Myanmar: Hấp dẫn đầu tư

Việt Nam đầu tư sang Myanmar gần 500 triệu USD

Hiện có 11 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép đầu tư tại Myanmar, trong đó 4 dự án đang triển khai với tổng giá trị 460 triệu USD.
Ngày 20/3, tại Hà Nội, Phó Tổng thống Myanmar Nyan Tun và đoàn doanh nghiệp nước này đã làm việc với Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar (AVIM).

Cuộc gặp nhằm trao đổi thông tin, điểm lại tình hình hợp tác kinh tế giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước thời gian qua và thúc đẩy hoạt động giao thương trong thời gian tới.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch AVIM, đồng Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, đến thời điểm này đã có 11 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép hoạt động tại Myanmar, trong đó có 4 dự án đang triển khai với tổng giá trị hơn 460 triệu USD.

Dự kiến, trong năm 2013 này, mức đầu tư của Việt Nam sang Myanmar đạt trên 500 triệu USD và đến năm 2015 đạt tối thiểu 1 tỷ USD.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam nhận định Myanmar là một thị trường mới nổi, giàu tiềm năng, nhất là đối với hàng tiêu dùng và nông nghiệp, công nghệ chế biến. Gần đây, đã có 25 đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar tìm hiểu khả năng hợp tác đầu tư hoặc triển khai hoạt động thương mại, trong đó có nhiều đơn vị có thế mạnh về vốn, công nghệ và uy tín như: Hoàng Anh Gia Lai, Simco Sông Đà, BIDV, Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí, FPT, Viettel…

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, chế biến thực phẩm, trồng cây công nghiệp, phát triển hạ tầng, cảng biển và năng lượng ở Myanmar.

Ông Lê Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai Land cho biết, dự kiến đầu tháng 6 này, Tập đoàn sẽ khởi công xây dựng Dự án xây dựng trung tâm văn hóa thương mại và khách sạn tại Myanmar với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD.

Ngoài ra, Dự án khai thác đá marble của Công ty cổ phần Simco Sông Đà, với tổng vốn đầu tư 18 triệu USD, cũng đã cơ bản hoàn thành các thủ tục pháp lý, nhà đầu tư đang xây dựng các công trình phụ trợ, đường quốc lộ vào các khu vực mỏ để đưa vào khai thác chính thức trong quý III/2013.

Lãnh đạo BIDV cho biết, Ngân hàng muốn là đơn vị tiên phong đầu tư vào Myanmar, đảm nhận vai trò cầu nối, kết hợp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn ở đây. Hiện tại cũng là thời gian chín muồi để BIDV chuẩn bị các bước cho việc thành lập một ngân hàng liên doanh hoặc sở hữu 100% vốn ở Myanmar.

Để thúc đẩy các hoạt động đầu tư, thương mại của Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đề xuất với chính phủ Myanmar sớm có quy định hướng dẫn đồng bộ về thực hiện Luật đầu tư mới, để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng hiểu, nắm rõ và triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Myanmar xem xét thực hiện cơ chế miễn thị thực – visa cho các tổ chức và cá nhân Việt Nam sang Myanmar đầu tư nhằm tạo thuận lợi giao thương, hợp tác đầu tư hai nước.

Phó Tổng thống Myanmar Nyan Tun nhấn mạnh, Myanmar luôn hoan nghênh nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ để phát triển thị trường, nâng cao quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phó Tổng thống cũng ghi nhận những đóng góp và kết quả đầu tư, giao lưu thương mại của doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đồng thời khẳng định Chính phủ Myanmar tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, nhất là cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, ban hành các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh để doanh nghiệp nước ngoài nói chung, Việt Nam nói riêng yên tâm kinh doanh lâu dài tại Myanmar.

Cũng trong chuyến thăm lần này tại Việt Nam, Phó Tổng thống Myanmar và lãnh đạo cấp cao cũng có các buổi làm việc với Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT và thăm các khu công nghệ cao, khu đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục