Tạo thuận lợi vận hành Văn phòng đăng ký đất đai các cấp

Ngày 18/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo góp ý xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai các cấp.
Tạo thuận lợi vận hành Văn phòng đăng ký đất đai các cấp ảnh 1Tạo điều kiện vận hành hiệu quả cho Văn phòng đăng ký đất đai các cấp. (Nguồn: TTXVN)

Chiều nay (18/9), tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự thảo nhằm bãi bỏ Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT-BTNMT-BTC ngày 15/3/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân các cấp.

Nêu lên vai trò quản lý đất đai ở cấp địa phương, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai kiến nghị, nội dung Dự thảo cần bổ sung thêm những lĩnh vực trong quyền hạn và trách nhiệm cho Văn phòng đăng ký đất đai nhằm tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị này thực hiện được nhiều nhiệm vụ hơn chứ không chỉ là việc đăng ký và thu thập cơ sở dữ liệu về đất đai.

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, hiện nay, với số lượng cán bộ công nhân viên của các Văn phòng đăng ký từ cấp tỉnh tới cấp huyện là khoảng 700 người, Đồng Nai đang thực hiện cơ chế tự chủ một phần nguồn tài chính, trong đó ngân sách Nhà nước cấp kinh phí trả lương cho 89 người.

Sau gần hai năm triển khai "mô hình thí điểm," các đơn vị này đã thu được hơn 123 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 12 tỷ đồng. Do vậy, địa phương này kiến nghị được chuyển hẳn sang đơn vị hạch toán tự bảo đảm kinh phí hoạt động.

Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cũng sẽ xây dựng kế hoạch cho phép các đơn vị này tự bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngày 1/7/2015.

Tham gia góp ý, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, nội dung của Dự thảo khá đầy đủ và cần thiết đối với cơ sở thực hiện. Nội dung về chức năng, nhiệm vụ của Dự thảo cũng hoàn toàn phù hợp với Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, Dự thảo cũng cần thêm nội dung quy định số lượng, tiêu chí, quy chuẩn về trang thiết bị, tên gọi của Chi nhánh, các chức danh nhằm tạo tính thống nhất trên toàn quốc; tiêu chuẩn về trụ sở nhằm tạo thuận lợi cho ngành tài nguyên và môi trường khi đặt vấn đề với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ghi nhận những kiến nghị nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Văn phòng là cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, dữ liệu địa chính. Nếu không cập nhật thì các số liệu này sẽ bị lạc hậu. Số tiền hàng trăm triệu USD đầu tư cho công tác này trở thành lãng phí.

Việc các văn phòng đăng ký đất đai các địa phương hoạt động hiệu quả sẽ tạo cơ sở xây dựng được nguồn dữ liệu thông tin cho lĩnh vực đất đai do những hồ sơ đất đai từ nhân dân được cập nhật thường xuyên, thông tin dữ liệu về đất đai được quản lý chặt chẽ.

Chính vì thế, Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần được nghiên cứu, soạn thảo chi tiết, bài bản theo hướng phù hợp với Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2014 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục