Bài 2: Việt Nam cần thắng trong cuộc ''chạy đua'' mở cửa an toàn

Bộ Ngoại giao khẳng định việc triển khai hộ chiếu vaccine là cuộc chạy đua về thời gian, nước nào mở cửa an toàn trước sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, kinh doanh, thương mại.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Bộ Ngoại giao được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình Hộ chiếu vaccine. Để thể hiện vai trò “thủ lĩnh” đó, Bộ Ngoại giao đã và đang xúc tiến một loạt các bước quan trọng và phù hợp để có thể sớm đưa vào áp dụng, trong đó có việc xây dựng bộ tiêu chí công nhận và sử dụng hộ chiếu vaccine của các nước tại Việt Nam và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Phóng viên báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để hiểu rõ hơn về bộ tiêu chí này cũng như các công việc mà Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện để triển khai chương trình hộ chiếu vaccine.

4 tiêu chí áp dụng hộ chiếu vaccine

- Việc sớm áp dụng một công cụ thông hành cho các hoạt động kinh tế, xã hội sớm trở lại trạng thái bình thường đang trở nên vô cùng cấp thiết. Vậy xin bà cho biết tiến độ của chương trình hộ chiếu vaccine đến thời điểm này đã được triển khai xây dựng đến đâu?

Bà Nguyễn Thị Hương Lan: Từ khi một số quốc gia trên thế giới đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và bắt đầu triển khai cấp giấy chứng nhận tiêm chủng, hộ chiếu vaccine, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nghiên cứu từ sớm kinh nghiệm của các nước về các tiêu chí, thông tin hiển thị trên loại giấy này, điều kiện để sử dụng cho việc đi lại quốc tế (như phải có tiếng Anh, thể hiện số giấy tờ đi lại…).

Tại Việt Nam, chiến lược ngoại giao vaccine đã được thực hiện hết sức thần tốc, hiệu quả và đã đem lại những kết quả rõ rệt. Cùng với đó, chiến dịch tiêm chủng cũng được đẩy nhanh với mục tiêu đến cuối năm 2021, ta có thể đạt trạng thái bình thường mới.

Trên cơ sở các nghiên cứu và thực tế này, chúng tôi đã xây dựng lộ trình điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh và biện pháp y tế đối với người nhập cảnh có hộ chiếu vaccine, cũng như kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua các tiêu chí về hộ chiếu vaccine của Việt Nam và tiêu chí công nhận hộ chiếu vaccine nước ngoài mang vào Việt Nam để sử dụng.

[Bài 1: Hành trình của tấm giấy thông hành đặc biệt nhất thế giới]

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã xây dựng lộ trình đàm phán và công nhận hộ chiếu vaccine nước ngoài tại Việt Nam để triển khai đàm phán với các quốc gia/vùng lãnh thổ.

Cụ thể, chúng tôi thông báo ngay cho các nước về chính sách của Việt Nam sẵn sàng trao đổi để công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vaccine cũng như thông báo cho các nước tiêu chí công nhận của ta.

Mặt khác, chúng tôi cũng đã trao đổi thống nhất với Bộ Y tế để tạm thời công nhận hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ để triển khai thí điểm hướng dẫn cách ly tập trung 7 ngày đối với người đã được tiêm chủng đầy đủ (cho tới nay đã có 3 chuyến bay chở người mang hộ chiếu vaccine nhập cảnh Việt Nam, sắp tới sẽ triển khai tiếp 4 chuyến trong tháng 10/2021) cũng như để chuẩn bị triển khai các chương trình thí điểm du lịch cho người đã tiêm đủ liều vaccine.

Bài 2: Việt Nam cần thắng trong cuộc ''chạy đua'' mở cửa an toàn ảnh 1Hiện Bộ Ngoại giao Việt Nam đang tạm thời công nhận hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ. (Ảnh minh hoạ: TTXVN/Vietnam+)

Chúng tôi cũng đã trao đổi với từng nước để công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vaccine (của ta và của đối tác) và áp dụng các biện pháp nhập cảnh, y tế ưu đãi đối với người mang hộ chiếu vaccine từ bên này nhập cảnh bên kia.
Đến nay, Nhật Bản đã sẵn sàng công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam và cho phép sử dụng tại nước này từ ngày 01/10/2021 (chỉ công nhận 3 loại vaccine là Pfizer, Moderna và AstraZeneca), nhiều nước xem xét tích cực đề xuất công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau của ta.

- Việc công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới là rất quan trọng và đặc biệt cần thiết. Vậy Bộ Ngoại giao đã đưa ra những tiêu chí cụ thể như thế nào trong việc áp dụng Hộ chiếu vaccine để tạo thuận lợi cho du khách khi đến Việt Nam cũng như đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương Lan: Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng bộ tiêu chí công nhận đối với hộ chiếu vaccine của nước ngoài để sử dụng tại Việt Nam

Đến nay, bộ tiêu chí này đã được lãnh đạo Chính phủ thông qua và hiện được sử dụng làm cơ sở để Việt Nam đàm phán với các quốc gia/vùng lãnh thổ về việc công nhận Hộ chiếu vaccine lẫn nhau trên cơ sở có đi có lại.
Bộ tiêu chí bao gồm 04 nội dung cơ bản.

Thứ nhất, về loại vaccine, Việt Nam chấp nhận các loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ hoặc Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu hoặc Việt Nam cấp phép sử dụng. Liều cuối cùng tiêm trước ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng kể từ ngày dự kiến nhập cảnh Việt Nam.

Thứ hai, về hình thức, mẫu hộ chiếu vaccine nên được cấp đồng thời trên môi trường điện tử và bản giấy phải mang mã xác thực (QR code hay hình thức chứng thực điện tử khác), được giới thiệu chính thức cho Việt Nam cùng với hướng dẫn chi tiết về phương thức xác thực điện tử.

Tiêu chí thứ ba là hộ chiếu vaccine được cấp bởi quốc gia/vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, tỷ lệ tiêm chủng rộng rãi, có quan hệ hợp tác với Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh, chia sẻ thông tin y tế cũng như các lĩnh vực hợp tác khác.

Bài 2: Việt Nam cần thắng trong cuộc ''chạy đua'' mở cửa an toàn ảnh 2Hộ chiếu vaccine đang được các quốc gia coi như "chìa khóa" mở cửa kinh tế. (Ảnh: Getty)

Tiêu chí cuối cùng cần được xét tới là hộ chiếu vaccine của nước ngoài được công nhận rộng rãi và cho phép sử dụng để đi lại.

Ngoài các tiêu chí trên, Bộ Ngoại giao cũng sẽ cân nhắc các yếu tố khác, đặc biệt là mục đích của việc công nhận hộ chiếu vaccine để thu hút nhà đầu tư, chuyên gia từ các nước phát triển vào Việt Nam cũng như nguyên tắc áp dụng “có đi có lại,” đảm bảo quyền và lợi ích của công dân Việt Nam.

“Nút thắt” hộ chiếu vaccine theo chuẩn quốc tế

- Được cho là chìa khoá mở cửa nền kinh tế, bà đánh giá như nào về vai trò của hộ chiếu vaccine trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát?

Bà Nguyễn Thị Hương Lan: Hộ chiếu vaccine thực tế là một cách gọi khác của giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khi người dân sử dụng giấy này cho mục đích di chuyển, đảm bảo an toàn về y tế trong hoạt động đi lại.

Người mang hộ chiếu vaccine được hiểu là đã được tiêm chủng đầy đủ và đang trong thời gian vaccine phát huy hiệu quả, tức là từ 14 ngày đến 12 tháng sau khi tiêm vaccine mũi thứ hai.

Đa số các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới đã ban hành mẫu hộ chiếu vaccine của riêng mình và tuân theo xu hướng chung là điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh, cách ly theo hướng ưu tiên người mang Hộ chiếu vaccine (ví dụ như giảm thời gian hoặc miễn cách ly tập trung, giảm số lần xét nghiệm...).

Do hộ chiếu vaccine là cơ sở để áp dụng biện pháp ưu đãi, tạo thuận lợi đi lại quốc tế và mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ lại có một mẫu giấy tờ khác nhau, việc xác thực, công nhận hộ chiếu vaccine do nước ngoài cấp là nhu cầu thiết yếu của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.

Việc công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước/vùng lãnh thổ là quan trọng và cần thiết bởi đây là chìa khóa để mở cánh cửa ra quốc tế, nới lỏng dần các hạn chế nhập cảnh và nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, khôi phục các ngành du lịch, lữ hành, khách sạn.

Bài 2: Việt Nam cần thắng trong cuộc ''chạy đua'' mở cửa an toàn ảnh 3Du khách thế giới sẽ sớm có cơ hội du lịch trở lại với hộ chiếu vaccine. (Ảnh: CTV)

Tầm quan trọng của chính sách hộ chiếu vaccine trong chiến lược phục hồi kinh tế khi kiểm soát được dịch bệnh đã được nêu tại nhiều văn bản quan trọng của Đảng, nhà nước, Chính phủ; trong đó xác định việc công nhận hộ chiếu vaccine của nước ngoài là nhằm tăng cường thu hút, tạo điều kiện tối đa để chuyên gia, nhà đầu tư, người nước ngoài nhập cảnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, phục vụ phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Song song với việc đẩy mạnh tiêm chủng tại Việt Nam, việc thúc đẩy công nhận hộ chiếu vaccine với các nước có ý nghĩa to lớn, góp phần đánh dấu bước chuyển của chiến lược chống dịch của ta từ “Zero COVID” (tức là số ca nhiễm COVID bằng 0) sang thích ứng với dịch bệnh, chung sống an toàn trên cơ sở số lượng tiêm chủng cao, giảm thiểu rủi ro tử vong.

- Vậy trong quá trình triển khai hộ chiếu vaccine có thuận lợi cũng như khó khăn ra sao? Theo bà, sự phối hợp liên ngành (Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông và Vận tải, địa phương…) có vai trò như thế nào trong việc triển khai hiệu quả chương trình này?

Bà Nguyễn Thị Hương Lan: Trong quá trình triển khai công nhận hộ chiếu vaccine, Bộ Ngoại giao đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành, địa phương Đặc biệt, trong quá trình triển khai thí điểm hướng dẫn cách ly tập trung 7 ngày đối với người đã được tiêm chủng đầy đủ của Bộ Y tế, cho tới nay đã có 3 chuyến bay chở người mang hộ chiếu vaccine nhập cảnh Việt Nam, sắp tới sẽ triển khai tiếp 4 chuyến trong tháng 10/2021.

Sự phối hợp chặt chẽ, phân công trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc triển khai công nhận hộ chiếu vaccine nước ngoài để sử dụng ở Việt Nam, đảm bảo thông suốt quy trình từ khâu xét duyệt nhập cảnh tới cách ly sau khi nhập cảnh.

Về khó khăn, một trong những khó khăn lớn nhất chúng ta gặp phải hiện nay là Việt Nam chưa có mẫu hộ chiếu vaccine thống nhất trên toàn quốc, được cấp bằng phần mềm trên môi trường điện tử và bản giấy, mang mã xác thực điện tử phù hợp với chuẩn quốc tế.

Bài 2: Việt Nam cần thắng trong cuộc ''chạy đua'' mở cửa an toàn ảnh 4Bộ Ngoại giao hiện chưa thể giới thiệu chính thức mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam để phía nước ngoài xem xét công nhận và áp dụng ưu đãi về chính sách nhập cảnh, cách ly y tế. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Do đó, Bộ Ngoại giao chưa thể giới thiệu chính thức mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam để phía nước ngoài xem xét công nhận và áp dụng ưu đãi về chính sách nhập cảnh, cách ly y tế. Bên cạnh đó, nhiều nước chưa công nhận một số loại vaccine trong danh sách 8 loại vaccine Việt Nam đã cấp phép sử dụng.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số nước như Anh, Ấn Độ, Hungary tỏ ra rất thiện chí trong việc công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng hiện hành của Việt Nam.

- Dẫu còn nhiều khó khăn như vậy nhưng bà kỳ vọng như thế nào về chương trình hộ chiếu vaccine trong quá trình mở cửa hàng không và phục hồi kinh tế, du lịch trong nước?

Bà Nguyễn Thị Hương Lan: Trong bối cảnh một số nước trên thế giới đã dần khống chế dịch, bước vào trạng thái bình thường mới với sự xuất hiện của vaccine trong năm 2021, như tôi vừa nêu, việc công nhận hộ chiếu vaccime lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước/vùng lãnh thổ chính là “chìa khóa” để mở cánh cửa ra quốc tế, nới lỏng dần các hạn chế nhập cảnh và nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, khôi phục các ngành du lịch, lữ hành, khách sạn.

Đây là cuộc chạy đua về thời gian, nước nào mở cửa an toàn trước sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, kinh doanh, thương mại.

Với việc công nhận và cho phép sử dụng hộ chiếu vaccine nước ngoài đáp ứng các tiêu chí của Việt Nam, cùng với việc kiểm tra, giám sát trước khi nhập cảnh bằng thủ tục cấp thị thực và sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại trong giám sát, quản lý cách ly sau nhập cảnh, tôi cho rằng ta có thể nghiên cứu mở rộng đối tượng được phép nhập cảnh, nới lỏng các biện pháp y tế, giảm thời gian cách ly tập trung hơn nữa đối với người đã được tiêm chủng đầy đủ.

Đó sẽ là yếu tố kích cầu cho người nhập cảnh Việt Nam, nhất là những người e ngại thời gian cách ly dài như hiện nay. Khi đó, chúng ta có thể kỳ vọng vào việc sớm phục hồi các hoạt động đi lại quốc tế, mở lại đường bay, tiến tới mở cửa hoàn toàn như trước khi dịch bệnh bùng phát.

Việc khôi phục đi lại quốc tế còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong nước cũng như tiến độ triển khai tiêm chủng. Cá nhân tôi cho rằng chúng ta có thể hy vọng với những bước đi vững chắc như hiện nay, dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi và việc mở cửa đi lại quốc tế sẽ được thực hiện trong năm 2022, tạo điều kiện cho việc phục hồi kinh tế, thu hút đầu tư, kinh doanh, thương mại, du lịch của nước ta trong thời gian gần tới đây.

- Xin bà cho biết trong quá trình xây dựng chương trình hộ chiếu vaccine, Bộ Ngoại giao học hỏi được kinh nghiệm gì từ các quốc gia trên thế giới?

Bà Nguyễn Thị Hương Lan: Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã liên tục tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài cũng như theo dõi tình hình dịch trong nước và quốc tế để xây dựng chiến lược áp dụng hộ chiếu vaccine an toàn, hiệu quả và rút ra được một số nội dung cơ bản sau:

- Thứ nhất, ta cần ứng dụng triệt để, sử dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ chế xác thực hộ chiếu vaccine của nước ngoài cũng như hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Cụ thể, trước mắt, ta cần xây dựng mẫu hộ chiếu vaccine chính thức của Việt Nam cũng như cơ chế xác thực giấy tờ này trên một nền tảng đồng bộ và thống nhất.

- Thứ hai là việc mở cửa cần được thực hiện theo lộ trình rõ ràng, cụ thể nhưng cũng đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch bệnh với sự phân công rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

- Cuối cùng, do COVID-19 là cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ, các chính sách, chiến lược được đưa ra cần có thời gian để kiểm chứng tác động, hiệu quả. Vì vậy, ta có thể mạnh dạn xây dựng, triển khai các chương trình thí điểm trên quy mô hẹp. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết các chương trình thí điểm đó, các cơ quan chức năng sẽ kiến nghị chính sách toàn diện hơn.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Sau đây là video trích dẫn nội dung trả lời phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao:

Bài 3: Hàng không sẵn sàng mở lối đi cho "bình thường mới"

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục