Xu hướng 'hồi hương' gia tăng trong giới doanh nghiệp Hàn Quốc

Theo kết quả một cuộc khảo sát, có tới 27,8% số doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc về doanh số bán hàng được hỏi cho biết đang cân nhắc việc thuê lại nhà xưởng ở trong nước.
Xu hướng 'hồi hương' gia tăng trong giới doanh nghiệp Hàn Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: businesskorea.co.kr)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Liên đoàn Các ngành công nghiệp Hàn Quốc (FKI) cho biết so với thời điểm cách đây 2 năm, có ngày càng nhiều công ty Hàn Quốc cân nhắc đưa lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của họ về trong nước.

Kết quả một cuộc khảo sát được FKI thực hiện với 105/500 doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc về doanh số bán hàng từ ngày 17-24/2 (trước thời điểm xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine) cho thấy có tới 27,8% số doanh nghiệp được hỏi cho biết đang cân nhắc việc thuê lại nhà xưởng ở trong nước.

Con số này tăng mạnh so với kết quả một cuộc thăm dò tương tự với 1.000 công ty lớn nhất Hàn Quốc về doanh số được thực hiện vào tháng 5/2020, khi đó chỉ có 3% số doanh nghiệp được hỏi cho biết đang nghĩ đến việc chuyển các nhà máy và dịch vụ ở nước ngoài về Hàn Quốc.

[Công ty Hàn Quốc gia nhập lĩnh vực năng lượng môi trường của Việt Nam]

Trong cuộc khảo sát mà FKI thực hiện hồi tháng Hai vừa qua, 29,2% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ có thể cân nhắc thuê lại nhà xưởng nếu được chính phủ hỗ trợ và môi trường kinh doanh tại Hàn Quốc được cải thiện.

Theo nhận định của FKI, có tới 60% số doanh nghiệp được hỏi cho biết có thể sẽ chuyển nhà xưởng về Hàn Quốc.

Đặc biệt khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra bế tắc sản xuất và tăng chi phí hậu cần cộng thêm tình hình căng thẳng kéo dài nên việc các doanh nghiệp muốn chuyển về trong nước lại tăng lên."

Theo quy định hiện hành, các công ty có thể được cắt giảm thuế và các lợi ích khác nếu họ xây dựng hoặc mở rộng cơ sở kinh doanh trong nước trong vòng hai năm sau khi chuyển nhượng hoặc đóng cửa các cơ sở ở nước ngoài.

Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol mới đây cũng cam kết sẽ kéo dài thời hạn này lên thành 3 năm, đồng thời mở rộng trợ cấp và cắt giảm thuế bổ sung.

Cũng trong cuộc khảo sát của FKI hồi tháng 2/2022, các công ty Hàn Quốc đã nêu 3 yếu tố chủ chốt để thúc đẩy việc trở lại trong nước hoạt động, bao gồm: môi trường pháp lý được cải thiện (35,3%), mở rộng cắt giảm thuế (29,5%) và trợ cấp nhiều hơn (17,6%).

Khoảng 49,5% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đã lên kế hoạch đầu tư cho năm nay, trong khi 38,1% cho biết họ chưa thực hiện và 12,4% cho biết không có kế hoạch đầu tư trong năm nay.

Trong số các công ty đã có kế hoạch đầu tư trong năm 2022, khoảng 50% cho biết quy mô đầu tư của họ sẽ tương tự như năm 2021, trong khi 38,5% dự kiến tăng quy mô và chỉ có 11,5% cho biết thu hẹp quy mô.

Về lý do "không thể tăng cường đầu tư," 37,7% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước không ổn định (như đại dịch COVID-19 và giá nguyên vật liệu tăng); 20,6% cho rằng môi trường tài chính bên ngoài xấu đi (như lãi suất cao hơn và thắt chặt thẩm định tín dụng của các ngân hàng); 15,4% cho rằng môi trường kinh doanh xấu đi (chẳng hạn như doanh số bán hàng thấp); và 8,5% cho rằng cần hoàn thành các dự án đầu tư lớn và 6% lo sợ về nhiều quy định hơn.

Theo FKI, khoảng 3/4 các công ty không tăng đầu tư trong năm 2022 (chiếm 74,4%) cho biết nguyên nhân của tình trạng trên là do hoàn cảnh bên ngoài, chứ không phải do nội bộ trong nước.

Gần 2/5 công ty (38,9%) nhận định lạm phát là rủi ro chính đối với đầu tư trong năm nay, tiếp theo là biện pháp thắt chặt tiền tệ của các nước lớn và suy thoái kinh tế tiếp theo (19,4%); sự xuất hiện của biến thể Omicron (15,5%); sản xuất công nghiệp của Trung Quốc bị đình trệ và suy thoái kinh tế (10,7%), gia tăng xung đột Mỹ-Trung và tái cấu trúc chuỗi cung ứng (6,8%)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục