2010: 10% cơ sở y tế thanh toán theo định suất

Riêng năm 2010, Bảo hiểm y tế đang đề xuất có 10% các cơ sở y tế tuyến quận, huyện triển khai phương thức thanh toán theo định suất.
Theo lộ trình Luật Bảo hiểm Y tế , đến năm 2015, tất cả các cơ sở y tế tuyến quận, huyện đều triển khai phương thức thanh toán theo định suất.

Ngoài ưu điểm sẽ hạn chế được tình trạng lạm dụng Quỹ Bảo hiểm y tế, phương thức này cũng tiềm ẩn nguy cơ giữ bệnh nhân quá mức tại các cơ sở y tế tuyến dưới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng bệnh của bệnh nhân.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Giám định Bảo hiểm y tế thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã trao đổi với phóng viên TTXVN xung quanh việc tìm giải pháp cho vấn đề trên.

Hiện cả nước mới có khoảng 40 trong số hơn 1.000 cơ sở khám chữa bệnh tuyến quận, huyện triển khai phương thức thanh toán theo định suất (chiếm 4%). Vậy theo ông liệu đến năm 2015, có đạt được mục tiêu Luật Bảo hiểm y tế đề ra?

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thảo: Thanh toán theo định suất nghĩa là thanh toán theo một mức chi phí khám chữa bệnh bình quân tính trên mỗi thẻ bảo hiểm y tế (theo nhóm đối tượng) trong thời gian đăng ký tại cơ sở y tế, trừ 4 nhóm bệnh có chi phí rất lớn như chạy thận nhân tạo, ung thư, bệnh Hemophilia, bệnh rối loạn chuyển hóa (tiểu đường...), sẽ có quỹ chung để thanh toán.

Hiện nay, khi thực hiện theo phương thức dịch vụ, nhiều nơi vẫn bị bội chi nhiều, nên hầu hết các cơ sở đều không “mặn mà” với việc áp dụng phương thức thanh toán theo định suất.

Ngoài ra, còn có một cái khó là giá viện phí hiện chưa tính đúng, tính đủ, nếu cứ khoán cho bệnh viện mức phí thấp thì quả đúng là giao thêm gánh nặng.

Vì vậy, tới đây Bảo hiểm y tế sẽ có những đề xuất, đề nghị Chính phủ sớm cho phép điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ.

Trước mắt, Liên bộ gồm Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính đã xây dựng lộ trình để từng bước triển khai phương thức thanh toán theo định suất như: Năm 2011 có 30% cơ sở y tế tuyến quận, huyện triển khai phương thức thanh toán theo định suất; 2013 là 60% và năm 2015, tất cả các cơ sở y tế tuyến quận-huyện đều thực hiện thanh toán theo định suất.

Riêng trong năm 2010, Bảo hiểm y tế đang đề xuất có 10% các cơ sở y tế tuyến quận, huyện triển khai phương thức thanh toán theo định suất.

Như vậy, mỗi địa phương sẽ chọn 10% cơ sở y tế là những đơn vị có năng lực tốt, ban giám đốc bệnh viện là những người nhiệt tình và quản lý kinh tế hiệu quả để triển khai phương thức thanh toán này.

Triển khai phương thức thanh toán theo định suất cũng có thể hiểu là bệnh viện có toàn quyền trong việc điều trị cho bệnh nhân. Vậy làm thế nào để kiểm soát được tình trạng giữ bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến dưới?

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thảo: Không có ai cố tình giữ bệnh nhân vượt quá khả năng điều trị của bác sĩ, vì chẳng ai dám mạo hiểm với sinh mạng của người khác và sinh mạng chính trị của chính mình. Tất nhiên, trong 1 năm vẫn có một vài ca bị giữ lại quá mức do yếu tố khách quan hoặc chưa tiên lượng được, tuy nhiên vẫn nằm trong tỷ lệ cho phép.

Có rất nhiều bệnh nhân tiểu đường tìm mọi cách để chuyển lên bệnh viện tuyến trên, trong khi bệnh viện tuyến dưới hoàn toàn có thể chữa trị được với chi phí chỉ khoảng 5 triệu đồng, còn bệnh viện tuyến trên hết tới 20 - 30 triệu đồng/ca.

Để tránh tình trạng giữ bệnh nhân ở tuyến dưới khi triển khai phương thức thanh toán theo định suất một cách triệt để, phải có những giải pháp đồng bộ.

Đơn cử như tỉnh Hải Dương, địa phương có 100% cơ sở y tế tuyến quận, huyện triển khai phương thức thanh toán theo định suất, nhờ có những giải pháp đồng bộ từ tỉnh xuống xã nên việc triển khai phương thức thanh toán theo định suất rất hiệu quả, được người dân ủng hộ cao.

Được sự chỉ đạo của Sở Y tế Hải Dương, Bệnh viện Đa khoa Hải Dương giảm dần nhận thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, hạn chế khám chữa bệnh thông thường tập trung phát triển y tế chuyên sâu, chữa bệnh cho tuyến huyện.

Sở Y tế Hải Dương cũng vận động Viện Quân y 7 cùng tham gia công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện tuyến huyện cũng được đầu tư nâng cấp hơn.

Chính từ việc triển khai các dịch vụ phù hợp, chi phí không cao, đầu tư cho bệnh viện tuyến huyện, tạo được cơ chế cạnh tranh giữa các cơ sở điều trị nên người dân có điều kiện lựa chọn, tìm đến những nơi có “thương hiệu”. Từ đó, họ tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh tại địa phương, số bệnh nhân đòi “vượt tuyến” đã giảm so với trước.

Vậy còn giải pháp cho tình trạng bệnh viện tuyến trên “rút ruột” tuyến dưới thông qua việc “phóng tay” quá mức trong điều trị, kê đơn thì sao?

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thảo:  Để giới hạn chi phí khám chữa bệnh của tuyến sau, Bảo hiểm y tế sẽ áp dụng cách tính tổng chi phí của bệnh nhân vượt tuyến năm trước nhân với hệ số trượt giá nhất định để xác định tổng mức thanh toán đối với các bệnh nhân chuyển tuyến của năm sau.

Như vậy, các bệnh viện tuyến sau không có cơ hội “đẩy” chi phí lên cao quá mức. Hiện nay, cả Bộ Y tế và ngành bảo hiểm xã hội đều đang tiến hành những đề tài nghiên cứu về phương thức thanh toán theo chẩn đoán (theo ca bệnh), bước đầu đã được thí điểm ở một số cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc áp dụng phương thức này không đơn giản, phải thực hiện từng bước một.

Bởi lẽ, ngoài việc đưa ra một mức giá hợp lý cho từng ca bệnh, còn phải tính toán được những chỉ số phụ liên quan và rắc rối nhiều khi nằm ở chỗ chi phí cho các chỉ số phụ lại nhiều và đắt hơn bệnh chính. Đầu tháng 11 này, Bảo hiểm y tế sẽ tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai phương thức thanh toán theo định suất tại các địa phương.

Hy vọng đến 2010, 10% cơ sở được lựa chọn sẽ triển khai hiệu quả phương thức thanh toán này.

Xin cảm ơn ông!

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục