Tín đồ Hồi giáo trên thế giới bắt đầu tháng lễ Ramadan

Trong tháng lễ kéo dài từ 29-30 ngày này, các tín đồ Hồi giáo sẽ phải nhịn ăn, nhịn uống thậm chí cả nước và quan hệ tình dục kể từ khi Mặt Trời mọc đến lúc Mặt Trời lặn.
Tín đồ Hồi giáo trên thế giới bắt đầu tháng lễ Ramadan ảnh 1Người dân Iran cầu nguyện tại thủ đô Tehran. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 27/5, hơn 1,6 tỷ tín đồ Hồi giáo trên thế giới đã bắt đầu tháng lễ Ramadan - dịp lễ trọng lớn nhất trong năm của đạo Hồi.

Trong tháng lễ kéo dài từ 29-30 ngày này, các tín đồ Hồi giáo sẽ phải nhịn ăn, nhịn uống thậm chí cả nước và quan hệ tình dục kể từ khi Mặt Trời mọc đến lúc Mặt Trời lặn.

Đối với người Hồi giáo, đây là tháng linh thiêng trong năm bởi họ tin rằng kinh Koran được hoàn thành vào tháng này.

Với ý nghĩa linh thiêng đó, đây cũng được coi là thời gian để họ sám hối, để tha thứ và thanh tẩy tâm hồn và là dịp để các gia đình sum họp, quây quần bên nhau, tạo nên sự gắn bó hơn giữa các thành viên. 5 hành vi bắt buộc trong tháng lễ Ramadan gồm: Cầu nguyện (mỗi tín đồ cầu nguyện 5 lần một ngày); nhịn ăn uống; bố thí cho người nghèo; hành hương về Thánh địa Mecca và chiến đấu để bảo vệ tôn giáo khi cần.

Tuy nhiên, việc nhịn ăn chỉ áp dụng cho người khỏe mạnh còn những người đang ốm, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi… đều được miễn trừ.

Tất cả những người theo đạo Hồi đều phải tham gia lễ Ramadan.

Tuy nhiên, những người đang ốm, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi được miễn trừ.

Tại Indonesia - quốc gia có số người Hồi giáo đông nhất thế giới, dường như nhịp sống thường ngày đều chậm lại khi người dân bắt đầu tháng lễ Ramadan năm nay, kéo dài từ ngày 27/5 đến ngày 27/6.

Giao thông ở thủ đô Jakarta vốn được coi là tồi tệ nhất thế giới do vấn nạn tắc đường, nhưng trong tháng Ramadan cảnh ùn tắc đỡ hơn hẳn.

Hầu như nhà hàng, quán ăn và cả những xe đẩy bán đồ ăn đều đóng cửa đến ít nhất là 17 giờ.

Những quán ăn mở cửa đều che kín rèm và chỉ mở ra khi đến giờ “buka puasa” (bữa ăn thứ 2 trong ngày sau khi cùng nhau cầu nguyện vào 18 giờ).

Rất nhiều người đến các nhà thờ từ sáng sớm và ở lại đó đến tận chiều, họ được nhận những bữa ăn miễn phí do Hội đồng Hồi giáo và những cá nhân góp tiền cung cấp.

Các tín đồ Hồi giáo tin rằng tất cả những việc làm của họ đều có sự chứng giám của đấng tối cao và bằng sự thanh khiết cả về tinh thần lẫn thể xác, họ có thể đến gần được Thánh Allah về mặt tâm tưởng.

Vì vậy, họ tuân thủ các nghi thức một cách rất tự nguyện, tự giác và thành tâm.

Năm nay, ngay trước tháng lễ chỉ vài ngày, đã xảy ra 2 vụ đánh bom liên tiếp nhằm vào cảnh sát tại thủ đô Jakarta khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có 3 cảnh sát và 11 người bị thương.

Bấp chấp điều đó, những tín đồ Hồi giáo Indonesia không hề nao núng hay cảm thấy bị đe dọa. Họ luôn vững tin vào những giá trị đúng đắn của đạo Hồi.

Với đức tin của mình vào những giá trị tốt đẹp và khoan dung của đạo Hồi, những tín đồ Hồi giáo Indonesia luôn chờ đón dịp lễ lớn này hàng năm.

Họ tin rằng việc kiêng ăn trong tháng lễ sẽ làm mạnh hơn tinh thần của họ và tăng khả năng tự kiểm soát, hướng con người đến sự thánh thiện.

Và năm nay, mặc cho những u ám của 2 vụ đánh bom vừa xảy ra, người Hồi giáo Indonesia vẫn đến nhà thờ và bước vào tháng lễ Ramadan với đầy đủ các nghi thức linh thiêng.

Tại Malaysia, tháng lễ Ramadan bắt đầu từ ngày 26/5 đến ngày 26/6. Trong tháng lễ Ramadan, người dân nước này thức dậy vào khoảng 4 giờ sáng, trước khi Mặt Trời mọc, ăn uống để chuẩn bị sức khỏe cho một ngày mới.

Sau đó, họ sẽ đến các đền thờ để cầu nguyện và tham gia hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi những người cao tuổi trong làng.

Trong khi đó, tại quốc gia đang nổ ra xung đột là Libya, người dân bắt đầu tháng lễ Ramadan với việc phải thay đổi thói quen chi tiêu do giá cả leo thang, thiếu tiền mặt trong khi các vụ đụng độ đẫm máu quay trở lại thủ đô Tripoli sau nhiều tháng yên tĩnh.

[Indonesia chuẩn bị 2 triệu tấn gạo cho lễ Ramadan và Idul Fitri]

Ngày 26/5, giao tranh giữa các lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA), được Liên hợp quốc bảo trợ, với các tay súng đối địch đã xảy ra ở phía Nam thủ đô khiến ít nhất 28 người thiệt mạng và 130 người bị thương.

Ước tính, giá cả đã tăng gấp 3 - 4 lần trong năm 2017 tại Libya, chưa kể việc phải thức dậy từ sáng sớm xếp hàng ngoài các ngân hàng chỉ để rút vài chục dinar (đơn vị tiền tệ của Libya) đang trở thành hoạt động thường ngày của hầu hết người dân Libya.

Nhằm đối phó với các tác động của khủng hoảng kinh tế, ngân hàng trung ương Libya đã quyết định chi hơn 550 triệu USD vào việc nhập khẩu lương thực cho tháng lễ Ramadan.

Cộng đồng tín đồ Hồi giáo Trung Quốc cũng đã bắt đầu tháng lễ Ramadan vào ngày 27/5.

Tại Ngân Xuyên, thủ phủ khu tự trị Ninh Hạ Hồi, nhiều người dân đã đến đền thờ để cầu nguyện.

Với nhiều tín đồ Hồi giáo Trung Quốc, Ramadan là thời gian để các gia đình gắn kết với nhau, từ bỏ các thói quen xấu và học hỏi các kỹ năng mới.

Hiện Trung Quốc có khoảng 20 triệu tín đồ Hồi giáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục