Việt Nam xếp thứ 2 trong ASEAN về thực hiện cam kết xây AEC

Theo Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Việt Nam xếp thứ 2 trong ASEAN về thực hiện cam kết xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, sau Singapore.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Kim Dung/Vietnam+)

Kết thúc Hội nghị hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 21 (AEM Retreat-21), diễn ra từ ngày 28/2-1/3 tại thành phố Kota Bharu, bang Kelantan của Malaysia, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã có bài trả lời phỏng vấn báo giới Việt Nam về những kết quả nổi bật của Hội nghị cũng như sự chuẩn bị của Việt Nam đối với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Hội nghị AEM Retreat-21 là hội nghị hết sức quan trọng chuẩn bị cho các Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng Tư và tháng Mười Một năm nay.

Nội dung của Hội nghị tập trung vào các vấn đề cốt lõi có liên quan đến 2 hội nghị cấp cao cũng như liên quan việc bước vào hoạt động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến được thành lập vào cuối năm 2015.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã đánh giá lại kết quả thực hiện cam kết AEC, tiếp tục bàn thảo các biện pháp thuận lợi hóa thương mại phi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp, đồng thời bày tỏ quyết tâm hoàn thành đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối 2015, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư giữa ASEAN với các đối tác là Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand, Australia và Ấn độ.

Các bộ trưởng về cơ bản đạt được sự thống nhất cao về các nội dung thảo luận, đặc biệt khẳng định quyết tâm đưa cộng đồng AEC vào hoạt động trước ngày 31/12/2015.

Về những điểm mới của Hội nghị lần này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, có hai điểm đáng quan tâm đó là việc thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp trong nội khối mạnh mẽ hơn, chủ động và tích cực hơn, và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giải thích, định hướng dư luận để cho dư luận hiểu rõ và nắm bắt kỹ hơn nội dung, cam kết và những vấn đề đặt ra khi hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay.

Điểm mới này trước đây cũng đã được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trao đổi bàn bạc nhưng chưa sâu, chưa đi đến kết luận cuối cùng, nhưng tại Hội nghị lần này các Bộ trưởng đã thống nhất cao, cho rằng nếu không thống nhất được hai nhóm công việc là tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp và tăng cường hiệu quả tuyên truyền về AEC thì hiệu quả của mục tiêu đặt ra là hạn chế.

Bộ trưởng cho biết hai nội dung mới này trùng hợp với định hướng chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam cũng như trong chương trình và kế hoạch mà Việt Nam thực hiện cam kết tiến tới AEC vào năm 2015, đó là tiếp cận nhiều hơn về thông tin, tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách thủ tục, giúp dư luận trong nước hiểu biết nhiều hơn về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, về những thuận lợi cũng như thách thức khi gia nhập Cộng đồng này.

Liên quan đến việc Việt Nam thực hiện cam kết xây dựng Cộng đồng Kinh tế, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết nhìn chung 10 nước ASEAN đã nỗ lực để đạt tỷ lệ cao. Theo thống kê mới nhất, trung bình các nước ASEAN hoàn thành hơn 82% cam kết hình thành AEC.

Riêng Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên dẫn đầu trong việc thực hiện các cam kết, đạt mức độ trên 90%, chỉ sau Singapore.

Ngoài ra, Việt Nam còn dẫn đầu đưa dòng thuế về 0%. Theo thống kê, cho đến nay khoảng 90% dòng thuế Việt Nam đã về 0% và từ nay đến 2018, Việt Nam đưa tiếp 7% các dòng thuế về 0%.

Điều này cho thấy mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và sự chênh lệch giữa Việt Nam và sáu thành viên cũ của ASEAN còn khá lớn, nhưng với nỗ lực, quyết tâm hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam đã khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt tỷ lệ cao… và được các nước ASEAN khác đánh giá cao.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, khi AEC thành lập sẽ mang lại khá nhiều thuận lợi và cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.

Việt Nam có cơ hội để học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp bởi dễ tiếp cận được các nước ASEAN đi trước do kinh nghiệm gần gũi hơn, mức độ chênh lệch vừa phải và tập quán tương đồng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ ra không ít khó khăn, thách thức khi hội nhập, như trong lĩnh vực thương mại, nhiều nước ASEAN có cùng chủng loại hàng hóa sản phẩm giống nhau nên khả năng cạnh tranh lớn. Nếu Việt Nam không chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời thì khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam gặp khó khăn trên sân ASEAN, và ngay cả trên sân nhà.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng cơ hội và thách thức song hành, vấn đề là phải có bước đi phù hợp, có sự chuẩn bị chu đáo thì Việt Nam sẽ khai thác tối đa cơ hội, giảm thiểu tác động không tích cực, thậm chí biến thách thức thành cơ hội mới.

Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời là trách nhiệm và sự chủ động doanh nghiệp trong chuẩn bị bước đi cho đến thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN, dự kiến ngày 31/12/2015, và giai đoạn sau đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục