Việt Nam là 'tâm chấn' của làn sóng đầu tư Hàn Quốc vào Đông Nam Á

Trong vòng 1 đến 2 năm tới, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hiện thực hóa ‘mục tiêu kép’ - đưa kim ngạch thương mại song phương hai nước và tổng vốn đầu tư lũy kế cùng cán mốc 100 tỷ USD.
Việt Nam là 'tâm chấn' của làn sóng đầu tư Hàn Quốc vào Đông Nam Á ảnh 1Hàn Quốc đang đứng thứ 2/97 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy Hàn Quốc đang đứng thứ 2/97 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 290 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3,8 tỷ USD trong 9 tháng của năm 2022.

Điểm đến của doanh nghiệp Hàn Quốc

Tại tọa đàm “Thúc đẩy dòng vòng Hàn Quốc vào Việt Nam” do báo Việt Nam News (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức ngày 18/10 nhân dịp 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, bà Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nhấn mạnh: “Ngoài việc trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN, Việt Nam còn là đối tác trọng tâm của Hàn Quốc trong chính sách hướng Nam mới với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang hoạt động đầu tư hiệu quả.”

Việt Nam là 'tâm chấn' của làn sóng đầu tư Hàn Quốc vào Đông Nam Á ảnh 2Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện cho các nhà đầu tư Hàn Quốc, ông Bae Yong Geun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), nhận định Việt Nam là “tâm chấn” của làn sóng Hàn Quốc ở Đông Nam Á - một điểm đến quan trọng và hai nước đã trở thành những quốc gia hợp tác chặt chẽ nhất trên thế giới.

“Hơn 9.000 công ty Hàn Quốc đã vào Việt Nam và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, năng lượng, văn hóa, giáo dục và du lịch. Trong thời gian tới, Hàn Quốc vẫn duy trì vị thế là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam,” ông Bae Yong Geun khẳng định.

[Xúc tiến quảng bá văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam]

Theo các chuyên gia tại buổi tọa đàm, tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp và nhiều rủi ro, bất ổn, song Việt Nam được đánh giá là một trong số ít nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng cao. Ghi nhận từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy vốn FDI đăng ký lũy kế của Hàn Quốc vào Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1988 đến tháng 9/2022 đạt hơn 80,5 tỷ USD với trên 9.400 dự án đang có hiệu lực.

Việt Nam là 'tâm chấn' của làn sóng đầu tư Hàn Quốc vào Đông Nam Á ảnh 3Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá cao hoạt động kinh doanh và đóng góp của doanh nghiệp FDI Hàn Quốc vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ các lĩnh vực gia công đơn thuần sang các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, dự án năng lượng, tài chính - ngân hàng, mua bán sáp nhập (M&A) và dịch vụ chất lượng cao trong thời gian vừa qua.

Theo đó, ông Hoàng cũng tin tưởng Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì vị thế đối tác FDI hàng đầu của Việt Nam: “Trong vòng 1 đến 2 năm tới, hai quốc gia sẽ hoàn toàn có thể hiện thực hóa ‘mục tiêu kép’ - đưa kim ngạch thương mại song phương và tổng vốn đầu tư lũy kế cùng cán mốc 100 tỷ USD.”

Môi trường đầu tư thuận lợi

Là doanh nghiệp với hơn 30 năm đầu tư tại Việt Nam, ông Yoon Chang Woo, Tổng giám đốc POSCO Việt Nam, đánh giá cao về môi trường đầu tư và sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.

Việt Nam là 'tâm chấn' của làn sóng đầu tư Hàn Quốc vào Đông Nam Á ảnh 4Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Bae Yong Geun phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

“Nhờ có hỗ sự trợ tích cực, vô cùng nhiệt tình từ chính quyền địa phương đối với các doanh nghiệp, chúng tôi đã có thể cùng nhau vượt qua những khó khăn vô cùng lớn,” vị lãnh đạo POSCO Việt Nam chia sẻ.

Theo nhìn nhận của ông Yoon, trong tương lai, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc có xu hướng đầu khu vực phía miền Nam, do đó rất cần sự phát triển nguồn cung nhân lực và cơ sở hạ tầng chủ chốt.

Trong khi đó, ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của khu công nghiệp Deep C chia sẻ doanh nghiệp có mặt tại Việt Nam từ năm 1997 và hoạt động hướng tới tiêu chuẩn xanh hơn để trở nên khác biệt, cung cấp địa điểm đầu tư bền vững và tin cậy cho khách hàng.

Đánh giá cao triển vọng kinh doanh tại Việt Nam, ông Koen Soenens cho biết: “Deep C sẽ tiếp tục mở rộng thêm các khu công nghiệp mới để đón thêm ‘đại bàng’ và các khu công nghiệp mới này cũng sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn bền vững mà 5 khu công nghiệp hiện tại đang hướng đến”./.

Việt Nam là 'tâm chấn' của làn sóng đầu tư Hàn Quốc vào Đông Nam Á ảnh 5Phó trưởng ban thường trực Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh Vũ Kim Chi phát biểu. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Việt Nam là 'tâm chấn' của làn sóng đầu tư Hàn Quốc vào Đông Nam Á ảnh 6Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Việt Nam là 'tâm chấn' của làn sóng đầu tư Hàn Quốc vào Đông Nam Á ảnh 7Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục