Sự kiện quốc tế 27/3-2/4: Anh rời EU, Pháp "xoay trục" sang châu Á

Anh bắt đầu tiến trình rời EU, phát hiện một loại nấm có thể là "cứu tinh" của rác thải nhựa, ếch phát sáng tại Nam Mỹ là ba trong số những sự kiện nổi bật của thế giới tuần qua.
Anh chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon
Ngày 29​/3, trước Quốc hội Anh, Thủ tướng May đã tuyên bố kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu quá trình đàm phán dự kiến kéo dài 2 năm nhằm chấm dứt tư cách thành viên của nước Anh trong EU trong suốt 44 năm qua.

Cùng lúc đó, tại Brussels (Bỉ), Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow đã trao tận tay Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lá thư của Thủ tướng Anh May thông báo quyết định rời EU và lá thư đã được ông Tusk chấp thuận.

Lãnh đạo 27 thành viên còn lại trong EU cũng đã ra tuyên bố cam kết hành động là một khối thống nhất trong các cuộc đàm phán với Anh về điều kiện ra khỏi EU.

Trong khi đó, đối với Anh, Thủ tướng May cũng nhấn mạnh đây là quyết định "không thể thoái lui," đã đến lúc người Anh phải thể hiện sự đoàn kết để đảm bảo đạt được một thỏa thuận đưa Anh rời EU theo đúng nguyện vọng của đa số người dân trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hồi tháng 6​/2016.

Dù đã được khởi động, song cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Anh và EU sẽ diễn ra sau khi 27 nước thành viên EU thống nhất được thứ tự ưu tiên các vấn đề đàm phán, các nguyên tắc và cấu trúc của các cuộc đàm phán. Các nhà ngoại giao cho rằng phải tới cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, cuộc đàm phán chính thức đầu tiên mới có thể bắt đầu.

Trước đó, ngày 25​/3, hội nghị thượng đỉnh đặc biệt nhân kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Rome (Italy). Tại đây, 27 nước thành viên EU ký “Tuyên bố Rome” kêu gọi sự thống nhất, đoàn kết trong EU và vạch đường hướng tương lai cho liên minh này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Lục địa già đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng và chịu sức ép mang tính “sống còn” khi Anh đang chuẩn bị kích hoạt tiến trình rời khỏi EU và những bất đồng, rạn nứt trong EU vẫn hiện hữu, thì “Tuyên bố Rome” được đánh giá là một kết quả chỉ ở mức khiêm tốn. Bởi “Tuyên bố Rome” mới chỉ dừng lại ở việc kêu gọi các nước thành viên hành động cùng nhau với các tốc độ và cường độ khác nhau, chứ chưa vạch rõ được đường hướng phát triển trong tương lai.

Các nhà phân tích cho rằng, việc nước Anh rời khỏi EU chính là biểu hiện cho thấy “sức khỏe” của EU đang có vấn đề. Ngoài ra, trình độ phát triển kinh tế quá chênh lệch giữa Tây Âu và Đông Âu, quan niệm khác biệt về mức đóng góp và phần được hưởng giữa các nước giàu và các nước kém hơn, vấn đề di cư, vấn đề khủng bố, nguy cơ làn sóng dân túy trỗi dậy, cho đến khủng hoảng nợ công ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)… là những thách thức mà châu Âu đang phải đối mặt và đòi hỏi các thành viên cần phải nỗ lực nhằm thu hẹp những bất đồng để tìm ra một giải pháp toàn diện cho sự phát triển chung của khối trong tương lai.

Sự kiện quốc tế 27/3-2/4: Anh rời EU, Pháp "xoay trục" sang châu Á ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: EPA)
Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên
Trong bối cảnh Triều Tiên vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, ngày 29​/3, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua một loạt các biện pháp được cả hai đảng nhất trí, nhằm tăng cường sức ép đối với​ Triều Tiên.

Các biện pháp trên bao gồm kêu gọi tăng cường trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng, phản đối chương trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của nước này, đồng thời hối thúc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa​ Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump từng khẳng định sẽ cân nhắc mọi lựa chọn, trong đó có cả hành động quân sự, nếu Triều Tiên tiếp tục là mối đe dọa tới Mỹ cùng các đồng minh của nước này.

Phản ứng lại, Triều Tiên tuyên bố Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm về một cuộc chiến tranh có thể bùng phát trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Mỹ nếu cần.

Trước những cảnh báo trên, dư luận đang dấy lên những quan ngại về khả năng Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 bất chấp những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Triều Tiên vẫn luôn cho rằng việc họ phát triển các loại vũ khí hạt nhân là để phòng ngừa chính sách thù địch của Mỹ. Những động thái mới này đã khiến cho quan hệ Mỹ và Triều Tiên leo thang căng thẳng.

Sự kiện quốc tế 27/3-2/4: Anh rời EU, Pháp "xoay trục" sang châu Á ảnh 2Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên được chụp qua vệ tinh. (Nguồn: 38 North/TTXVN)
Trung Quốc-Hàn Quốc gia tăng căng thẳng vì THAAD
Ngày 30-3, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành động trả đũa kinh tế đối với kế hoạch bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

Có thể thấy, kế hoạch triển khai THAAD tại Hàn Quốc đang làm gia tăng căng thẳng giữa Seoul và Bắc Kinh không chỉ về mặt chính trị mà còn trong lĩnh vực kinh tế. Bắc Kinh nhiều lần phản đối chủ trương trên, cho rằng kế hoạch này sẽ đe dọa an ninh quốc gia. Trung Quốc đã áp đặt một loạt biện pháp trả đũa thương mại và văn hóa, gây ảnh hưởng rõ rệt đến ngành du lịch Hàn Quốc cũng như hoạt động của tập đoàn Lotte của nước này ở Trung Quốc.

Theo Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) dự báo, Hàn Quốc có thể sẽ thiệt hại khoảng 20 tỷ USD do các biện pháp trả đũa thương mại của Trung Quốc. Theo đó, kinh doanh hàng miễn thuế và du lịch Hàn Quốc sẽ bị thiệt hại khoảng 11,7 tỷ USD và các ngành khác sẽ thiệt hại tổng cộng 8,3 tỷ USD. Mỹ phẩm cũng là một trong những ngành sẽ bị tổn hại nhiều, dự tính lên tới 1,43 tỷ USD.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các biện pháp hạn chế thương mại, du lịch của Trung Quốc đối với Hàn Quốc cũng sẽ gây thiệt hại cho Trung Quốc khi số vốn đầu tư và khách du lịch của Hàn Quốc vào Trung Quốc giảm đi.​

Sự kiện quốc tế 27/3-2/4: Anh rời EU, Pháp "xoay trục" sang châu Á ảnh 3Tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống THAAD được phóng thử thành công tại Mỹ ngày 10/9/2013. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Thi thể công dân Triều Tiên bị sát hại tại Malaysia được đưa về nước
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 31/3 cho biết thi thể của công dân Triều Tiên bị sát hại ở Sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia hồi tháng Hai vừa qua đã được đưa trở về Triều Tiên vào ngày 31/3.

Công dân Triều Tiên bị sát hại ở Sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un​.

Phát biểu tại buổi họp báo, người phát ngôn bộ trên, ông Lục Khảng nói rằng các công dân Triều Tiên "liên quan" cũng sẽ được trở về nước, song người phát ngôn này không tiết lộ thêm chi tiết.

Hôm 30/3, một quan chức Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết 9 công dân Malaysia, được Triều Tiên trả tự do theo thỏa thuận nhằm chấm dứt khủng hoảng ngoại giao liên quan đến vụ sát hại người đàn ông trên, đã trở về nước trong ngày 31/3.

Sự kiện quốc tế 27/3-2/4: Anh rời EU, Pháp "xoay trục" sang châu Á ảnh 4Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Anan (thứ 3) đi cùng với 9 công dân Malaysia bị mắc kẹt tại Bình Nhưỡng khi họ trở về nhà, tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia ngày 31/3. (Nguồn: Reuters)
Phát hiện loại nấm có khả năng "tiêu hóa" nhựa dẻo
Các nhà nghiên cứu đến từ Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) mới đây đã xác định một loại nấm có khả năng "ăn" nhựa dẻo.

Phát hiện này hứa hẹn mang lại một giải pháp hữu hiệu trong việc xử lý vấn đề rác thải.

Loài nấm lạ thường trên, có tên khoa học là Aspergillus tubingensis, có thể sống trên bề mặt của một loại nhựa tổng hợp và phá vỡ liên kế hóa học giữa các phân tử nhựa và hợp chất polymer, hay còn gọi là hợp chất cao phân tử, nhờ những enzyme mà chúng tiết ra.

Với tính chất khó phân hủy, rác thải nhựa như chai lọ, túi nilon... không chỉ gây ô nhiễm nguồn đất và nước, mà còn gây ảnh hưởng lớn về kinh tế và sức khỏe con người.

Do đó, các nhà khoa học nhận định khả năng đặc biệt của loài nấm trên có thể được tận dụng trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra.

Sự kiện quốc tế 27/3-2/4: Anh rời EU, Pháp "xoay trục" sang châu Á ảnh 5Quá trình phân hủy sinh học của nấm. (Nguồn: cas.cn)
Nữ phi hành gia Mỹ lập kỷ lục với chuyến đi ra ngoài không gian dài nhất
Nhà du hành vũ trụ người Mỹ Peggy Whitson vừa lập thêm một kỷ lục thế giới khi trở thành nữ phi hành gia có thời gian đi bộ ngoài không gian lâu nhất từ trước tới nay.

Ngày 30/3, nhà du hành vũ trụ Whitson đã thực hiện chuyến ra ngoài trong không gian thứ 8 của mình trong khoảng thời gian 7 tiếng 4 phút, "xô đổ" kỷ lục trước đó của nữ phi hành gia người Mỹ Sunita Williams.

Ngoài ra, số giờ đi bộ trong vũ trụ của bà Whitson cũng đạt kỷ lục 53 giờ 25 phút, trong khi bà Williams chỉ đạt 50 giờ 40 phút.

Xem thêm tại đây: Nữ phi hành gia Mỹ lập kỷ lục chuyến đi ra ngoài không gian dài nhất

Sự kiện quốc tế 27/3-2/4: Anh rời EU, Pháp "xoay trục" sang châu Á ảnh 6Nhà du hành vũ trụ người Mỹ Peggy Whitson
Phát hiện loài ếch phát sáng đầu tiên trên thế giới
Các nhà khoa học Argentina và Brazil thông báo đã phát hiện loài ếch duy nhất trên thế giới có khả năng phát sáng, có tên khoa học là Hypsiboas Punctatus.

Dẫn báo cáo công bố ngày 29/3 của Hội đồng Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật Argentina (CONICET) và Đại học Buelmente của Brazil, phóng viên TTXVN tại Argentina cho biết loài ếch này được phát hiện ở nhiều nơi tại khu vực Nam Mỹ.

Tuy nhiên, cho đến nay các nhà khoa học mới phát hiện khả năng phát sáng tự nhiên khi loài vật trên được chiếu các tia cực tím vào người. Môi trường sống tự nhiên của ếch Hypsiboas Punctatus là các khu rừng khô nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới và những khu đầm lầy nước ngọt.

Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguồn gốc của loài ếch này, đa phần sống ở Venezuela, Brazil, Ecuador và Argentina.

Theo bà María Gabriela Lagorio, một trong những chuyên gia nghiên cứu về loài ếch trên, các nhà khoa học đang tìm hiểu nguyên nhân phát sáng của loài ếch này và cho rằng việc phát sáng không liên quan đến nhu cầu sinh sản, tự vệ hay tìm kiếm thức ăn.

Bà Lagorio tiết lộ các nhà khoa học sẽ tiếp tục tìm kiếm động vật phát quang tương tự khác tại các tỉnh Misiones và Corrientes, miền Đông Bắc Argentina.

Sự kiện quốc tế 27/3-2/4: Anh rời EU, Pháp "xoay trục" sang châu Á ảnh 7
Nước Pháp với chính sách “xoay trục” sang châu Á
Từ ngày 26 đến 30​/3, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có chuyến công du 3 nước Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Indonesia.

Trong chuyến thăm này, Tổng thống Hollande và nhà lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã đạt được sự nhất trí cao nhằm đưa quan hệ ngoại giao lên tầm cao mới. Hiện Pháp là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là nhà đầu tư lớn thứ 6 của Singapore.

Trong khi với Malaysia, Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 ở châu Âu. Năm 2016, thương mại song phương Malaysia-Pháp tăng 6,3% so với năm 2015, lên mức 15,23 tỷ ringgit (khoảng 3,5 tỷ USD)…

Đánh giá về chuyến thăm này, các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Pháp Holande đã thể hiện mong muốn của các cường quốc hàng đầu châu Âu về đẩy mạnh tốc độ “xoay trục” sang châu Á cũng như xích lại gần hơn với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng được xem là một trong những trọng tâm chiến lược trên “bàn cờ” ngoại giao của Pháp trong thời gian tới.

Xem thêm tại đây: Nước Pháp với chính sách “xoay trục” sang khu vực châu Á

Sự kiện quốc tế 27/3-2/4: Anh rời EU, Pháp "xoay trục" sang châu Á ảnh 8Tổng thống Pháp Francois Hollande. (Nguồn: EPA/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục