Xác định xương của 1 nạn nhân mất tích trong vụ chìm phà Sewol

Tuyên bố chính thức của Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng hải cho biết kết quả xét nghiệm DNA xác định mảnh xương là của giáo viên Ko Chang-Seok từ trường trung học Danwon.
Xác định xương của 1 nạn nhân mất tích trong vụ chìm phà Sewol ảnh 1Một phần của phà Sewol sau khi được tàu ngầm nâng lên trên mặt nước ở cảng Mokpo ngày 1/4. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Giới chức Hàn Quốc thông báo đã xác định được một mảnh xương người tìm thấy bên trong phà Sewol bị chìm tại vùng biển phía Nam nước này 3 năm trước đây là xương của một nạn nhân mất tích trong vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của hơn 300 người này.

Tuyên bố chính thức của Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng hải cho biết kết quả xét nghiệm DNA xác định mảnh xương là của giáo viên Ko Chang-Seok từ trường trung học Danwon.

Cũng theo bộ trên, cơ quan pháp y quốc gia đang tiếp tục tiến hành xét nghiệm DNA các mảnh xương khác nghi là xương người tìm thấy trên tàu Sewol.

Trước đó, ngày 10/5, Bộ Đại dương và Nghề cá Hàn Quốc thông báo cơ quan điều tra đã tìm thấy 2 mảnh xương được các chuyên gia pháp y nhận định là xương người trong khoang hành khách trên tầng 4 của con phà xấu số. Các mẫu xương này đã được gửi về Cơ quan Pháp y quốc gia để giám định ADN.

Hồi tháng 3 vừa qua, khi mới trục vớt thành công phà Sewol, Bộ Đại dương và Nghề cá Hàn Quốc cũng từng thông báo tìm thấy một số mảnh xương người bên dưới chiếc phà chìm, tuy nhiên sau đó đã rút lại tuyên bố này khi các kết quả giám định ADN cho thấy thực chất đó là xương lợn.

[Hàn Quốc: Phát hiện xương nghi là của người bên trong phà Sewol]

Ngày 16/4/2014, chiếc phà Sewol có trọng lượng 6.825 tấn chở 476 người, gồm hành khách và thủy thủ đoàn, đã gặp nạn và chìm ngoài khơi đảo Jindo, miền Nam Hàn Quốc.

295 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn, 9 người vẫn mất tích. Hầu hết nạn nhân là học sinh trung học phổ thông đang thực hiện chuyến dã ngoại.

Các kết quả điều tra kết luận thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử hàng hải Hàn Quốc là hậu quả của một loạt sai phạm do con người gây ra, trong đó có việc tự ý chỉnh sửa kết cấu phà, chuyên chở quá tải và thủy thủ thiếu kinh nghiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục