Sân chơi sáng tạo

Sững sờ góc nhìn của các "nhà làm phim tuổi ô mai"

Sáu đoạn phim tham dự Kid Witness News 2011 là những góc nhìn đa chiều về xã hội, có những số liệu, quan điểm khiến người xem sững sờ.
Với cái nhìn trực diện, các “nhà làm phim tuổi ô mai” đã đem đến Chương trình Kid Witness News – KWN (Qua ống kính trẻ thơ) 6 đoạn phim mang màu sắc phong phú, đa chiều về những vấn đề xã hội. Tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi này sẽ được chọn làm đại diện cho Việt Nam thi tài với các đội KWN khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Sân chơi sáng tạo Sáng 22/9, khách sạn Crowne Plaza Hà Nội rộn rã tiếng cười của nhiều em học sinh đến từ các trường Trung học Cơ sở trên địa bàn Hà Nội. Ai cũng háo hức để đón xem những thước phim tại Lễ trao giải KWN 2011. Trước giờ công bố trao giải, Trần Thị Hà Mi, một thành viên của đội KWN Marie Curie không giấu nổi sự hồi hộp. Mấy tháng qua, các em đã rất vất vả để hoàn thành thước phim dài 5 phút của mình. Mi kể, khi học lớp 6 em đã biết Công ty Panasonic Việt Nam tổ chức cuộc thi này. Cuối năm 2010, khi cuộc thi được phát động, Mi cùng nhóm bạn của mình quyết định viết kịch bản tham gia. Qua nhiều lần tuyển chọn, Ban tổ chức đã chọn kịch bản của nhóm Mi và 5 nhóm khác trên tổng số 53 kịch bản để dựng thành phim. Sau đó, các nhóm làm phim được Panasonic cung cấp máy quay và các thiết bị liên quan để sử dụng. Các em cũng được các giảng viên của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh tập huấn cả tháng trời để có kiến thức thực hiện phim theo kịch bản của mình. Trong chương trình KWN, tất cả các trường tham gia đều được cung cấp trang thiết bị sản xuất và biên tập phim của Panasonic để sử dụng trong quá trình làm phim. Ngoài ra, các em còn được tham gia khóa đào tạo làm phim ngắn hạn với những giảng viên nhiệt tình và giàu kinh nghiệm của trường Đại học sân khấu điện ảnh cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh. Khi triển khai, nhóm của Mi đã gặp nhiều kỷ niệm khó quên. Trong đó phải kể đến sự cố khi một người bạn trong nhóm làm phim phải chuyển trường vào Thành phố Hồ Chí Minh mà lại không có người thay thế hoặc những lần đi quay phim phát tờ rơi ngoài đường, gặp mưa to, "ướt như chuột lột." Có lần, Mi vô tình xóa một số cảnh quay của nhóm. Dùng các biện pháp kỹ thuật để “cứu chữa” mãi nhưng cũng chỉ được một ít cảnh, cả nhóm lại phải lóc cóc đi… quay lại. “Làm phim mệt, nhưng vui anh ạ,” Mi hồ hởi nói với phóng viên Vietnam+. Cô học trò này cũng cho biết, điều em học hỏi được sau khi phim được dựng xong chính là tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn và phải biết tin tưởng. Đây là những kiến thức sẽ giúp em rất nhiều trong tương lai. Một thành viên nam của đội Lê Quý Đôn thì cho hay, qua cuộc thi, em đã biết cách sản xuất ra bộ phim ngắn cho riêng mình. Bên cạnh đó, cuộc thi còn giúp các em thỏa sức sáng tạo, thể hiện quan điểm của mình trong việc bảo vệ môi trường. Đem phim thi thố xứ người Khi xem 6 bộ phim, khán phòng của Lễ trao giải KWN không ngớt tiếng vỗ tay khen ngợi. Bên cạnh việc diễn xuất của diễn viên, ý tưởng của các nhóm phim tuổi ô mai được thể hiện hết sức rõ rệt. Các đoạn phim đưa người xem về một thế giới thực, với những vấn đề xã hội được đặt ra trong việc bảo vệ môi trường. Với đội KWN của trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, nhóm đã chọn đề tài “Túi nilon” với một cách nhìn trực diện. Các cảnh quay đều được bài trí công phu, nói về nạn túi nilon được sử dụng bừa bãi. Cuối cùng, đoạn phim đưa ra lời cảnh báo với hình ảnh túi nilon bị cháy và hiện ra cảnh trái đất đang loang lổ… Đội KWN trường Lô-mô-nô-xốp với kịch bản có tên “Những tờ giấy nhắn” lại nói lên cuộc sống gấp gáp hiện nay, khiến bố mẹ có quá ít thời gian giao tiếp với con cái mà chỉ thể hiện qua những dòng chữ nhắn lại. Điều này  khiến trẻ thiếu thốn tình cảm trong cuộc sống dẫn đến việc bỏ nhà ra đi… Xuyên suốt kịch bản của nhóm KWN Marie Curie là câu chuyện về giấy, về những ứng dụng hữu hiệu mà giấy mang lại cho cuộc sống con người. Câu chuyện được dẫn dắt bằng việc sử dụng giấy một cách vô tội vạ của con người như in ấn lãng phí, phát tờ rơi nhưng người được phát không đọc mà vứt bừa bãi, nạn đốt vàng mã… Tiếp theo, nhóm làm phim này tiếp tục làm người xem sững sờ khi đưa ra những số liệu thống kê để làm khoảng 500 tờ giấy A4, người ta phải sử dụng đến 500 lít nước, rồi nạn chặt cây lấy gỗ làm giấy... Và vì thế, nếu sử dụng giấy không hợp lý sẽ dẫn đến nguồn gỗ cạn kiệt, ô nhiễm môi trường tăng… Không dừng lại ở đó, nhóm học sinh còn đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết vấn đề trên trước khi quá muộn. Đó chính là việc cần thay đổi cách sử dụng giấy để bảo vệ môi trường. Qua nhiều vòng chấm bởi những giám khảo có uy tín như Nghệ sĩ nhân dân Lò Văn Minh, bà Nguyễn Quỳnh Trang (giảng viên Đại học Sân khấu Điện ảnh), đại diện Panasonic Việt Nam, phim “Hãy nghĩ đến môi trường trước khi ấn nút Print” của nhóm KWN Marie Curie đã giành giải quán quân. Theo nhận xét từ những người có chuyên môn thì đây là một bộ phim giàu tính sáng tạo. Phim không chỉ đề cập tới việc tiết kiệm giấy để bảo vệ cây xanh các em đã thể hiện những cái nhìn thấu đáo, sâu sắc khi đưa ra được những hình ảnh và con số thuyết phục về việc tiết kiệm giấy để bảo vệ môi trường. Với việc đoạt giải quán quân, tác phẩm của đội KWN Marie Curie sẽ đại diện cho Việt Nam để thi tài và sánh vai với các đội KWN của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Hà Mi cho hay, đây sẽ là kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời, và em hy vọng bộ phim của mình có thể đoạt giải ở cấp quốc tế, khẳng định sự sáng tạo, cái nhìn của học sinh đất Việt./.
Chương trình Kid Witness News – KWN là một chương trình đào tạo làm phim trên khắp thế giới do Panasonic hỗ trợ. Mục đích của chương trình là tăng cường khả năng giao tiếp, sáng tạo và thúc đẩy sự hợp tác thông qua các tác phẩm quay phim của trẻ em cấp tiểu học và trung học cơ sở (từ 10 đến 15 tuổi).

Chương trình này được bắt đầu tại Mỹ vào năm 1989 và đến nay đã có 24 nước và khu vực với 630 trường trên toàn thế giới tham gia.

Tại Việt Nam, KWN được bắt đầu từ năm 2006 và trở thành sự kiện thường niên, thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh.


Năm 2010, hai phim ngắn trong chương trình Qua ống kính trẻ thơ của trường Lômônôxốp mang tên “Tiện và Hại” và “ Vòng tròn” của trường Phan Chu Trinh đã được ban tổ chức chương trình gửi tham dự Liên hoan phim Môi trường toàn quốc lần thứ tư do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.


Là hai bộ phim bán chuyên duy nhất do các học sinh cấp hai sản xuất nhưng cả hai đã xuất sắc giành giải Nhì và giải Khuyến khích.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục