Bài 2: Không để dịch COVID-19 “ăn mòn” ngân hàng và doanh nghiệp

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc quan trọng nhất hiện nay là giúp các doanh nghiệp có vốn từ nguồn tín dụng ngân hàng kết hợp với vốn tự có để tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Bài 2: Không để dịch COVID-19 “ăn mòn” ngân hàng và doanh nghiệp ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong đợt dịch này, mặc dù các ngân hàng cũng là bên bị ảnh hưởng nặng nề do không thể thu hồi được vốn và lãi, đặc biệt chưa thể cho vay mới nhưng với trách nhiệm của mình đối với nền kinh tế, ngay từ khi bắt đầu có dịch, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp như chỉ đạo phòng chống dịch trong nội ngành, ban hành nhanh văn bản chỉ đạo, tháo gỡ cho các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình khó khăn của các doanh nghiệp.

Điển hình, ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Để doanh nghiệp có thêm động lực, ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước đã giảm một loạt lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5%-1%. Đây được cho là mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay.

Không lo bị chuyển nhóm nợ 

Ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, cho biết điều kiện để các khách hàng được cơ cấu lại là các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi vay trong thời hạn từ ngày 23/1 đến ngày liền kề sau 3 tháng Thủ tướng công bố hết dịch này; khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn do bị suy giảm doanh thu và thu nhập do dịch COVID-19.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sở dĩ chọn thời điểm bắt đầu đến hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi từ ngày 23/1/2020 do đây là thời điểm mà khả năng trả nợ của doanh nghiệp, người dân bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, phù hợp với thời điểm phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với dịch COVID-19. Thời điểm chốt hạn trả nợ gốc và lãi đến thời điểm liền sau 90 ngày kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19 được quy định để đảm bảo phù hợp với khả năng phục hồi dòng tiền của khách hàng sau khi hết dịch. 

Về việc giữ nguyên nhóm nợ, ông Du cho biết Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ cho những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi vay. 

[Ngân hàng gồng mình làm điểm tựa cho các doanh nghiệp mùa dịch bệnh]

“Doanh nghiệp và cá nhân vay vốn yên tâm khi những khoản nợ đến hạn phải không bị chuyển nhóm nợ, được giảm lãi vay nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước như nêu trên,” Ông Du khẳng định.

Đây thực sự là một tin vui đối với khách hàng vì nếu bị chuyển nhóm nợ có thể sẽ trở thành nợ xấu, sau này khách hàng cũng khó đi vay, ngân hàng cũng khó thu hồi được nợ.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, việc ban hành Thông tư này sẽ giúp các ngân hàng cũng như doanh nghiệp giảm bớt khó khăn khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

“Đây là một trong những căn cứ pháp lý tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục có được các nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, vượt quá khó khăn hiện nay cũng như trong tương lai,” ông Tú nhấn mạnh.

Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh rằng việc quan trọng nhất hiện nay là giúp các doanh nghiệp có vốn từ nguồn tín dụng ngân hàng kết hợp với vốn tự có để tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Đánh giá cao động thái này của Ngân hàng Nhà nước, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhận định đây là quyết định kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng COVID-19. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được những chính sách như giảm, miễn lãi tùy theo các điều kiện tài chính của các tổ chức tín dụng. Đối với các ngân hàng, đây cũng chính là hành lang pháp lý để ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà không chuyển nhóm nợ, nghĩa là không phát sinh về nợ xấu.

“Đây cũng là cơ sở để các ngân hàng tiếp tục cho vay mới đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch mà có khả năng trả nợ theo thời gian và phương án vay mới,” ông Thành nói.

Đặc biệt, để chia sẻ với khách vay trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.

Với loạt điều chỉnh trên, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua Ngân hàng Nhà nước giảm một bước mạnh (0,5%-1%/năm) ở các loại lãi suất chính, cũng như toàn diện ở các kênh hỗ trợ.

Ngoài việc xem xét giảm lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trương giảm phí thanh toán cho các tổ chức tín dụng và thành viên tham gia thanh toán trên thị trường lần thứ 2. Trong đó, cơ quan này đã giảm thêm 50% phí hiện nay của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC).

Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng đã giảm 50% đối với phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các giao dịch có giá trị từ 500.001 đồng đến 2 triệu đồng (giảm từ 1.800 đồng/giao dịch xuống còn 900 đồng/giao dịch; thời gian áp dụng từ ngày 25/3 đến hết ngày 31/12).

Đánh giá tác động từ đợt giảm phí lần này, bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị NAPAS cho biết, tỷ trọng giao dịch trong phạm vi giảm phí lần thứ 2 chiếm gần 40% lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS. Dự kiến chương trình giảm phí của cả 2 lần sẽ làm giảm gần 40% doanh thu của NAPAS trong năm 2020.

Đại diện NAPAS tin tưởng việc giảm phí đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng mạng lưới là biện pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng loạt “bơm” vốn

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết hiện tình trạng mỗi doanh nghiệp rất khác nhau, có doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu, có doanh nghiệp gặp khó về thị trường nên VietinBank sẽ đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, số liệu khách hàng chịu tác động bởi dịch COVID-19 có thể còn tiếp tục thay đổi, nên VietinBank sẽ tiếp tục bám sát để nhận diện, đánh giá mức độ ảnh hưởng và sẽ có các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

“Khó khăn của các khách hàng gián tiếp là của ngân hàng. Chủ trương của VietinBank là chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn cam go này. VietinBank cũng đã miễn, giảm lãi cũng như cơ cấu lại nợ, hỗ trợ thanh khoản cho một loạt khách hàng của mình. Đặc biệt, tập trung vào các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 như  nông, lâm, thủy sản và doanh nghiệp xuất khẩu," ông Thọ chia sẻ.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng  và 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng) dành cho các doanh nghiệp có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm  đối với khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn đang áp dụng với khách hàng tại thời điểm gần nhất, đảm bảo không thấp hơn sàn lãi suất cho vay của BIDV trong từng thời kỳ. Gói tín dụng được triển khai đến hết 30/6 hoặc đến khi hết quy mô gói.

Bài 2: Không để dịch COVID-19 “ăn mòn” ngân hàng và doanh nghiệp ảnh 2Sản xuất tại doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hay như Ngân hàng Quân đội (MB) cũng vừa đưa ra gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,50%/năm với khoản vay ngắn hạn và từ 8,0%/năm với khoản vay trung dài hạn.

Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng triển khai các gói cho vay ưu đãi bằng VND và ngoại tệ với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng với mức lãi suất giảm từ 1,0%-1,5% so với biểu lãi suất hiện hành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gây ra…

Hơn thế, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết các tổ chức tín dụng đang xây dựng chương trình hỗ trợ, gói tín dụng để tiếp tục đầu tư cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với tổng giá trị trên 285.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống.  

Một số ngân hàng tham gia với số vốn lớn là: BIDV đăng ký hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) 100.000 tỷ đồng, MB 35.000 tỷ đồng,  Ngân hàng Á Châu (ACB) 15.000 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước chia sẻ đây là nguồn vốn tương đối dồi dào dành cho các nghiệp có nhu cầu trong thời điểm hiện nay. Đặc biệt sau khi dịch đi qua, doanh nghiệp có nhu cầu, chứng minh được khả năng trả nợ, đưa ra được phương án nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra… thì đều có thể được vay vốn. Điều đó khẳng định ngành ngân hàng sẵn sàng đủ vốn để đáp ứng cho nền kinh tế trong và sau dịch bệnh.

Tăng khả năng “hấp thụ”

Gói tín dụng trị giá tới gần 300.000 tỷ đồng được các ngân hàng hứa hẹn là cần thiết trong điều kiện thị trường đang khó khăn, song theo các chuyên gia tài chính, việc hấp thụ được lượng vốn này không phải là dễ.

Nguyên nhân bởi nhu cầu vay vốn mở rộng kinh doanh hiện rất ít, trừ một số ngành dịch vụ như chứng khoán, bất động sản… Còn lại các ngành sản xuất phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài, xuất nhập khẩu, du lịch, giao thông vận tải… đều khó có nhu cầu vay mới.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Bộ, ngành trong những ngày qua đã có nhiều cuộc trao đổi với các doanh nghiệp để cùng tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, mới đây Thủ tướng đã chủ trì buổi làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn để chia sẻ khó khăn đồng thời lắng nghe những sáng kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.

Chia sẻ với các giải pháp phòng chống dịch mà Chính phủ đã và đang triển khai, lãnh đạo các tập đoàn lớn đều thể hiện đồng tình, nhất là nỗ lực thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch tốt-vừa phát triển sản xuất kinh doanh”.

Thủ tướng cam kết cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế và có những kịch bản ứng phó với tình hình mới một cách phù hợp, không để đất nước rơi vào tình trạng khó khăn, doanh nghiệp đình đốn.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng vừa có cuộc họp khẩn để bàn các giải pháp  tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là dệt may và xuất khẩu nông thủy sản, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng lại kế hoạch, tái cơ cấu, tranh thủ thời cơ phục hồi, phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Còn về phần mình, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn và tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch, các ngành, lĩnh vực ưu tiên trong thời gian dịch và sau khi dịch được kiểm soát.

Các ngân hàng cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ vay do ảnh hưởng của dịch.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng./.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành chia sẻ về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp:

Bài 3: Những cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng doanh nghiệp

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục