Việt Nam tăng cường kiểm soát dịch cúm H1N1

Việt Nam đang trong giai đoạn dịch cúm A/H1N1 lây lan nên cần tăng cường kiểm soát dịch, chủ yếu kiểm soát tại chỗ và cộng đồng.
Ngày 24/11, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn dịch lây lan nên cần tăng cường kiểm soát dịch cúm, chủ yếu là kiểm soát tại chỗ và tại cộng đồng.

Theo đó, các cơ sở y tế tuyến dưới và người dân không nên đưa tất cả bệnh nhân nghi và nhiễm cúm ở giai đoạn đầu đến bệnh viện tuyến Trung ương, vừa không hiệu quả trong điều trị lại gây sức ép cho các tuyến trên.

Đến giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế chủ trương chỉ tập trung xét nghiệm các nhóm người có nguy cơ cao và nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp nặng nhập viện nhằm hạn chế tử vong, theo dõi thay đổi độc lực virus và kháng thuốc.

Đồng thời, Bộ phối hợp với WHO tiến hành nghiên cứu dịch tễ, lâm sàng, biến đổi virus, điều chỉnh hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế khẩn trương triển khai kế hoạch sử dụng vắcxin cho các đối tượng có nguy cơ cao (phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính, cán bộ y tế) với sự hỗ trợ vắcxin cúm A/H1N1 của WHO.

Để giúp người bệnh được điều trị kịp thời, giảm chi phí và quá tải bệnh viện, các cơ sở y tế tuyến Trung ương chỉ tiếp nhận và điều trị những ca nặng và có nguy cơ. Các trường hợp nhẹ khác điều trị tại xã/phường, cách ly tại nhà, cán bộ y tế xã, phường chịu trách nhiệm theo dõi tình hình bệnh nhân. Các tuyến huyện tiếp nhận các trường hợp nặng hơn.

Bộ Y tế đã phân công Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia dự thảo phân tuyến điều trị dựa trên lâm sàng, các dấu hiệu nặng và làm đầu mối tập hợp phân tích bệnh án tử vong để rút kinh nghiệm.

Trước tình hình nhiều trẻ em nhiễm cúm A/H1N1, Cục quản lý Dược Việt Nam đã mua thêm Tamiflu hàm lượng thấp cho trẻ em và 10.000 liều Zanamivir điều trị các trường hợp kháng thuốc, nghi kháng thuốc, tồn lưu virus kéo dài, dị ứng với Oseltamivir.

Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị mới cúm A/H1N1 và tiếp tục tập huấn cho cán bộ y tế tuyến dưới phác đồ điều trị. Các chuyên gia y tế khẳng định, test nhanh cúm A/H1N1 hiện nay vẫn có giá trị đối với những biểu hiện lâm sàng, trong khi khả năng xét nghiệm PCR cho tất cả các bệnh nhân nghi ngờ là không khả thi.

Bộ Y tế sẽ họp Hội đồng khoa học và tư vấn để thống nhất về việc sử dụng test nhanh cúm A/H1N1 tại các cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục