1.000 người di cư đang sống chui lủi ở biên giới Hungary-Serbia

Bộ trưởng Lao động và Xã hội Serbia cảnh báo cuộc khủng hoảng người di cư tại biên giới Hungary-Serbia sẽ có nguy cơ gia tăng nếu Hungary vẫn đóng cửa biên giới giữa 2 quốc gia.
1.000 người di cư đang sống chui lủi ở biên giới Hungary-Serbia ảnh 1Người di cư bị bắt giữ tại khu vực biên giới Hungary-Serbia ngày 15/9. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Ngày 15/9, Bộ trưởng Lao động và Xã hội Serbia, Aleksandar Vulin cảnh báo cuộc khủng hoảng người di cư tại biên giới Hungary-Serbia sẽ có nguy cơ gia tăng nếu Hungary vẫn đóng cửa biên giới giữa 2 quốc gia.

Hiện có khoảng 1.000 người di cư đang sống chui lủi trong tình trạng thiếu lương thực và nước uống gần biên giới giữa hai nước và nhiều người đã biểu tình đòi mở cửa biên giới.

Ông Vulin kêu gọi Hungary hợp tác tránh để tình trạng vượt ngoài tầm kiểm soát. Serbia sẽ cung cấp lương thực và đồ dùng thiết yếu cho người di cư nhưng rất khó để thuyết phục những người này rời khỏi khu vực biên giới.

Hungary đã áp dụng rất nhiều biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn dòng người di cư tới quốc gia này, như bắt giữ người nhập cư trái phép, xét xử tại chỗ những trường hợp vi phạm, ban bố tình trạng khẩn cấp tại 2 khu vực ở miền Nam, đồng thời đóng cửa biên giới với Serbia.

Động thái của Hungary đã khiến quốc gia láng giềng Croatia phải chuẩn bị kế hoạch ứng phó khẩn cấp với dòng người di cư có thể tràn vào lãnh thổ nước này để sang Đức.

Bộ trưởng Nội vụ Croatia Ranko Ostojic cho biết nếu người di cư tràn vào thì những biện pháp trên sẽ được triển khai tức thì đồng thời hoạt động kiểm soát biên giới sẽ được thắt chặt. Quốc gia này vốn không phải điểm đến cho người di cư, nhưng điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi Hungary đóng cửa biên giới.

Cũng liên quan tới cuộc khủng hoảng người di cư, ngày 15/9, Văn phòng của Tổng thống Litva tuyên bố nước này sẽ không chấp nhận cơ chế phân bổ người di cư bắt buộc với lý do cơ chế này không giúp giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng.

Thay vào đó, Litva cho rằng các biện pháp kiểm soát biên giới EU và ngăn chặn nạn buôn người mới là những biện pháp cần làm lúc này.

Như vậy, đến nay đã có Hungary, Séc, Slovakia, Romania và Litva phản đối kế hoạch của EC về phân bổ người di cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục