Việt Nam hướng đến gia nhập Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức

Theo đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc nghiên cứu, đề xuất gia nhập Công ước 105 là công việc quan trọng, hết sức cần thiết nhưng cũng cần được thực hiện một cách thận trọng
Việt Nam hướng đến gia nhập Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 2/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo hồ sơ trình gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước thảo luận, cho ý kiến về sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với các tiêu chuẩn của Công ước 105, góp phần thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động, xã hội và những cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó có việc tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Từ vị trí này, Việt Nam xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của các công ước cơ bản của ILO, trong đó có Công ước số 105.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (Việt Nam đã ký kết vào ngày 30/6/2018) thể hiện cam kết tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, trong đó có các tiêu chuẩn về xóa bỏ lao động cưỡng bức; tiến hành các nỗ lực liên tục nhằm tiến tới gia nhập các công ước cơ bản của ILO mà Việt Nam còn chưa gia nhập.

Đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (Việt Nam đã ký kết ngày 8/3/2018 và phê chuẩn ngày 12/11/2018), các nước thành viên Hiệp định cũng cam kết thông qua và duy trì trong luật và trên thực tế những tiêu chuẩn lao động cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO, trong đó có các tiêu chuẩn theo Công ước số 105 của ILO.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, hồ sơ đề xuất gia nhập Công ước 105 được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, chuẩn bị theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và đã lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành liên quan.

“Việc nghiên cứu, đề xuất gia nhập Công ước 105 là công việc quan trọng, hết sức cần thiết nhưng cũng cần được thực hiện một cách thận trọng trên cơ sở nghiên cứu một cách kỹ lưỡng các nội dung của Công ước và điều kiện, đặc điểm của Việt Nam," ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

[ILO: Chất lượng việc làm đang là một thách thức đối với Việt Nam]

Phát biểu tại buổi tham vấn, ông Nguyễn Ngọc Triệu, đại diện ILO tại Việt Nam, đánh giá cao những nỗ lực đáng kể của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là khi Việt Nam thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi. Việc Việt Nam đang thực hiện những công việc cụ thể để gia nhập Công ước 105 cho thấy sự cam kết của Việt Nam được duy trì tích cực để đáp ứng nhu cầu về các vấn đề lao động trong nước và yêu cầu khi gia nhập các hiệp định tự do thế hệ mới.

Theo ông Nguyễn Ngọc Triệu, cùng với Công ước 29 (Việt Nam đã gia nhập vào năm 2007), nếu Việt Nam được phê chuẩn gia nhập Công ước 105 trong thời gian tới thì sẽ có những tác động toàn diện hơn nữa trong quá trình Việt Nam cam kết loại bỏ lao động cưỡng bức.

"Việc phê chuẩn Công ước 105 sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm đáp ứng sự cần thiết của môi trường lao động an toàn, được bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, tạo thuận lợi cho tiến trình triển khai hiệp định thương mại tự do, hướng tới kết quả dự toán về tăng trưởng GDP cao hơn trong những năm tới, hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ nhân quyền, ổn định chính trị-xã hội và sự công bằng chia sẻ thịnh vượng," ông Nguyễn Ngọc Triệu nhận định.

Việt Nam hướng đến gia nhập Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức ảnh 2Ông Nguyễn Ngọc Triệu, đại diện ILO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Giới thiệu tổng quan về Công ước 105, ông Pelce Alain, chuyên gia cao cấp của ILO, cũng nhấn mạnh nội dung cơ bản của công ước này là yêu cầu loại bỏ 5 hình thức lao động cưỡng bức được quy định tại điều 1 và điều 2 (trong tổng số 10 điều).

Tại điều 1, Công ước 105 quy định về việc mọi nước thành viên của ILO cam kết loại bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó như là một biện pháp cưỡng chế hay giáo dục chính trị hoặc như một sự trừng phạt đối với những ai đang có hoặc đang phát biểu chính kiến hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội, hoặc kinh tế đã được thiết lập.

Cam kết loại bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó như một biện pháp huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế; như một biện pháp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động; như một sự trừng phạt đối với việc đã tham gia đình công hay như một biện pháp phân biệt đối xử về chủng tộc, xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề đang phát sinh từ thực tiễn quan hệ lao động có liên quan đến những tiêu chuẩn được đề cập tại Công ước 105; những việc cụ thể cần làm tiếp theo nhằm tiến tới đề xuất gia nhập Công ước này.

Các đại biểu cũng đánh giá sự phù hợp giữa quy định của pháp luật Việt Nam và quy định Công ước 105; những điều cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật khi gia nhập Công ước 105; đánh giá tác động của việc gia nhập và dự kiến kế hoạch thực hiện khi gia nhập Công ước 105...

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, với tư cách thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đến nay, Việt Nam đã gia nhập 24 Công ước của ILO, trong đó, có 6/8 Công ước cơ bản.

Hai công ước cơ bản còn lại Việt Nam chưa gia nhập là Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức, Công ước số 87 về quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục