[Video] Người khuyết tật loay hoay tiếp cận nhà chờ xe buýt nhanh BRT

Sau hơn một tháng đi vào hoạt động nhưng BRT vẫn còn nhiều điểm bất cập khi người khuyết tật rất khó tiếp cận với loại hình vận tải công cộng này.

Sau hơn một tháng đi vào hoạt động nhưng BRT vẫn còn nhiều điểm bất cập khi người khuyết tật rất khó tiếp cận với loại hình vận tải công cộng này.

Theo quan sát của phóng viên VietnamPlus, tại các nhà chờ nhiều thiết kế còn chưa phù hợp, một số điểm chưa đồng bộ để người khuyết tật có thể tiếp cận như ở các điểm bán vé và lối vào nhà chờ không có cổng riêng cho người khuyết tật. Chiều rộng tại các cổng cũng không giống nhau.

Đơn cử như cổng vào tại Kim Mã rộng hơn 75cm, nhà chờ Vũ Ngọc Phan là 70cm, thậm chí nhà chờ Giảng Võ lối vào chỉ rộng hơn 60cm. Với kích thước có sự chênh lệch thì người đi xe lăn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nhà chờ và các điểm dừng.

Bên cạnh đó, bờ ke dẫn lên các nhà chờ cao hơn so với lòng đường lên tới hơn 20cm khiến những người khuyết tật vận động, đặc biệt là những người đi xe lăn không có lối lên. Chưa kể, hàng rào vây kín lối vào nhà chờ cũng là một trở ngại trong việc di chuyển bằng xe buýt nhanh BRT với người khuyết tật.

Dẫn chứng, tại nhà chờ Giảng Võ nếu muốn tiếp cận nhà chờ, hành khách phải di chuyển bằng cầu đi bộ sang đường vì lối đi đã bị chặn bằng hàng rào xung quanh lối vào. Đối với người bình thường có thể di chuyển dễ dàng nhưng với người khuyết tật việc tiếp cận không khác gì đánh đố.

Cũng tại nhà chờ Giảng Võ dù có đèn tín hiệu có nút bấm để người đi bộ xin đường sang nhà chờ nhưng lại không có vạch kẻ đường, cũng như lối vào. Điều này cũng gây trở ngại không nhỏ cho người đi bộ và người khuyết tật sang phía nhà chờ.

Vốn nghe qua các phương tiện truyền thông về việc người khuyết tật dễ dàng tiếp cận với buýt nhanh BRT so với buýt thông thường, sau một tai nạn giao thông trên đường, anh Phạm Việt Hoài ở Hà Đông (Hà Nội) là một người khuyết tật vận động được gia đình cho đi thử buýt nhanh đã cảm nhận được sự khó khăn khi tham gia lưu thông.

Theo anh Hoài, xe buýt thường không có hệ thống trợ giúp nâng xe lăn lên xuống, đây là điểm khác biệt khi buýt BRT có thiết kế sàn xe bằng phẳng với nền nhà chờ, thuận tiện cho người khuyết tật vận động có thể lăn xe để vào trong khoang xe.

“Chỉ riêng hai điểm bến đầu Kim Mã và Yên Nghĩa có đầy đủ thiết kế dành cho người khuyết tật, Còn các vị trí tiếp cận khác để vào nhà chờ, người khuyết tật không thể leo lên cầu đi bộ, trèo qua hàng rào để vào nhà chờ. May chăng người khuyết tật, nhất là người khuyết tật vận động có thể đi liền một mạch từ điểm đầu Kim Mã đến điểm cuối Yên Nghĩa hoặc ngược lại, chứ không thể muốn xuống giữa lộ trình,” anh Hoài thở dài.

Khẳng định sự thiệt thòi khiến người khuyết tật không có cơ hội đi xe buýt nhanh BRT, anh Khúc Hải Vân, người khuyết tật thở dài ngao ngán nói: “Lúc chưa có xe buýt nhanh thì không thể đi xe buýt thường, lúc có rồi cũng chẳng thể đi nốt. Cứ nghĩ bản thân sẽ tự đi lại mà không cần nhờ sự trợ giúp của người thân nhưng xem ra vẫn phải cần”

Là một trong người đầu tiên cầm vô lăng điều khiển buýt nhanh BRT kể từ khi đưa vào vận hành, anh Lưu Mạnh Quân, lái xe buýt nhanh BRT thành thật bảo, thực ra người khuyết tật cũng ít đi xe buýt nhanh. Cánh tài xế còn phải cất dây đai an toàn đi cũng chỉ vì sợ bị kẻ gian trộm mất.

Theo ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT Hà Nội, hạ tầng giao thông dành riêng cho người khuyết tật vẫn chưa thể đồng bộ, chỉ tính riêng việc bố trí các điểm tiếp cận của buýt nhanh BRT dành cho các đối tượng người khuyết tật vẫn còn nhiều bất cập như dốc lên xuống giữa lòng đường và vỉa hè, đèn tín hiệu dành cho người sang đường…

“Xí nghiệp cũng đã có các kiến nghị gửi cơ quan chức năng nhằm sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng để người khuyết tật có đầy đủ các cơ hội dễ dàng tham gia đi lại trên tuyến buýt nhanh BRT,” ông Thủy cho hay.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục