Đạo diễn “Vòng phấn Kavkaz”: “Nghệ sỹ Việt hơi ‘điên’ một chút!”

Đạo diễn người Đức Dominik Guenther cho rằng, nghệ sĩ Việt hơi "điên" và đây chính là chất nghệ sỹ riêng để họ thăng hoa, sáng tạo trong nghệ thuật.
Đạo diễn “Vòng phấn Kavkaz”: “Nghệ sỹ Việt hơi ‘điên’ một chút!” ảnh 1Một cảnh trong "Vòng phấn Kavkaz" (Ảnh: Viện Goethe)

Với “Vòng phấn Kavkaz” - một vở kịch kinh điển ra đời từ thập kỷ 40 của thế kỷ trước, nhân vật xuất hiện với phục trang hiện đại, người kể chuyện dẫn dắt những sự kiện trên sân khấu với sự hỗ trợ của âm nhạc điện tử…

Những sáng tạo ấy trong cách dàn dựng đã tạo nên một “làn gió mới” cho sân khấu kịch Hà Nội. Điều đó cũng tạo ra những “thách thức” với chính các diễn viên  và thói quen xem kịch truyền thống của người Thủ đô.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn người Đức Dominik Guenther về những câu chuyện xung quanh bản dựng “Vòng phấn Kavkaz” lần này.

- Đưa “Vòng phấn Kavkaz” - một trong những kiệt tác sân khấu thế giới của tác giả Bertolt Brecht đã từng được dàn dựng thành công ở nhiều quốc gia lên sân khấu Hà Nội, ông có cảm thấy sức ép lớn?

Đạo diễn Dominik Guenther: Tôi hoàn toàn không cảm thấy căng thẳng chút nào. Ngược lại, tôi cảm thấy rất thú vị và hồi hộp chờ đợi sự phản hồi của khán giả Việt Nam. Các đạo diễn trưởng thành và phát triển được một phần cũng là nhờ các nhà phê bình và sự đóng góp ý kiến của công chúng.

Trong công việc, tôi có một nguyên tắc mỗi kịch chỉ dàn dựng một lần. Bởi thế, mọi tâm huyết, sáng tạo, kỳ vọng của tôi dành cho “Vòng phấn Kavkaz” đều dồn cả vào bản dựng này.

Bản thân tôi rất thích kịch bản “Vòng phấn Kavkaz.” Những vấn đề đặt ra trong đó cho đến ngày nay vẫn chưa bao giờ là cũ. Chúng mang tính phổ quát toàn nhân loại. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất như chiến tranh loạn lạc, con người bộc lộ đầy đủ bản tính.

Bertolt Brecht đã để sức mạnh đồng tiền đối diện với vấn đề nhân bản. Cô người hầu Grusche Vachnadze với tấm lòng nhân hậu đã hy sinh mối tình với người lính Simon Chachava để cứu đứa con của tổng trấn phu nhân trong thời loạn lạc. Đến khi cậu bé sẽ được thừa kế một gia tài lớn, tổng trấn phu nhân xuất hiện và đòi lại đứa con.

Qua nhân vật quan tòa Azdak, vở kịch cũng đặt ra câu hỏi: Việc xử án ngoài cái lý có còn cần cái tình? Đây vẫn là một vấn đề tranh cãi trong thời đại chúng ta.

- Trong cảm nhận của riêng mình, anh thấy nghệ sỹ Việt Nam thế nào?

Đạo diễn Dominik Guenther: Tôi cảm thấy rất thú vị khi được làm việc cùng các nghệ sỹ Việt Nam. Các diễn viên tham gia vở “Vòng phấn Kavkaz” là những người được đào tạo rất bài bản về diễn xuất.

Họ là những con người rất năng động, cởi mở và hơi “điên” một chút! Đây là chất nghệ sỹ riêng để họ thăng hoa, sáng tạo trong nghệ thuật. Họ hào hứng cùng tôi làm những điều chưa bao giờ làm trên sân khấu.

Ban đầu, khi nhận lời sang Việt Nam dàn dựng “Vòng phấn Kavkaz,” tôi cảm thấy hơi ái ngại. Khi đó, Việt Nam với tôi là một miền đất lạ. Tôi lo lắng rằng, không biết có một vòng tay nào chờ đón mình ở đó hay không?

Thế nhưng, khi tiếp xúc và làm việc với các nghệ sỹ Việt Nam, tôi thấy quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn. Mọi e ngại đều được xóa bỏ. Chúng tôi có nhiều ý tưởng trùng nhau, tìm thấy được sự đồng điệu trong cảm thụ nghệ thuật.

Đạo diễn “Vòng phấn Kavkaz”: “Nghệ sỹ Việt hơi ‘điên’ một chút!” ảnh 2Đạo diễn Dominik Guenther (bên phải) (Ảnh: NHTT )

- Thế nhưng, với sự bất đồng về ngôn ngữ, làm sao anh có thể “thị phạm” với diễn viên?

Đạo diễn Dominik Guenther: Đúng là thời gian đầu, sự bất đồng về ngôn ngữ khiến tôi cảm thấy khá khó khăn trong việc giao tiếp với các nghệ sỹ Việt Nam. Tuy nhiên, nghệ thuật sân khấu đâu phải lúc nào cũng cần lời nói.

Chúng tôi sử dụng ngôn ngữ hình thể giao tiếp với nhau. Việc sử dụng ngôn ngữ hình thể cũng là điều tôi muốn các nghệ sỹ Việt Nam thể hiện nhiều hơn trên sân khấu.

- Để người kể chuyện dẫn dắt những sự kiện trên sân khấu với sự hỗ trợ của âm nhạc điện tử, diễn viên sử dụng nhiều hơn ngôn ngữ hình thể… là điểm khác biệt so với cách dàn dựng sân khấu truyền thống ở Việt Nam. Anh không sợ sự “thách thức” đó sẽ khiến khán giả quay lưng với bản dựng của mình?

Đạo diễn Dominik Guenther: Việc làm đó để phù hợp với tâm lý tiếp nhận của khán giả hiện đại. Tôi cho rằng, để tác phẩm cũ hấp dẫn công chúng thì phải có những yếu tố đương đại.

Đây cũng là dịp để nghệ sỹ, công chúng Việt Nam thử nghiệm, tiếp cận với những lối dàn dựng sân khấu khác trên thế giới.

Bertolt Brecht đã phát triển một phong cách sân khấu riêng - sân khấu sử thi. Ở đó, diễn viên đôi khi rời bỏ vai diễn để giao lưu trực tiếp với khán giả, kéo họ cùng đào sâu suy ngẫm về những vấn đề đặt ra chứ không đơn thuần là xem nghệ sỹ diễn kịch một cách thụ động.

Ở Việt Nam, cách dàn dựng sân khấu truyền thống vẫn là diễn viên hóa thân vào số phận, hoàn cảnh của các nhân vật, từ đó kéo khán giả dõi theo vở diễn.

- Với bản dựng “Vòng phấn Kavkaz” này, anh thấy ưng ý nhất với điều gì?

Đạo diễn Dominik Guenther: Thiết kế sân khấu [họa sỹ Doãn Bằng thực hiện - PV] là một trong những điều tôi thấy tâm đắc nhất.

Đạo diễn “Vòng phấn Kavkaz”: “Nghệ sỹ Việt hơi ‘điên’ một chút!” ảnh 3Đạo diễn Dominik Guenther chia sẻ, anh cảm thấy rất thú vị với thiết kế sân khấu do họa sỹ Doãn Bằng thực hiện (Ảnh: Viện Goethe)

Mọi thành tố trong thiết kế sân khấu (chiếc thang, tấm ván gỗ...) đều có tâm hồn chứ không chỉ là những vật trang trí thuần túy. Tất cả hòa quyện cùng nhau thành một bản thiết kế mang ý nghĩa tượng trưng, làm mờ đi bóng dáng không gian, dấu ấn thời gian thực. Điều này phù hợp với tính phổ quát toàn nhân loại và sức sống trường tồn của của kịch bản“Vòng phấn Kavkaz.”

Tôi rất quan tâm đến những công việc phía sau sân khấu như âm thanh, ánh sáng… Đó là những yếu tố góp phần quan trọng tạo nên năng lượng cho vở diễn. Thế nhưng, chúng lại thường bị xem nhẹ.

- Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Bản dựng “Vòng phấn Kavkaz” lần này là kết quả của sự hợp tác giữa Nhà hát Tuổi Trẻ và Viện Goethe Hà Nội. Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh, nghệ sỹ Bá Anh, Hoa Thúy, Nguyệt Hằng…

Vở kịch được diễn miễn phí vào lúc 20 giờ các ngày từ 17-19/9 tại Nhà hát Tuổi Trẻ (số 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội).

Đạo diễn Dominik Guenther sinh năm 1973. Anh là người sáng lập sân khấu Neandertal Theater, Hamburg.

Từ năm 2005, anh là đạo diễn cho Nhà hát Quốc gia Đức tại Berlin, Nhà hát Quốc gia Karlsruhe... Các tác phẩm do ông dàn dựng thường được giới thiệu các liên hoan sân khấu Đức.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục