Việt Nam đóng góp vào các vấn đề y tế chủ chốt toàn cầu

Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến vào các vấn đề y tế thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới, trong đó có các bệnh lý gây tổn thương thần kinh, trí tuệ như bệnh Alzheimer...
Việt Nam đóng góp vào các vấn đề y tế chủ chốt toàn cầu ảnh 1Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng WHO. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)

Trong hai ngày 30 và 31/5, đoàn đại biểu Bộ Y tế Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu tham gia phiên họp lần thứ 139 Hội đồng chấp hành Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ).

Hội đồng chấp hành WHO là cơ quan thực thi các quyết định và chỉ đạo của Đại hội đồng Y tế thế giới, đề xuất và chuẩn bị các chương trình nghị sự cho Đại hội đồng Y tế thế giới, do đó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định các chính sách y tế chủ chốt trên cấp độ toàn cầu.

Với nhiệm kỳ ba năm (bắt đầu từ tháng 5/2016 đến tháng 5/2019), Việt Nam là một trong 34 thành viên của Hội đồng chấp hành WHO.

Tại phiên họp lần thứ 139 Hội đồng chấp hành WHO, Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến vào các vấn đề y tế thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới, trong đó có các bệnh lý gây tổn thương thần kinh, trí tuệ như bệnh Alzheimer, việc xây dựng chương trình hành động nhằm phòng ngừa tật điếc và suy giảm thính lực, tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe con người...

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tới trọng trách và đóng góp của Việt Nam với tư cách thành viên Hội đồng chấp hành WHO vào các vấn đề y tế toàn cầu.

Tại diễn đàn Hội đồng chấp hành WHO cũng như Đại hội đồng Y tế thế giới, Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm trong việc đối phó với các dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm như Ebola, Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS-CoV)... vốn đang là những thách thức y tế toàn cầu.

Thời gian qua, ngành y tế Việt Nam đã ngăn chặn các dịch nguy hiểm kể trên xâm nhập vào lãnh thổ quốc gia.

Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện các "Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ" về lĩnh vực y tế, được Liên hợp quốc và cộng đồng thế giới đánh giá cao.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, là nước có thu nhập trung bình, Việt Nam coi trọng cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho người dân.

Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được ưu tiên phát triển tại khắp các vùng, miền trong cả nước để phát huy thế mạnh y tế cơ sở là nơi gần dân nhất, cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho người dân, gắn với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Thông qua mạng lưới y tế cơ sở để triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia: Tiêm chủng mở rộng; Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em; Dân số - kế hoạch hóa gia đình; Giám sát dịch bệnh... Đến nay, các chỉ số sức khỏe của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đại diện cho khối các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hội đồng chấp hành WHO, Việt Nam sẽ góp thêm tiếng nói từ các quốc gia đang phát triển với các hệ thống y tế đang trong quá trình chuyển đổi.

Những khách thức và khó khăn trong phát triển y tế của Việt Nam và các nước sẽ được quan tâm nhiều hơn trong quá trình thế giới và khu vực xây dựng và thực thi các chính sách y tế.

Trong nhiệm kỳ 2016-2019, Việt Nam và Fiji là hai đại diện cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Tây Thái Binh Dương tại Hội đồng chấp hành WHO.

Hội đồng chấp hành toàn cầu của WHO gồm 34 quốc gia thành viên được bầu từ sáu khu vực trên thế giới, gồm châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương.

Khu vực Tây Thái Bình Dương có năm ghế thành viên tại Hội đồng chấp hành toàn cầu, ngoài Việt Nam và Fiji, còn có Trung Quốc (nhiệm kỳ 2014-2017), New Zealand (2015-2018) và Philippines (2015-2018)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục