Ba thông điệp chủ tịch EC gửi Thủ tướng Anh Boris Johnson

Bên cạnh những hứa hẹn về tình hữu nghị song phương, lãnh đạo EC đã gửi đi thông điệp khá rõ ràng về những hậu quả không thể tránh khỏi từ các lựa chọn của Anh.

Tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đến London gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson với cam kết sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy mối quan hệ gần gũi giữa Liên minh châu Âu (EU) với nước Anh thời hậu Brexit.

Tờ Financial Times ngày 8/1 nhận định rằng lời hứa của của chủ tịch EC cũng gắn với những cảnh báo về con đường khó khăn phía trước đang chờ hai bên.

Đây là lần gặp gỡ đầu tiên của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen với ông Johnson kể từ khi ông đắc cử thủ tướng Anh hồi tháng 7/2019, một chiến thắng khiến việc nước Anh rời EU trở nên chắc chắn hơn song cũng đặt ra không ít thách thức trong tiến trình đàm phán những thỏa thuận mới giữa hai bên, từ các vấn đề thương mại cho đến quốc phòng.

Một số quan chức châu Âu cho rằng quan điểm Brexit của Thủ tướng Johnson đi theo chiều hướng có thể khiến các hoạt động kinh doanh tại Anh gặp khó khăn khi ông còn tìm cách đưa Anh khỏi thị trường chung EU và tách khỏi các khuôn khổ quy định của liên minh.

[Chính phủ Anh tìm kiếm thỏa thuận hậu Brexit từng phần với EU]

Nhà lãnh đạo Anh hiện vẫn từ chối việc kéo dài thời kỳ chuyển đổi hậu Brexit đến sau năm 2020, song quan điểm này của ông bị phía EU cho là thiếu thực tế.

Bên cạnh những hứa hẹn về tình hữu nghị song phương, lãnh đạo EC đã gửi đi một thông điệp khá rõ ràng về những hậu quả không thể tránh khỏi từ các lựa chọn của Anh.

Trước hết, về yêu cầu có được một “sân chơi bình đẳng,” bà Ursula von der Leyen cho rằng các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu "từ vị thế chắc chắn, thiện chí, cùng chung lợi ích và mục đích."

Tuy nhiên, bà von der Leyen khẳng định cùng chung lợi ích không có nghĩa cùng chung quan điểm.

Các nhà ngoại giao EU dự đoán những tháng đầu tiên diễn ra các cuộc đàm phán về thỏa thuận mới sẽ bị bao trùm bởi những bất đồng về các cam kết chính sách mà Anh sẵn lòng thực hiện để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường EU.

Đó là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các công ty EU, vốn lo ngại về sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty đối thủ tại Anh vốn không bị ràng buộc bởi các quy định của EU và được hỗ trợ bởi dòng vốn dồi dào từ London.

Ba thông điệp chủ tịch EC gửi Thủ tướng Anh Boris Johnson ảnh 1Chủ tịch EC Ursula von der Leyen (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) tại cuộc gặp ở London ngày 8/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bà von der Leyen ngầm cảnh báo Anh: "Nếu không có sân chơi bình đẳng trong các lĩnh vực như môi trường, lao động, thuế khóa và hỗ trợ nhà nước, Anh sẽ không thể có quyền tiếp cận ở mức cao nhất thị trường chung lớn nhất thế giới."

Tuy nhiên phía EU vẫn chưa nói rõ những gì họ muốn gì từ Anh. Lãnh đạo EC cũng từ chối tiết lộ chi tiết trong chuyến công du ngày 8/1.

Một điều chắc chắn là EU sẽ rút lại đề xuất về việc không đánh thuế, không áp hạn ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa với Anh nếu Thủ tướng Johnson không có những nhượng bộ tương xứng với EU.

Bà von der Leyen khẳng định sẽ "không có thỏa hiệp" một khi EU buộc phải bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ" của thị trường EU.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cảnh báo rằng một thỏa thuận thương mại bớt tham vọng hơn - mà trong đó Anh không tuân thủ toàn bộ các quy định của EU - có thể sẽ dẫn đến việc kéo dài tiến trình đàm phán để 2 bên có cơ hội thiết lập một hệ thống thuế quan và hạn ngạch xuất nhập khẩu cho nhiều mặt hàng.

Vấn đề thứ hai mà Chủ tịch EC cảnh báo Anh là việc “về cơ bản 2 bên không thể" hoàn tất đàm phán thỏa thuận về tương lai mối quan hệ toàn diện và thông qua vào cuối năm nay. Bà cho rằng ít nhất sẽ phải mất từ 9-10 tháng cho quá trình đàm phán và sau đó cần vài tháng nữa để thông qua.

Trong khi đó Thủ tướng Anh Johnson vẫn khăng khăng cho rằng việc gia hạn là không cần thiết, với lý do chính là Anh vẫn phải tiếp tục đóng góp ngân sách EU trong giai đoạn chuyển tiếp này.

EU cho rằng 2 bên cần có thêm thời gian để đảm bảo những trụ cột kết nối hiện nay không bị xáo trộn mạnh hay thay đổi đột ngột.

Theo nhà lãnh đạo EC, ưu tiên hàng đầu phải là các chủ đề mà hai bên không có thỏa thuận quốc tế hoặc những nội dung có thể khiến 2 bên buộc phải tuân thủ theo quy định quốc tế.

Trên thực tế, hoạt động thương mại song phương có thể được áp theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) song điều này lại đi kèm với các yêu cầu về thuế quan và kiểm tra hàng hóa tại biên giới.

Bà von der Leyen cho biết bà vẫn tin tưởng Anh có thể sẽ chấp nhận việc kéo dài thời gian và 2 bên sẽ đạt được những tiến bộ vào mùa Hè tới, trước ngày 1/7 là thời hạn chót để Anh có thể đề nghị EU gia hạn thêm thời kỳ chuyển đổi.

Thông điệp thứ ba của nhà lãnh đạo EC đối với Anh là về những thay đổi khi Anh chính thức rời EU vào ngày 31/1, thời điểm mà bà gọi là một "ngày khó khăn và tràn đầy cảm xúc."

Tuy nhiên cả 2 bên đều có cách tiếp cận rất tích cực đối với các cuộc đàm phán về tương lai quan hệ giữa hai bên.

Bằng cách chọn xây dựng tương lai mối quan hệ dựa trên thỏa thuận thương mại hơn là việc duy trì tư cách thành viên của thị trường chung, nước Anh nhìn chung đã chấp nhận thực tế sẽ có đường biên giới cứng trong giao thương hàng hóa giữa Anh và EU, và Anh sẽ phải giảm quyền tiếp cận thị trường đối với các ngành dịch vụ.

Các chuyên gia thương mại cảnh báo rằng một số thỏa thuận có để đạt được nhằm giảm bớt các thủ tục giấy tờ và mức độ các trạm kiểm tra đường biên, tuy nhiên tình huống vẫn sẽ phức tạp hơn so với tình trạng hiện nay.

Lấy ví dụ về các dịch vụ tài chính, Chủ tịch EC nhấn mạnh rằng "tất cả sẽ thay đổi." Thay vì có toàn quyền tự do cung cấp các dịch vụ khắp EU, những nhà môi giới và quản lý quỹ có trụ sở đặt tại khu tài chính London sẽ phải phụ thuộc vào sự cho phép của EU, và điều này có thể bị rút lại bất cứ khi nào.

Đối với chính sách đối ngoại và an ninh, bà von der Leyen cho rằng Anh "sẽ nằm ngoài các cơ quan đưa ra quyết định của EU," có nghĩa 2 bên sẽ phải tìm những cách thức mới khi cần phối hợp đối phó với những mối đe dọa toàn cầu, điều mà từ trước đến nay Anh và EU chưa bao giờ phải nghĩ tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục