Bộ trưởng Giao thông: Đưa Uber, Grab vào quản lý giống như taxi

Dự thảo sửa đổi Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô phải đưa Uber, Grab vào quản lý như loại hình vận tải taxi.
Bộ trưởng Giao thông: Đưa Uber, Grab vào quản lý giống như taxi ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Nhấn mạnh Dự thảo sửa đổi Nghị định thay thế Nghị định 86 (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô) phải đưa Uber, Grab vào quản lý như loại hình vận tải taxi, Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể khẳng định, nhất quyết không ký trình Thủ tướng nếu việc xây dựng dự thảo Nghị định không đảm bảo.

[‘Cơn bão’ Uber, Grab: Hình hài xe taxi hay chỉ kết nối công nghệ?]

“Ban soạn thảo phải làm cho rõ, nếu sửa đổi Nghị định để ban hành mà không ổn, kể cả Thủ tướng phạt, tôi cũng chịu, miễn sao phải làm bằng được các quy định nghị định cho chặt chẽ,” Bộ trưởng Thể quả quyết.

Tại cuộc họp về sửa đổi Nghị định 86 vào sáng nay (8/3), vấn đề quản lý loại hình Uber, Grab được đại diện các đơn vị của ngành giao thông bàn luận và trong đó vẫn còn trái chiều khi “hình hài” của taxi công nghệ này vẫn chưa thể có tên gọi chính thức là taxi hay xe hợp đồng.

Hoan nghênh công nghệ mới nhưng hoạt động phải đảm bảo an toàn cho người dân, phải nộp thuế, xây dựng giá công khai, minh bạch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, Nghị định sửa đổi phải đảm bảo được lợi ích người sử dụng, lúc đó mới cho Uber, Grab chính thức hoạt động.

“Không có chuyện cho hoạt động rồi, Uber và Grab lại không chấp hành quy định của Việt Nam. Bất cứ sự cố nào xảy ra, quyền lợi của hành khách phải được đảm bảo. Hiện nay, nhiều vụ việc cả Uber, Grab đều ‘lơ đi’, coi như không liên quan, thậm chí khi cơ quan Nhà nước truy hỏi phía đơn vị này còn không biết tài xế ở đâu, tên gì?,” người đứng đầu ngành giao thông chỉ rõ những bất cập.

Bày tỏ sự lo ngại về gia tăng số lượng xe nhanh chóng nhưng nộp thuế lỏng lẻo sẽ rất nghiêm trọng, ông Thể nhìn nhận, nếu coi Uber, Grab là taxi thì phải quản lý số lượng bởi thực tế cơ quan quản lý không biết bao nhiêu xe chạy trên đường, ùn tắc giao thông hiện nay là do Uber, Grab.

“Uber, Grab hay taxi truyền thống thì bản chất là như nhau. Nếu Grab và Uber chấp nhận hoạt động chịu sự quản lý như taxi truyền thống thì Bộ Giao thông Vận tải đồng ý. Nếu không chấp hành nghiêm thì mời ra khỏi Việt Nam,” Bộ trưởng Thể gay gắt nói.

Cho rằng hoạt động của Uber, Grab bản chất là vận tải taxi, chỉ áp dụng công nghệ để kết nối hành khách với phương tiện, ông Thể đưa ra dẫn chứng và đặt câu hỏi, Grab cũng gọi mình là Grab taxi, vậy tại sao lại không phải là taxi?

“Nếu Uber, Grab là kinh doanh công nghệ cao thì Bộ Giao thông Vận tải không quản lý, mà phải chuyển cho Bộ Công thương quản lý. Nếu lần sửa đổi này không quản lý được Uber, Grab như taxi truyền thống thì không ban hành,” ông Thể cho biết.

Người đứng đầu ngành giao thông cho hay, sau khi ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 86 thì kết thúc thí điểm theo Đề án 24.

[Uber, Grab lỗ nghìn tỷ vì giảm giá tối đa để ‘giết’ taxi truyền thống?]

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởngTổng cục Đường bộ Việt Nam, các xe Uber và Grab nên xếp vào nhóm taxi để xem xét, xử lý.

“Trước đây có nhiều tranh cãi về việc định nghĩa, xếp loại hình mới này vào đâu. Quan điểm của Tổng cục Đường bộ là xếp các loại xe này vào xe taxi. Do đó, nên soạn lại quy định trong dự thảo đưa Uber, Grab vào hoạt động taxi. Lái xe Uber, Grab sẽ được quản lý như taxi truyền thống,” bà Hiền nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục