Gian nan cung đường khám phá “thiên đàng” nơi hạ giới

Đầu năm “mở hàng” bằng chuyến đi Bạch Mộc Lương Tử (trên dãy Hoàng Liên Sơn), chinh phục Núi Muối ăm ắp những cảm xúc không thể nào quên, tôi đã có chuyến đi một lần để phải nhớ cả đời.
Gian nan cung đường khám phá “thiên đàng” nơi hạ giới ảnh 1Vượt núi, băng rừng bắt đầu từ độ cao 600m (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Đầu năm “mở hàng” bằng chuyến đi Bạch Mộc Lương Tử (trên dãy Hoàng Liên Sơn, điểm giáp ranh giữa Lào Cai và Lai Châu), chinh phục Núi Muối ăm ắp những cảm xúc không thể nào quên, tôi đã có chuyến đi một lần để phải nhớ cả đời.

Nhớ những lúc đối diện với vực thẳm từ đỉnh núi cao hàng ngàn mét mà chỉ cần sẩy chân là được… bay như chim qua những vách đá dựng đứng, qua những ngọn cây rừng cao vút, qua những bụi rậm chằng chịt... Nhớ những lúc đối diện với không gian bao la trước mặt để thấy nỗi sợ hãi của mình thật nhỏ bé, thấy mình quá đỗi nhỏ bé, thấy buồn vui và cả những nỗi đau cũng nhỏ bé vô thường trước hùng vỹ thiên nhiên tuyệt đẹp trần gian. Nhớ những lúc chân lê không nổi, tưởng phải bỏ cuộc giữa chừng.

Bài 1:

Bạch Mộc Lương Tử: Gian nan đường lên “thiên đàng”

Chẳng vàng nào có thể mua nổi lòng can đảm, quyết tâm cho chặng đường chinh phục một trong 4 đỉnh núi cao nhất Việt Nam (đỉnh Bạch Mộc cao 3.045m) của 12 thành viên, toàn những người trẻ ưa khám phá hội tụ từ hai đầu đất nước chúng tôi.

Hành trình (04 đêm 03 ngày) bắt đầu vào tối ngày thứ Tư, nhóm Hà Nội lên xe khách giường nằm chạy thẳng lên Sapa, cùng nhóm Thành phố Hồ Chí Minh tụ về một mối vào sáng thứ Năm. Cả đoàn co ro trong cái lạnh tái tê của thị trấn phố núi và cùng nhau thưởng thức đặc sản nướng đủ loại.

Đòn “đánh phủ đầu” dưới chân núi

Xuýt xoa ly cà phê nóng hổi xong, chúng tôi nhận xe máy, chằng buộc đồ trekking, thức ăn… và lên đường theo cung Sapa-Bát Xát-Mường Hum-Sàng Ma Sáo với tổng chiều dài khoảng hơn 50km vượt đèo tới chân núi. Lúc này nắng đã lên rực rỡ.

Ở Sàng Ma Sáo, chúng tôi thuê ba “porter” (người dẫn đường) địa phương là ông Tráng A Páo, anh Vừ A Phụng và em Tráng Thị Mỷ dẫn đoàn đi và về xuyên rừng, băng núi.

Ăn trưa tại nhà ông Páo rồi hơn 1 giờ 30 chiều, chúng tôi mới chạy xe lên gần điểm trường Kỳ Quan San, gửi xe lại nhà dân và leo bộ từ độ cao 600m, dự tính mất khoảng 7 tiếng sẽ đến điểm nghỉ gần núi Muối ở độ cao 2.200m (nếu đúng tiến độ 9 giờ tối tới nơi), chỗ có thể dựng trại. Nhưng vì có hai xe đi lạc nên phải 3 giờ chiều đoàn mới xuất phát, hậu quả là lịch trình bị đảo lộn hoàn toàn, và chặng đường gian nan chính thức bắt đầu từ đây.

Gian nan cung đường khám phá “thiên đàng” nơi hạ giới ảnh 2Một thành viên bị chuột rút liên tục ở ngay chặng đầu tiên. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Mới đó còn háo hức là thế, hừng hực nghĩ tới viễn cảnh lơ lửng như Tôn Ngộ Không “cưỡi” mây trên đỉnh Bạch Mộc, mà ngay đoạn đầu tiên tôi gần như bị “đánh phủ đầu” bằng liên tiếp những dốc cao. Chiếc balo chỉ nặng chừng 7 kg đã theo tôi bao chuyến công tác dài ngày khắp miền đất nước lần này nặng như… đeo đá.

Cố gắng được khoảng 100m tôi bị choáng, lần đầu tiên biết thế nào là thở cùng lúc bằng cả tai, mũi và miệng. Chóng mặt, hoa mắt, ù tai, sa sầm mặt mũi, rồi cảm giác buồn nôn xâm chiếm. Bị tụt lại cuối cùng, tim đập như trống khua lồng ngực, hai chân run rẩy đứng không vững, ý nghĩ bỏ cuộc chợt đến khi nhìn sang bên đường tôi thấy có vài nóc nhà.

Đúng lúc ấy, ý chí của người từng gắn bó sâu sắc với núi rừng, với những người dân vùng cao thật thà, thân thiện trong tôi trỗi dậy. Biết sức không thể tải được chiếc balo giờ đây như ngàn cân, tôi quyết định nhờ bạn “porter” đồng hành đeo cho cả chặng đường.

Thoát được gánh nặng, lại được bạn đồng hành giúi cho viên tăng cường thể lực, tôi bắt đầu bám đoàn và vào guồng. Nếu là người ít leo núi, với địa hình dốc cao liên tục ngay đoạn đầu như vậy, 100m đầu tiên sẽ luôn là thử thách khủng khiếp nhất bạn phải đối mặt và vượt qua.

Gian nan đường lên “thiên đàng”

Do khởi hành muộn hơn dự kiến, trong núi trời sập tối sớm nên đoàn đã không thể đến điểm dựng trại như dự kiến. Vậy là 12 “phượt thủ” cùng ba “porter” nối đuôi nhau dậm từng bước trong đêm sương muối giăng mùng.

Bóng tối đen kịt của núi rừng như nuốt lấy từng vệt sáng yếu ớt phát ra từ ánh đèn pin run rẩy lia. Không gian tĩnh lặng bao trùm, rõ mồn một tiếng suối reo vang vẳng, tiếng bước chân, tiếng thở hổn hển, tiếng sột soạt từ bụi rậm, tiếng côn trùng rỉ rả… Tất cả tạo nên bản hòa tấu đầy ấn tượng của núi rừng.

Gian nan cung đường khám phá “thiên đàng” nơi hạ giới ảnh 3Xuyên rừng trong đêm. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Trong đêm, chúng tôi lần mò qua những đoạn sình lầy trơn trượt, dốc đá cheo leo mà một bên vực sâu thăm thẳm, một bên vách núi dựng đứng. Có nhiều đoạn phải dò dẫm qua cầu khỉ bắc ngang dòng suối lạnh ngắt, lởm chởm đá. Mãi mới kiếm được chỗ bằng phẳng, chúng tôi ngồi phệt xuống, chia nhau từng miếng bánh mì (không ai hay biết đó là mỏm đất đua ra trước vực, mà phải chặng quay về vào ban ngày mới nhìn nhau lắc đầu, sợ xanh mặt).

Càng khuya sương càng dày, trời lạnh như cắt. Đi thì nóng mà nghỉ ráo mồ hôi là giá buốt, rét mướt len lỏi qua từng lớp áo lạnh như băng, thấm vào da thịt. Càng lên cao không khí càng loãng, các thành viên dần kiệt sức dưới sức nặng của balo đang đè nghiến trên lưng, đến độ, có người nói vui “vắt thêm cái áo cũng tèo.”

Tám giờ 30 phút tối mà đích đến còn quá xa vời, cả đoàn đuối dần, nhuệ khí giảm sút vì một số bạn trẻ mất sức bị tụt hẳn lại tốp sau, đợi mãi không thấy tăm hơi. Sau cuộc hội ý chớp nhoáng, chúng tôi quyết định đi thêm “một quãng” theo lời trưởng đoàn (mất khoảng 1 tiếng rưỡi), để đến được nơi có bãi đất trống giữa sườn núi có thể dựng lều và nhóm lửa, ít ra là thế…

Bãi đất thoai thoải nên gió rừng từ những khe núi lộng tới tê cóng tay chân, mặt mũi. Dù đã quá lạnh, mệt và sắp lả đi sau gần tám tiếng vượt núi băng rừng liên tục, nhưng chúng tôi chẳng ai bảo ai, xúm vào mỗi người một việc. Nhóm trai tráng khỏe mạnh dựng trại, nhóm các cô gái dỡ đồ ăn và kiếm chỗ đốt lửa. Chân tay ai nấy cứng đơ. Mãi sau mới thấy tốp cuối, có cô em út 9X của đoàn lết được về chỗ tập kết thì nằm vật ra xỉu luôn.

Là con của núi rừng, Anh Phụng vừa buông chiếc gùi nặng trịch xuống lập tức rút con dao quắm vẫn đeo ở hông biến mất sau màn đêm. Ngoảnh đi ngảnh lại đã thấy anh vác cả cây củi khô ở đâu về vừa soi đèn pin vừa bổ thoăn thoắt, điệu nghệ…

Gian nan cung đường khám phá “thiên đàng” nơi hạ giới ảnh 4Bữa sáng sau một ngày trek đầy mỏi mệt. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Đêm ấy hầu như không mấy ai trong chúng tôi ngủ được vì lạnh. Bốn chiếc lều mỏng manh chẳng thể giúp hơn chục cơ thể nhỏ bé chống chọi với gió sương, giá buốt của núi rừng. Càng nằm càng lạnh mặc dù đã quấn chặt mấy lớp quần áo và tất dày cộm. Lạnh thế thà dậy còn hơn. Chưa tinh mơ, vài chàng trai đã lục đục dậy đốt lửa và lấy rượu ra ngồi uống. Đó là cách làm ấm hiệu quả nhất trong hoàn cảnh ấy.

Thứ Sáu, tranh thủ ăn sáng với mỳ tôm, cơm trắng và gà luộc, uống càphê tan “sang chảnh,” cả đoàn lại quáng quàng hò nhau lên đường. Mất ba tiếng chúng tôi mới lên đến điểm dừng cắm trại cho đêm thứ hai trên Núi Muối (là đêm thứ ba của hành trình), có độ cao 2.200m.

Càng lên cao bầu trời càng xanh ngắt, không khí trong lành. Nếu không phải bám đoàn cho kịp tiến độ thời gian chắc chắn tôi đã có thể tha hồ ngả ngớn mà hít hà, mà ngắm nhìn thỏa thuê đất trời.

Lẽ ra, nếu không bị ngủ một đêm giữa chừng ngoài kế hoạch, sáng sớm ngày đầu tiên ở trên núi (thứ Năm) chúng tôi đã có thể đón bình minh và thưởng thức bức tranh mây hùng vĩ và tuyệt đẹp của Núi Muối rồi sau đó tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh Bạch Mộc 3.045m.

Nhưng thực tế, hơn 10 giờ sáng thứ Sáu chúng tôi mới đặt chân đến điểm hạ trại chính thức. Lúc này, bốn thành viên đuối nhất đã không thể gắng gượng nên quyết định ở lại, còn tám “chiến sỹ” tiếp tục hành trình khó khăn hơn để “lên đỉnh.”

Gian nan cung đường khám phá “thiên đàng” nơi hạ giới ảnh 5Bù lại cho cả chặng đường vất vả là cảnh rừng tuyệt đẹp. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Bài 2: Choáng ngợp biển mây ở bình minh Núi Muối

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục