Việt Nam hướng tới giảm tỷ lệ thấp còi trẻ dưới 3 tuổi

Sau 10 năm thực hiện chiến lược về dinh dưỡng, Việt Nam đạt những thành tích đáng khích lệ trong việc giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng.
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng, Việt Nam đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ trong việc giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi như tình trạng dinh dưỡng của trẻ em đã được cải thiện đáng kể và đã đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam vẫn nằm trong số 16 quốc gia có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao trên phạm vi toàn cầu.

Từ những con số biết nói...

Trên cơ sở khảo sát 1.200 bà mẹ tuổi từ 18-40 có con dưới 4 tuổi ở cả ba vùng Bắc, Trung và Nam theo khu vực thành thị và nông thôn, Viện nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nghiên cứu về bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ từ 6-36 tháng.

Thạc sỹ Hà Thị Minh Khương, Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết một trong những phát hiện đáng lưu ý từ nghiên cứu này là nhìn chung, việc lựa chọn các loại hình thức ăn bổ sung chưa được thực hiện đúng cách và chưa được các bà mẹ chú trọng. Mặc dù Việt Nam đã ban hành các chính sách nhằm bảo đảm cho việc nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi, nhưng dinh dưỡng bổ sung song song với sữa mẹ cho trẻ dường như vẫn chưa được đánh giá đúng mức.

Vẫn còn nhiều bất cập trong bổ sung dinh dưỡng cho trẻ về thời điểm, các loại thực phẩm, khẩu phần, nhận thức của người mẹ trong việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ. Có tới 65% bà mẹ cho trẻ ăn bổ sung không đúng độ tuổi khuyến nghị, quá sớm tức dưới 5 tháng tuổi hoặc quá muộn sau 10 tháng tuổi. Hậu quả ăn sớm khiến nhu cầu bú sữa mẹ của trẻ ít đi và người mẹ cũng tiết ra ít sữa hơn khiến trẻ không nhận dưỡng chất quan trọng của sữa mẹ cho hệ miễn dịch hoặc ăn quá muộn là nguyên nhân trẻ chậm phát triển và bị suy dinh dưỡng. Gần 5% số trẻ không được bổ sung nước theo khuyến nghị.

Các sản phẩm gia vị như hạt nêm và dầu ăn chưa được chú ý bổ sung vào khẩu phần ăn của trẻ. 35% bà mẹ chưa bổ sung dầu ăn vào bữa ăn của trẻ nên thiếu hụt về hàm lượng lipid. Một số ít các bà mẹ cho trẻ uống các loại đồ uống bị coi là không tốt như nước giải khát đóng chai hoặc nước uống sôcôla. Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ chưa đảm bảo sự đa dạng và cân đối các loại thức ăn, vẫn còn một số trẻ ăn các thức ăn bổ sung có hàm lượng dinh dưỡng thấp. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế hoặc thiếu kiến thức không biết chất béo có nhiều trong đậu phộng, mè... hay cho rằng các loại thực phẩm này chỉ phù hợp cho người lớn.

Đa phần các bà mẹ chưa từng sử dụng bất cứ loại thuốc bổ gì cho trẻ từ 7-24 tháng tuổi. Trẻ nhỏ ở nông thôn chưa được bổ sung bất cứ loại vi chất nào cao gần 2 lần so với trẻ ở thành thị. Việc cho trẻ bổ sung thuốc bổ phải có sự chỉ định của bác sỹ còn rất hạn chế. Chỉ có 1/2 số bà mẹ có sử dụng các loại thuốc bổ cho trẻ theo kê đơn của bác sỹ. Các bà mẹ bị thiếu hụt thông tin và kiến thức dinh dưỡng cho trẻ nhỏ từ nguồn truyền thông chính thống mà ảnh hưởng nhiều từ các kinh nghiệm hay thói quen nuôi dưỡng trẻ nhỏ theo tập quán.

Hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ thấp còi cho trẻ

Nhà nước có nhiều chính sách về dinh dưỡng trẻ nhỏ nhưng hạn chế trong thực thi và tuân thủ như vi phạm các quy định của Nghị định 21 về nhãn mác, quảng cáo sai sự thật, khuyến mại các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, tài trợ, tặng biếu cán bộ y tế... diễn ra phổ biến. Việc đánh giá hiệu quả của các dự án phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở các cấp còn hạn chế. Nguồn lực, kinh phí và cơ sở vật chất cho chương trình dinh dưỡng trẻ nhỏ còn hạn chế, nhất là nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ thấp còi cho trẻ dưới 3 tuổi còn 26% vào năm 2015 và 23% vào năm 2020, Viện nghiên cứu Gia đình và Giới đề xuất các hàm ý chính sách như tập trung hỗ trợ nâng cao nhận thức và kiến thức cho các bà mẹ về thời điểm ăn bổ sung, đúng khẩu phần, có kiến thức lựa chọn các sản phẩm dinh dưỡng an toàn và sẵn có ở địa phương. Nhà nước cần có các chính sách bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về dinh dưỡng bổ sung một cách đầy đủ và thuận tiện nhất cho các bà mẹ, mở rộng truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ đến nhiều đối tượng; bảo đảm khả năng tiếp cận thuận lợi với các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung an toàn và tốt nhất như mở rộng thị trường thực phẩm hữu cơ, thị trường sữa an toàn ...

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ dưới 3 tuổi cũng như ở rộng chương trình dinh dưỡng sữa học đường tới cả nhóm tuổi nhỏ hơn; tập trung thực hành dinh dưỡng bổ sung cho trẻ từ 7-36 tháng tuổi, giai đoạn trẻ dễ bị suy dinh dưỡng nhất. Vấn đề quan trọng là việc lựa chọn dinh dưỡng bổ sung tốt và phù hợp nhất cho con mình phải được xem là quyền và cũng là trách nhiệm cao nhất thuộc về người mẹ.

Khuyến nghị của cơ quan y tế Việt Nam

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng đối với trẻ em từ 6-36 tháng tuổi được khuyến nghị theo bốn nhóm dinh dưỡng chính sau: nhóm chất đạm có trong thịt, cá, tôm, trứng, sữa...; nhóm bột đường có trong ngũ cốc, chất xơ (glucid) có trong rau, hoa quả và mức tiêu thụ không quá 10% nhu cầu các chất glucid; nhóm chất béo có nguồn gốc thực vật và động vật như dầu, mỡ... và nhu cầu năng lượng cho trẻ 6-12 tháng là 40%, 1-3 tuổi là 35-40% năng lượng tổng số; và nhóm các vi chất dinh dưỡng, vitamin tan, nhu cầu nước và các chất điện giải.

Cuối năm 2012, Việt Nam mới ban hành được Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi. Trên thực tế, hiểu biết của các bà mẹ về các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung chủ yếu được hình thành từ các quan niệm và thói quen truyền thống, thông qua gia đình và bạn bè, đặc biệt là ở các vùng nông thôn./.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục