 1/2 cơ cấu nguồn điện) vào nhiệt điện đốt than.

Trong khi dự báo của các chuyên gia đưa ra cho thấy, than nội địa phục vụ việc phát điện sẽ không thể đáp ứng đủ trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khối lượng than rất lớn (46,7 triệu tấn than năm 2020 và năm 2030 phải nhập 157 triệu tấn than mỗi năm).

Tuy vậy, việc nhập than với số lượng lớn theo hợp đồng dài hạn là một vấn đề không đơn giản, chưa kể tới sự phụ thuộc vào biến động giá trên thị trường quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ những vấn đề lớn do hệ lụy từ than và nhiệt điện than gây ra đối với môi trường và sức khỏe con người, như nghiên cứu về các gánh nặng bệnh tật do tăng phát thải từ than trong khu vực Đông Nam Á, sự phát triển của ngành than và nhiệt điện than lên nguồn nước của Nhà máy Nhiệt điện than Quảng Ninh; các tác động của than tới môi trường và sức khỏe, kinh nghiệm từ Mỹ, Trung Quốc và Indonesia...

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận và đưa ra những giải pháp liên quan đến các vấn đề về than và nhiệt điện than, trong đó tập trung vào các giải pháp trọng tâm cần xem xét vấn đề chất lượng không khí và đánh giá những tác động đến sức khỏe khi quy hoạch các nhà máy điện, các ngành công nghiệp, giao thông vận tải; công khai dữ liệu về mức phát thải của nhà máy tại từng thời điểm và hàng năm; đẩy mạnh thực thi các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, tiết hiệu, xác định công nghệ thích hợp để tăng hiệu suất, giảm phát thải, nâng cao tỷ lệ năng lượng gió, mặt trời...; tính đủ các chi phí ngoại biên vào giá thành điện; cần rà soát và loại bỏ những nhà máy nhiệt điện than có khả năng gây tác động lớn và tiêu cực tới môi trường, xã hội và có hiệu quả kinh tế thấp, cân nhắc giảm ít nhất 30-35 nghìn MW nhiệt điện than vào năm 2030 trên cơ sở đầu tư vào sử dụng tiết kiệm và tính toán lại nhu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục