2 năm tái cơ cấu ngân hàng, nợ xấu vẫn ở mức cao

Nợ xấu trong ngân hàng vẫn còn cao, đây cũng là thách thức lớn đối với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.
Sau gần 2 năm thực hiện quyết liệt tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, có mức tăng trưởng huy động vốn khá cao, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh, nguy cơ đổ vỡ do mất thanh khoản bị loại trừ hoàn toàn…

Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đây cũng là vấn đề được tập trung thảo luận tại Hội thảo quốc tế “Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cơ cấu ngân hàng thương mại Việt Nam”, do Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức ngày 9/10.

Đúng lộ trình

Tại hội thảo, các chuyên gia đều nhận định, trong thời gian qua, quá trình tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được một số kết quả ban đầu, như thanh khoản hệ thống được đảm bảo, đã xử lý được 9 ngân hàng tổ chức tài chính yếu kém.

Đó là Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Việt Nam Tín nghĩa và Ngân hàng Sài Gòn đã chính thức ký thỏa thuận hợp nhất theo nguyên tắc tự nguyện và lấy tên là SCB; Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB); Ngân hàng Đại Á sáp nhập vào Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank). Mới đây, Ngân hàng Phương Tây đã sáp nhập với Tổng Công ty cổ phần Dầu khí (PVFC) để thành lập ngân hàng mới với tên gọi là Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcombank).

Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém đã được xác định từ đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục đánh giá và xác định thêm một số tổ chức tín dụng yếu kém khác. Yêu cầu những ngân hàng này xây dựng phương án tái cơ cấu trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, đảm bảo xử lý dứt điểm những tổ chức tín dụng yếu kém trong năm 2013 theo đúng mục tiêu của Đề án.

Theo các chuyên gia kinh tế, dù tái cơ cấu ngân hàng mới bước vào giai đoạn thứ hai, song có rất nhiều cơ hội thành công. Cụ thể là điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và có những dấu hiệu phục hồi, thanh khoản được củng cố vững chắc. Ngoài ra, sự vào cuộc mạnh mẽ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), kinh nghiệm tái cấu trúc ngân hàng cũng như sức ép từ các hiệp định thương mại tự do đã và sắp được ký kết cũng khiến lộ trình tái cấu trúc sẽ được đẩy nhanh hơn.

Theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng BIDV, trên cơ sở hành lang pháp lý được ban hành, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã và đang được triển khai một cách quyết liệt và bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận giúp hoạt động ngân hàng từng bước được cơ cấu lại theo hướng lành mạnh.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại được đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng duy trì ổn định; thị trường huy động vốn từ quý 4/2011 tới nay đã được thiết lập lại trật tự; mặt bằng lãi suất giảm nhanh hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất; hệ thống ngân hàng thương mại tích cực trong công tác trích dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu, tổng nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 7 tháng năm 2013 là 86,3 nghìn tỷ đồng.

Trở ngại sở hữu chéo

Dù vậy, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, nợ xấu vẫn ở mức cao và đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn để xử lý nợ. Ngoài ra, những vấn đề như sở hữu chéo, quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế, các công cụ điều hành còn thiếu và năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động của nền khách hàng còn yếu cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại.

Được nhắc đến nhiều nhất trong quá trình tái cấu trúc là việc xử lý nợ xấu. Con số 30-35 nghìn tỷ đồng mà VAMC của Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ thực hiện trong những tháng cuối năm 2013 mới chỉ bóc tách được một phần nổi của "tảng băng chìm" nợ xấu.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định việc thực hiện xử lý nợ xấu chậm và thiếu triệt để có thể tạo ra rủi ro lớn, trong đó nợ xấu đang tiềm tàng rất lớn từ các tập đoàn tư nhân và nhà nước. Đặc biệt, theo tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, sở hữu chéo đang kéo dài là trở ngại chính đối với việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Nguyên nhân là do thiếu minh bạch về nguồn gốc vốn góp, thiếu chế tài để xử lý triệt để các vấn đề sở hữu và công tác giám sát sở hữu ngân hàng chưa hiệu quả. "Sở hữu chéo và lũng đoạn đã cản trở việc cải thiện quản trị và quản lý rủi ro ở một số ngân hàng thương mại," tiến sỹ Nghĩa nhận định.

Còn chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cũng cho rằng, dù quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước là rất lớn, song thực tế triển khai tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không dễ bởi nhiều nguyên nhân, như thiếu thông tin, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, phối hợp chính sách yếu, nguồn lực hạn chế.

Để việc triển khai tái cấu trúc thời gian tới thành công, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa đề xuất: Cần tạo sự đồng thuận hơn nữa, nhất là sự đồng thuận cấp cao của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan; Chính phủ phải có thái độ rõ ràng về trách nhiệm của mình đối với nợ xây dựng cơ bản; sự đồng thuận giữa VAMC, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.

Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, theo ông Nghĩa, cần giải tỏa những lo ngại của ngân hàng và doanh nghiệp khi bán nợ cho VAMC. Ngoài ra, phải có thêm nguồn lực tài chính ngoài trái phiếu đặc biệt để xử lý nợ xấu và có cơ chế cụ thể hơn về bảo lãnh tín dụng áp dụng cho VAMC với thủ tục đơn giản, hiệu quả để tái cơ cấu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khoanh vùng tiến hành điều tra toàn diện về cơ cấu sở hữu ngân hàng và có lộ trình xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo và tăng cường thanh tra, giám sát kỷ cương, kỷ luật và minh bạch của hệ thống ngân hàng nói chung và trong việc mua bán nợ nói riêng.

Cũng theo tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng năm 2014, song vấn đề quan trọng nhất của lộ trình tái cơ cấu ngân hàng là hiện đại hóa hoạt động ngân hàng theo chuẩn quốc tế (thực hiện vào năm 2015). Chuyên gia này khẳng định, nếu không thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế, nợ xấu có thể quay lại./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục