Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22, nhận thức về quan hệ lao động của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp có chuyển biến bước đầu.
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp ảnh 1Ông Lê Hồng Anh chủ trì và phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ngày 2/7, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 5/6/2008 và triển khai Kết luận số 96-KL/TW, ngày 7/4/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; bà Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì hội nghị. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị.

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp - nhiệm vụ chính trị quan trọng

Khai mạc hội nghị, ông Lê Hồng Anh nhấn mạnh xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp là nhiệm vụ hết sức quan trọng, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; tạo môi trường lao động an toàn, bình đẳng, công bằng cho người lao động; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động; tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong nước và ngoài nước; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề cần được quan tâm giải quyết.

Để tiếp tục xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, Ban Bí thư khóa XI đã ban hành Kết luận số 96 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư khóa X.

Ông Lê Hồng Anh đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các doanh nghiệp, tổ chức đại diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cơ quan, đơn vị mình để triển khai thực hiện có kết quả.

Chuyển biến bước đầu

Báo cáo và các tham luận tại Hội nghị khẳng định qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22, nhận thức về quan hệ lao động của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động có chuyển biến bước đầu.

Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về quan hệ lao động tiếp tục được hoàn thiện; quản lý nhà nước về quan hệ lao động được tăng cường; vai trò của tổ chức đảng, công đoàn và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp từng bước được phát huy. Việc chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động có tiến bộ. Số vụ và tính chất các cuộc đình công có xu hướng giảm. Nhiều doanh nghiệp nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò của tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể quần chúng đối với sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp...

Tuy nhiên, quan hệ lao động trong doanh nghiệp vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Đời sống của nhiều người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, điều kiện ăn, ở, đi lại, học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa tinh thần chưa đáp ứng được nhu cầu. Tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động vẫn diễn ra phổ biến. Ở một số nơi, tổ chức đảng và đảng viên, tổ chức công đoàn và đoàn viên trong doanh nghiệp phát triển chậm; vai trò của tổ chức đảng còn hạn chế; tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ trong doanh nghiệp chưa thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tổ chức đại diện của người sử dụng lao động chưa rõ, chưa được kiện toàn; tình trạng tranh chấp lao động còn diễn ra phức tạp...

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp đồng thời, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan về các giải pháp để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22 và Kết luận số 96 của Ban Bí thư.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phổ biến, quán triệt Kết luận số 96 của Ban Bí thư khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư khóa X.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Kết luận hội nghị, ông Lê Hồng Anh nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, nền kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp đang chỉ đạo, thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi chủ trương trên.

Để thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 22 và Kết luận số 96; đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, ông Lê Hồng Anh đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các doanh nghiệp, tổ chức đại diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần nhận thức rõ và đầy đủ, đồng thời đổi mới phương thức học tập, quán triệt, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về quan hệ lao động trong doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, nhất là ở các cấp địa phương cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức thực hiện và giám sát, kiểm tra, xử lý các sai phạm; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong các doanh nghiệp, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức quần chúng trong các doanh nghiệp; tích cực xây dựng, phát triển các tổ chức đảng, làm tốt công tác phát triển đảng viên, xây dựng các mô hình tập hợp thanh niên, phụ nữ trong các doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn, các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng.

Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức quan tâm kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách pháp luật về việc làm, bảo hiểm xã hội, dạy nghề, tiền lương tối thiểu, an toàn và vệ sinh lao động phù hợp với Hiến pháp năm 2013; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ quản lý, tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về lao động.

Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đất đai, tài chính, khuyến khích người sử dụng lao động tham gia xây dựng các công trình phúc lợi, cải thiện điều kiện ăn, ở, học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người lao động; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia; tăng cường các thiết chế hoà giải và trọng tài theo quy định của pháp luật về lao động, tiến tới xây dựng đội ngũ hòa giải viên chuyên nghiệp.

Các tổ chức công đoàn cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chú trọng thành lập tổ chức công đoàn và phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn ở cơ sở; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, để thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể…

Ông Lê Hồng Anh yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng lao động; tăng cường sự gắn bó giữa chủ doanh nghiệp với người lao động trong doanh nghiệp; xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các cơ quan chức năng xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định hệ thống tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở cấp Trung ương và địa phương.

Ông Lê Hồng Anh đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các doanh nghiệp, tổ chức đại diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của mình tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22 và triển khai Kết luận số 96 có kết quả trên thực tế, tạo chuyển biến rõ nét trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục