‘Vĩnh Phúc là điển hình trong phòng chống dịch, phát triển KT-XH’

Thường trực Ban Bí thư khẳng định trong bức tranh chung do tác động mạnh mẽ của dịch, Vĩnh Phúc là điển hình trong thực hiện 2 mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế-xã hội.
‘Vĩnh Phúc là điển hình trong phòng chống dịch, phát triển KT-XH’ ảnh 1Ông Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Sáng 25/9, Đoàn công tác của Trung ương do ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng đoàn, thăm và làm việc tại Vĩnh Phúc về tình hình triển khai và những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng từ sau Đại hội đến nay.

Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Vĩnh Phúc có bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và nhiều lãnh đạo trong tỉnh.

Theo Báo cáo của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong điều kiện có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen. Diễn biến phức tạp của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội và mỗi người dân.

Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự quyết tâm, quyết liệt trong hành động, tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 và thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đặt ra.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai học tập, quán triệt nghiêm túc; 12 định hướng phát triển, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá chiến lược của Nghị quyết đã được cụ thể hóa bằng những Chương trình, Đề án, Kế hoạch để thực hiện.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với 6 nhóm nhiệm vụ; 100% Tỉnh ủy viên xây dựng Chương trình hành động của cá nhân để cụ thể hóa Nghị quyết; thể chế hóa bằng 3 Nghị quyết, 4 Đề án, 2 quy định, đồng thời thí điểm giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị bằng sản phẩm.

[Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2025]

 Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành 51 Nghị quyết, trong đó có 1 nghị quyết về cơ chế đặc thù tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực. Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với 25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, 110 danh mục các cơ chế, chính sách thực hiện các khâu đột phá, 127 dự án đầu tư công trọng điểm tạo động lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực; 31 đề án tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các sở, ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn.

Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh dịch COVID-19 với kết quả cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời, kiểm soát thành công dịch COVID-19, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, sức khỏe của nhân dân; không có doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng nào phải đóng cửa. Kinh nghiệm chống dịch của Vĩnh Phúc tiếp tục được đánh giá cao, được các địa phương khác nghiên cứu áp dụng.

Từ tháng 8/2021 đến nay, Vĩnh Phúc đã triển khai xây dựng và quyết tâm giữ vững “vùng xanh” trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 đã có sự phục hồi, tăng trưởng, đứng thứ 3 toàn quốc và cao nhất trong 10 năm trở lại đây; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo; các chính sách an sinh xã hội được tăng cường, mở rộng, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau. Kết quả trên đã tiếp tục củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, từ nay đến hết năm 2021, tỉnh ủy Vĩnh Phúc chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương. Thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức xây dựng Đảng, hoàn thành xây dựng 2 Nghị quyết, 4 Đề án, sửa đổi, bổ sung 2 Quy định về công tác cán bộ và thí điểm việc đánh giá cán bộ bằng sản phẩm và thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát của cấp ủy.

Chỉ đạo thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân; đẩy mạnh cải cách và tạo đột phá về thể chế, cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, khai thông các nguồn lực; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đặc biệt các điều kiện đầu vào cho sản xuất kinh doanh…

Đề xuất với Đoàn công tác Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn Trung ương xác định Vĩnh Phúc là cực tăng trưởng mới của miền Bắc tạo thành tứ giác kinh tế trọng điểm phía Bắc để triển khai thí điểm các chính sách đặc thù cho khu vực; có quy định cho các địa phương trong đó có Vĩnh Phúc được quyết định chủ trương đầu tư một số công trình hạ tầng do Trung ương quản lý bằng vốn ngân sách địa phương; cho phép tỉnh được thu hồi đất, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch để tổ chức đấu giá, cho thuê tạo nguồn lực phát triển, thu hút đầu tư các dự án lớn.

Các đại biểu trong Đoàn công tác đánh giá Vĩnh Phúc kịp thời vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tỉnh đã chú trọng thực hiện hiệu quả công tác cán bộ, đảng viên; tháo gỡ được điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng.

‘Vĩnh Phúc là điển hình trong phòng chống dịch, phát triển KT-XH’ ảnh 2Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn công tác với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Tỉnh đã triển khai bài bản và trở thành điểm sáng cho cả nước trong thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch tốt vừa phát triển kinh tế-xã hội duy trì an sinh xã hội. Tỉnh ủy đã quan tâm củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò chỉ đạo của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy.

Vĩnh Phúc cần xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bảo đảm thiết thực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết; phát động sâu rộng trong cán bộ, đảng viên trong thực hiện 3 đột phá, 6 nhiệm vụ của Nghị quyết; đấy mạnh thực hiện Chỉ thị 05; chủ động dự báo, phát hiện sớm các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, thông tin xấu độc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Võ Văn Thưởng ghi nhận những kết quả tỉnh đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết thời gian qua. Ông cũng khẳng định trong bức tranh chung do tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19, Vĩnh Phúc là điển hình trong thực hiện 2 mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Võ Văn Thưởng đề nghị thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, đẩy nhanh việc học tập nghị quyết và triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống; quá trình thực hiện nghị quyết gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 trong cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu. Tập trung quan tâm công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; trong đó tập trung vào tăng cường phân cấp phân quyền gắn với kiểm tra giám sát, bảo đảm cả hệ thống hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đánh giá cán bộ qua sản phẩm; khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thực hiện phát triển kinh tế-xã hội; duy trì tốt công tác phòng, chống dịch, chuẩn bị tốt các phương án, kịch bản phòng, chống dịch; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên tất cả các lĩnh vực; duy trì kết quả tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm 2021. Cùng với đó tỉnh cần quan tâm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể và Nhân dân trong công tác xây dựng Đảng.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, tiếp thu các ý kiến góp ý của đồng chí Võ Văn Thưởng và của các đại biểu trong Đoàn công tác.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh Vĩnh Phúc tiếp tục nỗ lực cố gắng triển khai tốt các chương trình, đề án, nghị quyết để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu đưa tỉnh mạnh về kinh tế và xây dựng Đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục