Bánh cuốn Thanh Trì - Món ngon Hà thành

Vị thơm dịu, êm êm của lá bánh quyện với vị cay, chua, mặn, ngọt của bát nước chấm như hương vị của cuộc sống, ấy là bánh cuốn Thanh Trì.
Không phải món ngon nào của Hà Nội cũng được coi là đặc sản đất kinh kỳ, cũng không phải đặc sản nào cũng chiếm vị trí đáng kể trong kho tàng văn hóa ẩm thực Hà thành như bánh cuốn Thanh Trì.

Món quà quê dân giã mà rất đỗi tinh tế ấy đã góp phần tạo nên nét thanh lịch cho người Hà Nội.

Người Hà thành vốn cầu kỳ trong ăn uống nên cách làm bánh cuốn khá công phu, dù chất liệu làm bánh rất giản dị. Khi chọn được thứ gạo tẻ ngon, người làm bánh đem ngâm gạo khoảng ba tiếng đồng hồ rồi đem vo sạch và xay nhuyễn thành thứ bột nước trắng ngần.

Sau đó, căng tấm vải mỏng trên miệng nồi hấp rồi múc lưng muôi bột, đổ đều tay, dát mỏng bột trên mặt vải và đậy nắp vung lại. Ít phút sau, bánh chín, người thợ dùng chiếc đũa tre xọc ngang một cái, nguyên một lá bánh mỏng tang như lớp lụa mịn màng được nhắc ra, họ thoa thêm một chút mỡ hành cho bóng bẩy rồi gấp lại, rắc thêm lá hành đã phi thơm bóng mỡ lên trên. Những lá bánh cuốn xếp so le trên đĩa trông rất hấp dẫn.

Công việc tiếp theo chỉ là dùng đôi đũa tre thong thả nhấc lá bánh cuốn rồi chấm ngập đẫm vào bát nước chấm vừa có độ trong veo của nước sôi tinh khiết, màu vàng sóng sánh của nước mắm, lại có màu đỏ của ớt tươi, màu đen nhánh cay nồng của hạt tiêu, vừa có vị chua của dấm thanh pha thêm một chút chua hăng nồng của quất, đưa lên miệng. Khi vị thơm dịu, êm êm của lá bánh - như cái tình của người thợ quyện với vị cay, chua, mặn, ngọt của bát nước, như hương vị của cuộc sống, tan trong miệng.

Theo như giải thích của chị Nguyễn Thị Loan, một người làng Thanh Trì có thâm niên làm bánh cuốn hơn bốn mươi năm nay, kể từ khi lên tám tuổi được gia đình truyền cho tất cả những gì được coi là "bí quyết" làm nên thương hiệu của đặc sản này, thì cách thưởng thức ẩm thực tinh tế ấy khác hẳn lối ăn bánh cuốn kèm theo chả nướng của Làng Kênh-Nam Định, Phủ Lý-Hà Nam, hay ăn kèm chả quế rán béo ngậy như bánh cuốn Hải Dương, bánh cuốn trứng Lạng Sơn hoặc ăn bánh cuốn nhân thịt có pha thêm mộc nhĩ.

Còn bà Nguyễn Thị Quý, người phụ nữ 56 tuổi hiện cung ứng bánh cuốn Thanh Trì "chuẩn" cho Hàng Buồm cùng nhiều khu phố cổ Hà Nội khác, cho rằng, hàng trăm năm qua, bánh cuốn Thanh Trì vẫn giữ được hương vị riêng, bí quyết làm riêng và thường chỉ truyền nghề cho người trong gia đình. Song ngày nay, do chiều khẩu vị của thực khách, người ta thỉnh thoảng đã điểm vào một miếng chả quế, đậu phụ rán ròn để tạo nên vị giác là lạ cho thực khách.

Bánh cuồn Thanh Trì ngon và hấp dẫn bởi hương vị như vậy nhưng những huyền thoại về nguồn gốc, xuất xứ của món đặc sản này nổi tiếng không kém. Theo tích dân gian, Thanh Trì là một làng vào loại cổ nhất của Thăng Long-Hà Nội. Từ thời Hùng Vương thứ 18, người dân đã tụ họp về đây khai khẩn đất và được An Quốc, con trai vua Hùng dạy cày cấy. Nghề làm bánh cuốn cũng được hình thành từ đây.

Hiện nay, người Thanh Trì tỏa đi tứ xứ và nhiều người đã lấy bánh cuốn làm nghề mưu sinh. Từ phố cổ đến vùng ngoại ô, đâu cũng thấy "thương hiệu" bánh cuốn Thanh Trì như quán bà Cả Hoành ở số 66 Tô Hiến Thành, bánh cuốn bà Phơn ở đường Bạch Đằng, bà bán bánh cuốn số 5 Tông Đản, bánh cuốn Kỳ Đồng, hay hàng chục hàng bánh cuốn ở đường Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm) mà nghe nói, hàng nào cũng nào đông khách.

Cũng thật lạ, ngày hôm nay, qua bao đổi thay, dù Hà Nội có hàng trăm món ngon với những hương vị quyến rũ, song thực khách, từ sang trọng cho đến tầng lớp bình dân, vẫn thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì như hương vị đặc trưng của văn hóa ẩm thực Hà thành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục