Vụ 5 trẻ chết liên quan vắcxin: Sẽ tiếp tục kiểm tra!

Sau 5 trường hợp trẻ tử vong liên quan đến tiêm chủng, Bộ Y tế Việt Nam đang phối hợp với WHO tiếp tục kiểm tra chất lượng vắcxin.
Ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sau 5 trường hợp trẻ tử vong liên quan đến tiêm chủng vừa qua, tuy chưa có bằng chứng về sự liên quan giữa phản ứng sau tiêm chủng và chất lượng vắcxin, nhưng cũng chưa đủ cơ sở để loại trừ nguyên nhân này. Vì vậy, Bộ Y tế đang phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm tra chất lượng vắcxin, nghiên cứu đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng. Thông tin trên vừa được Cục Y tế dự phòng đưa ra sau cuộc họp Hội đồng xử lý tai biến trong tiêm chủng diễn ra tại Hà Nội trong sáng 9/1. Thời gian từ cuối năm 2012 và đầu năm 2013, trên cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp phản ứng sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem. Cụ thể, chỉ trong vòng nửa tháng gần đây, từ ngày 20/12/2012 đến 5/1/2013, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 5 trường hợp trẻ tử vong do phản ứng sau tiêm chủng tại Bình Định, Kiên Giang và Hà Nội. Ông Bình cho hay, sau khi xảy ra các sự việc trên, Cục Y tế dự phòng đã chỉ đạo các Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Sở Y tế Bình Định, Kiên Giang và Hà Nội nhanh chóng tiến hành điều tra, xác minh tại địa điểm tiêm chủng. [Ngừng sử dụng lô vắcxin gây tai biến ở Hà Nội] Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế cấp tỉnh, cấp Bộ đã họp đánh giá các trường hợp nêu trên cũng như tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm vắcxin Quinvaxem từ trước đến nay và khẳng định không có bằng chứng về sự liên quan giữa các trường hợp phản ứng sau tiêm với quy trình bảo quản, vận chuyển vắcxin và dịch vụ tiêm chủng. Sau khi các sự việc trên xảy ra, các lô vắcxin liên quan đến phản ứng tại tỉnh Bình Định, Kiên Giang và Hà Nội đã được tạm dừng sử dụng trên địa bàn. Bên cạnh đó, quy trình thẩm định, cấp giấy phép lưu hành, kiểm định và sử dụng vắcxin tuân thủ theo quy định. Ông Bình cũng cho hay, khi sử dụng vắcxin có thể xảy ra phản ứng do những nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, vẫn cần phải khẳng định việc tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết để bảo vệ cho trẻ em, gia đình và cộng đồng, chủ động phòng bệnh. Đặc biệt, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các bà mẹ theo dõi chặt chẽ trẻ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm và kịp thời đưa đến cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời. Để đảm bảo an toàn hơn nữa, Bộ Y tế đã có chỉ đạo Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia tăng cường tập huấn cho cán bộ tiêm chủng về tiêm chủng an toàn, giám sát xử lý phản ứng sau tiêm; tạm dừng sử dụng trên toàn quốc các lô vắcxin có xảy ra phản ứng nặng khi nghi ngờ liên quan đến vắcxin./.
Các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng:

Trường hợp 1:
Trẻ 3 tháng tuổi, nữ, ở phường Lê Hồng Phong, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tiêm vắcxin Quinvaxem mũi 1 và uống vắcxin bại liệt lần 1.

Sau tiêm chủng 3 giờ, trẻ xuất hiện phản ứng: khóc thét, co giật, tím tái, có cơn ngừng thở, được điều trị và ra viện sau 1 ngày. Tiền sử bệnh tật và tiêm chủng không có gì đặc biệt.


Trường hợp 2:
Trẻ 2 tháng tuổi, nữ, ở phường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tiêm vắcxin Quinvaxem mũi 1 và uống vắcxin bại liệt lần 1.

Sau tiêm chủng 5 giờ, trẻ xuất hiện phản ứng: khóc thét, sốt, co giật, tím tái, được theo dõi tại bệnh viện, không dùng thuốc gì và ra viện sau 1 ngày. Tiền sử bệnh tật và tiêm chủng không có gì đặc biệt.


Trường hợp 3
: Trẻ 3 tháng tuổi, nam, ở phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tiêm vắcxin Quinvaxem mũi 1 và uống vắcxin Bại liệt lần 1.

Sau tiêm chủng 4 giờ, trẻ xuất hiện phản ứng: khóc thét, sốt, co giật, tím tái, được theo dõi tại bệnh viện, không dùng thuốc gì và ra viện sau 1 ngày. Tiền sử bệnh tật và tiêm chủng không có gì đặc biệt.


Trường hợp 4
(tại Kiên Giang): Trẻ 2 tháng tuổi, nam, ở xã Hòa Thuận, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Tiêm vắcxin Quinvaxem vào ngày 22/12/2012, ngày thứ 3 sau tiêm chủng, trẻ sốt nhẹ, khóc, gia đình cho sử dụng thuốc Pamin 325mg, sau đó trẻ bình thường, bú tốt.

Đến 6 giờ sáng ngày 26/12/2012 gia đình phát hiện trẻ tử vong (sau tiêm chủng 96 giờ). Tiền sử bệnh tật và tiêm chủng không có gì đặc biệt.


Trường hợp 5
(tại Hà Nội): Trẻ 3 tháng tuổi, nam, địa chỉ thôn Yên Khê, xã Yên Thường huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tiêm vắcxin Quinvaxem mũi 1 và uống vắc xin bại liệt lần 1 vào khoảng 9 giờ 30 sáng ngày 04/01/2013 tại Trạm Y tế xã Yên Thường- Gia Lâm.

Sau tiêm chủng trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, bú tốt. đến khoảng 7h15 ngày 05/01/2013 tử vong (sau tiêm chủng 20 giờ). Tiền sử bệnh tật và tiêm chủng không có gì đặc biệt.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục