‘Áp’ Grab giống như taxi sẽ nổ ra cuộc cạnh tranh trên mặt đường?

Trong thời gian qua, việc định danh “hình hài” Grab là loại hình kết nối công nghệ hay vận tải như taxi vẫn còn nhiều lúng túng, tranh cãi giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia.
‘Áp’ Grab giống như taxi sẽ nổ ra cuộc cạnh tranh trên mặt đường? ảnh 1Ứng dụng phần mềm gọi xe của Grab. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trong thời gian qua, việc định danh Grab là loại hình kết nối công nghệ hay vận tải như taxi vẫn còn nhiều lúng túng, tranh cãi. Tại Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, Bộ Giao thông Vận tải muốn “áp” những đơn vị tham gia cung cấp phần mềm, hỗ trợ dịch vụ vận tải như Grab và tới đây là VATO hay Go-Jeak… sẽ là những doanh nghiệp kinh doanh vận tải kiêm công nghệ.

Theo đại diện các chuyên gia, việc định danh hình hài các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng dịch vụ công nghệ trên cần phải xem xét cẩn trọng bởi nếu không sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn cạnh tranh ngay trên mặt đường.

Băn khoăn định danh

Tại Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi này, Bộ Giao thông Vận tải nêu quy định đối với các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử: “Trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm có tham gia thực hiện một hoặc toàn bộ các công đoạn chính của hoạt động kinh doanh vận tải gồm trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải thì phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô theo quy định của Nghị định này.”

[‘Cơn bão’ Uber, Grab: Hình hài xe taxi hay chỉ kết nối công nghệ?]

Theo đó, với định nghĩa này, các công ty cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối nói trên sẽ đều được coi là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bao gồm cả sở hữu phương tiện và thuê người lao động là lái xe…

Thậm chí, tại các cuộc họp về sửa đổi Nghị định 86, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, Dự thảo sửa đổi Nghị định thay thế Nghị định 86 (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô) phải đưa Grab vào quản lý như loại hình vận tải taxi.

“Grab hay taxi truyền thống thì bản chất là như nhau. Nếu Grab chấp nhận hoạt động chịu sự quản lý như taxi truyền thống thì Bộ Giao thông Vận tải đồng ý. Nếu không chấp hành nghiêm thì mời ra khỏi Việt Nam. Nếu lần sửa đổi này không quản lý được Grab như taxi truyền thống thì không ban hành,” Bộ trưởng Thể gay gắt nói.

Về vấn đề này, nhà sáng lập ứng dụng gọi xe (app) VATO, ông Trần Thành Nam cho biết, khi quy định các doanh nghiệp công nghệ là doanh nghiệp vận tải thì các doanh nghiệp này sẽ được quyền tự quyết định việc tuyển lái xe, ký kết hợp đồng với lái xe mà không cần phải thông qua một bên thứ ba là các hợp tác xã. Khi đó, vai trò của hợp tác xã vận tải là không cần thiết.

[Uber, Grab lỗ nghìn tỷ vì giảm giá tối đa để ‘giết’ taxi truyền thống?]

Cần phải hiểu rằng,các doanh nghiệp hoạt động như Grab hay Uber chỉ là công ty công nghệ, dùng ứng dụng công nghệ để giải quyết, cải thiện các vấn đề vận tải của xã hội. Trong trường hợp luật yêu cầu Grab hay Uber phải ký hợp đồng lao động với tất cả tài xế, các công ty này sẽ đóng cửa vì chi phí sẽ tăng lên rất cao. Nếu ký hợp đồng, tài xế phải đi làm trong thời gian quy định, điều này cũng không đúng với mô hình hoạt động của Grab hay Uber.

Hơn nữa, taxi công nghệ được quản lý như taxi truyền thống sẽ gây ra tình trạng lộn xộn bởi xe này cũng sẽ được chạy xe rỗng, đón trả khách dọc đường như taxi hiện nay, càng làm gia tăng thêm căng thẳng về giao thông. Và cơ quan chức năng lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn cấm, quản do chính mình tạo ra.

Có nên “cưỡng ép”?

Ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông nhìn nhận, quản lý các loại hình vận tải có hỗ trợ công nghệ như Grab, VATO và sắp tới là một loạt các ứng dụng khác như T.NET, GONOW và Go-Jeak chuẩn bị vào Việt Nam là một thách thức với ngành giao thông và với các bộ, ngành khác.

“Cái khó của Bộ Giao thông Vận tải là làm sao vẫn quản lý được các doanh nghiệp như Grab và tiến tới là một loạt các đơn vị tham gia hỗ trợ vận tải nữa như VATO, mà vẫn phát huy được những ưu điểm mà công nghệ mang lại như minh bạch giá cước, thuận tiện cho khách hàng và tiện lợi. Nếu quản lý mà Bộ Giao thông Vận tải lại đưa vào quản lý như taxi, vận tải truyền thống là thất bại, bởi đây là vận tải ứng dụng công nghệ thông tin, một loại hình hoàn toàn mới với nhiều ưu điểm,” ông Thủy phân tích thêm.

‘Áp’ Grab giống như taxi sẽ nổ ra cuộc cạnh tranh trên mặt đường? ảnh 2Liệu có nên áp dịch vụ gọi xe Grab giống như taxi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tiến sỹ Ngô Vĩnh Bạch Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, trên cơ sở xem xét một cách toàn diện và bản chất của vai trò dịch vụ kết nối vận tải, các đơn vị liên quan cần phải xây dựng khuôn khổ pháp luật mới để điều chỉnh các dịch vụ kết nối vận tải cho phù hợp, không thể khiên cưỡng "ép" dịch vụ mới này vào khuôn khổ pháp luật giao thông vận tải truyền thống hiện nay.

Tại một cuộc họp lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/NĐ-CP vừa qua, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã cho rằng, tranh luận về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải ô tô là cần thiết nhưng không nên đưa ra chính sách, công cụ quản lý, siết chặt doanh nghiệp.

['Grab, Uber như... con cá mập tấn công, thôn tính thị trường taxi']

“Thị trường xuất hiện cái mới, đáng lẽ chính sách phải làm thế nào để phát triển nhưng lại 'nhốt' vào khung quản lý. Dường như chúng ta chưa có khái niệm lấy cái mới để xây dựng chính sách nhằm xóa bỏ phương thức cũ đã lỗi thời, lạc hậu. Cần đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu, không được hạn chế sự sáng tạo và cạnh tranh,” ông Hiếu nhìn nhận.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, sự phát triển rộng rãi của điện thoại thông minh, của các phương thức kết nối mạng xã hội bằng điện thoại và sự phát triển của các cơ sở dữ liệu mới đã thúc đẩy sự ra đời của các mô hình kinh doanh mới, làm biến đổi sâu sắc các ngành kinh tế truyền thống như vận tải, ngân hàng…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục