Xu hướng cải thiện thủ tục hành chính về đầu tư còn ở mức độ chậm

Khảo sát 3.092 doanh nghiệp ghi nhận, khoảng 4,7% doanh nghiệp đã có chi trả chi phí không chính thức để thực hiện các thủ tục về đầu tư, tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với các năm trước đó.
Xu hướng cải thiện thủ tục hành chính về đầu tư còn ở mức độ chậm ảnh 1Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Năm 2022, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 61,7 giờ và 1,8 triệu đồng để thực hiện một thủ tục hành chính về đầu tư.

Mức độ phổ biến của dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể so với các năm trước.

Thông tin này được nêu trong báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2022 (APCI 2022) do Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME/USAID).

Báo cáo chỉ ra rằng mặc dù các địa phương đã thực hiện nhiều nỗ lực trong đơn giản hóa thủ tục hành chính, công tác truyền thông chính sách và đối thoại doanh nghiệp, thiếu quy hoạch là rào cản lớn trong việc giảm gánh nặng tuân thủ cho các doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư.

Khảo sát 3.092 doanh nghiệp ghi nhận, khoảng 4,7% doanh nghiệp đã có chi trả chi phí không chính thức để thực hiện các thủ tục về đầu tư, tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với các năm trước đó.

Theo báo cáo, nhóm thủ tục hành chính đầu tư có điểm số APCI 2022 tăng 4,9 điểm so với APCI 2021, mức chênh lệch giữa điểm cao nhất và thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022 là 7,2 điểm. Đây là nhóm có điểm số cao trong số 9 nhóm thủ tục hành chính của APCI. Tuy nhiên, xu hướng cải thiện của nhóm thủ tục này còn ở mức độ chậm và chưa song hành với các chính sách thu hút đầu tư ở cấp địa phương.

Khảo sát cho biết một phần nguyên nhân của bất cập trong nhóm thủ tục hành chính đầu tư là nhiều địa phương thiếu các quy hoạch tổng thể liên quan đến sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, các thông tin về môi trường... dẫn đến sự lúng túng, sự thiếu minh bạch trong các quyết định phê duyệt đầu tư của các các địa phương.

Việc thiếu thông tin được chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước ở địa phương gây nên các gánh nặng về chi phí tuân thủ và rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư.

[PCI 2022: Thuế và phí vẫn là thủ tục hành chính phiền hà nhất]

Để khắc phục tình trạng này, việc hình thành một hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch sẽ giúp cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan ở địa phương trong thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư.

Tương tự, việc chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hệ thống thông tin đầu tư và các trang thông tin/dịch vụ công về thủ tục, quy trình đầu tư ở cấp Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương sẽ giúp giảm thời gian, chi phí cho việc tìm kiếm, cập nhật thông tin, tăng hiệu quả cho quá trình quản lý, thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam.

Doanh nghiệp mất 32,2 giờ để thực hiện 1 thủ tục về đất đai

Cũng theo báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2022 (APCI 2022), để thực hiện một thủ tục hành chính trong nhóm đất đai, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 32,2 giờ, chi phí trực tiếp là khoảng 3,8 triệu đồng.

Báo cáo cho thấy các bước thực hiện liên quan đến chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp, trong khi các "thủ tục con” vẫn tồn tại do hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai chưa được hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi, không có sự liên thông giữa cơ quan quản lý đất đai các cấp.

Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính về đất đai vẫn ở mức khiêm tốn (5% doanh nghiệp trong số 3.092 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã nộp hồ sơ trực tuyến, 1% doanh nghiệp cho biết đã nhận kết quả trực tuyến) và doanh nghiệp vẫn chưa thể thực hiện thanh toán nghĩa vụ thuế đối với giao dịch đất đai trực tuyến.

Xu hướng cải thiện thủ tục hành chính về đầu tư còn ở mức độ chậm ảnh 2Làm thủ tục về đất đai. (Nguồn: Vietnam+)

Nhóm thủ tục hành chính đất đai có điểm số APCI 2022 giảm 1,2 điểm so với APCI 2021 và mức chênh lệch giữa điểm cao nhất và thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022 là 5,4 điểm.

Điểm số APCI của nhóm thủ tục hành chính đất đai qua 5 năm từ 2018 đến nay có xu hướng giảm nhẹ, theo đó năm 2019 có biến động tích cực nhất, năm 2022 cho thấy những dấu hiệu cấp bách của một đợt cải cách toàn diện đối với các thủ tục hành chính đất đai.

Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã thực hiện nhiều cải cách về thủ tục hành chính đất đai trong những năm gần đây nhưng vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nhóm thủ tục hành chính này thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp.

Nhóm thủ tục hành chính đất đai cần tập trung vào việc tăng cường sử dụng công nghệ, hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai và các tài sản gắn liền với đất là nền tảng cho các cải cách về quy trình, chuẩn hóa thủ tục và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục