Virus cúm H5N1 thay đổi nhỏ về kháng nguyên

Trong hơn hai tháng đầu năm nay, Việt Nam đã ghi nhận thêm năm trường hợp mắc cúm A/H5N1, trong đó có hai trường hợp đã tử vong.
Nếu năm 2009, Việt Nam có 5/5 trường hợp mắc và tử vong do cúm A/H5N1 thì chỉ trong vòng hơn hai tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã ghi nhận thêm năm trường hợp mắc cúm A/H5N1, trong đó hai trường hợp đã tử vong.

Tại sao số bệnh nhiễm và tử vong do cúm A/H5N1 lại tăng nhanh? Liệu có phải virus cúm A/H5N1 đã biến đổi, gia tăng độc lực cũng như khả năng lây truyền bệnh từ người sang người?

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trao đổi xung quanh vấn đề này. ´

- Sự tiến hóa của chủng virus cúm A/H5N1 đang lưu hành tại Việt Nam thời gian qua có thay đổi gì không, thưa ông?

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển: Trước hết cần nhấn mạnh một điểm là biến đổi kháng nguyên và di truyền là đặc tính cơ bản của các chủng virus cúm.

Các kết quả nghiên cứu hợp tác giữa Cục Thú y-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ trên các chủng virus cúm A/H5N1 ở gia cầm trong thời gian từ năm 2001-2007 cho thấy, đã có 9 kiểu gen của loại virus này lưu hành tại Việt Nam, trong đó 4 kiểu gen mới được phát hiện trong năm 2007 ở Việt Nam mà chưa thấy xuất hiện ở các nơi khác. Điều đó có thể là do sự trao đổi và sắp xếp lại các vật liệu di truyền giữa phân nhóm mới xâm nhập vào Việt Nam năm 2007 là phân nhóm 2.3.4 và phân nhóm 1 đã lưu hành trước đó.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu các chủng virus cúm A/H5N1 ở người của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy có sự thay thế virus cúm A/H5N1 phân nhóm 1 (trước năm 2007) bằng phân nhóm 2.3.4 (từ năm 2007 đến nay), và có tương đồng cao với các virus phân lập từ gia cầm trong cùng thời điểm.

Trong số 15 phân típ cúm thì virus cúm A/H5N1 có tính biến dị nhanh, có chứa các gen của các virus từ các động vật khác nhau. Tuy nhiên sự biến đổi kháng nguyên mà ta theo dõi được cho đến nay là những biến đổi nhỏ, chưa có bằng chứng là nó đã thay đổi tính độc lực cũng như khả năng lây truyền từ người sang người của virus. Các ca bệnh xảy ra ở người tản phát và không có liên quan gì với nhau.

- Nguyên nhân khiến những bệnh nhân tại Việt Nam lâm vào tình trạng suy hô hấp nhanh và dễ dẫn đến tử vong có phải là sự biến đổi nhỏ về kháng nguyên của virus cúm A/H5N1 không, thưa ông?

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển:
Từ năm 2003 đến nay, các chủng virus cúm lưu hành tại Việt Nam đều là những chủng có độc lực cao. Như đã nói ở trên, mặc dù có sự biến đổi về kháng nguyên của virus cúm A/H5N1, nhưng là những biến đổi nhỏ và hiện chưa có bằng chứng về sự tăng độc lực của các chủng virus cúm lưu hành ở Việt Nam trong thời gian qua.

Tỷ lệ tử vong do cúm gia cầm A/H5N1 ở Việt Nam cũng tương đương như ở các nước trong khu vực. Ví dụ, năm 2009, tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc là 4/7, ở Indonesia là 19/21 và Việt Nam là 5/5.

Qua phân tích các trường hợp tử vong gần đây tại Việt Nam cho thấy, hầu hết các trường hợp đều nhập viện và điều trị Tamiflu muộn. Do đó, việc chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng.

Cách dự phòng tốt nhất là chúng ta phải thường xuyên giám sát chặt chẽ sự biến đổi của virus, đồng thời tăng cường thực hiện các biện pháp dự phòng chủ động và tích cực nhằm hạn chế sự lây lan của virus cúm gia cầm, từ đó hạn chế sự trao đổi tích hợp giữa các phân nhóm virus cúm ở gia cầm, thông qua các chiến dịch tiêm phòng vắcxin cho gia cầm, kiểm dịch, hạn chế nhập và vận chuyển gia cầm giữa các khu vực và thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi (như cách ly, khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại...).

- Thưa ông, chủng virus cúm A/H5N1 ở Việt Nam có khác so với những nước khác lưu hành dịch bệnh này không?

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển:
Theo thông báo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thời gian từ tháng 9/2009-2/2010, virus H5N1 đã có sự thay đổi nhỏ về tính di truyền và tính kháng nguyên. Virus H5N1 vẫn được tiếp tục phát hiện tại châu Phi, châu Á và Trung cận đông.

Các nước báo cáo có ca bệnh ở người là Campuchia, Ai Cập, Indonesia và Việt Nam. Dựa trên sự phân tích về kháng nguyên và di truyền, virus cúm A/H5N1 được chia thành bốn phân nhóm sau: Phân nhóm 1 là các virus được phát hiện ở Campuchia, phân nhóm 2.2 ở Nepal, phân nhóm 2.2.1 ở Ai Cập, phân nhóm 2.3.2 được phát hiện ở Hongkong, Nga, Việt Nam và Nepal, và phân nhóm 2.3.4 được phát hiện ở Việt Nam.

Các kết quả nghiên cứu này cũng dựa trên các kết quả nghiên cứu của Việt Nam. Dựa trên các thông tin về dịch tễ học và kháng nguyên của virus cúm A/H5N1 hiện nay ở gia cầm, do sự biến đổi còn nhỏ và chưa đáng kể, WHO cũng chưa đề nghị một chủng virus H5N1 mới cho việc nghiên cứu sản xuất vắcxin phòng H5N1.

- Ông có nhận định gì về dịch cúm A/H5N1 trong năm 2010? Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ làm gì để sớm phát hiện những biến đổi của virus cúm A/H5N1?

Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển:
Các kết quả nghiên cứu của Viện Thú y, Cục Thú y cho thấy có sự lưu hành của virus H5N1 ở các đàn gia cầm, tỷ lệ các đàn gia cầm lành mang virus tương đối cao, đặc biệt ở thủy cầm. Đồng thời vẫn xảy ra hoạt động buôn bán vận chuyển gia cầm qua biên giới và giữa các vùng miền. Điều đó lý giải tại sao thỉnh thoảng dịch lại bùng phát ở gia cầm và xảy ra các ca bệnh tản phát ở người.

Dự báo trong năm 2010, nếu chúng ta chủ quan và lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tích cực và chủ động, thì dịch ở gia cầm và sự xuất hiện tản phát các ca bệnh ở người vẫn tiếp tục xảy ra. Do đó người dân cần thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng chống cúm gia cầm mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.

Thời gian tới, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ tiếp tục hợp tác với Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tiến hành các nghiên cứu như nghiên cứu hồi cứu đặc điểm dịch tễ học các ca bệnh cúm A/H5N1 ở Việt Nam, 2003-2010; nghiên cứu bệnh chứng về các yếu tố nguy cơ nhiễm virus và mắc cúm A/H5N1 ở người; nghiên cứu về sự tương tác và tiến hóa của các virus cúm A lây nhiễm ở người và động vật ở Việt Nam, bao gồm cả virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1.

- Xin cảm ơn ông!./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục