Bánh giầy Quán Gánh - quà quê giản dị của người Tràng An

Những chiếc bánh giầy của làng Quán Gánh, thị trấn Thường Tín (Hà Nội) từ xa xưa đã nổi tiếng với vị dẻo thơm, trở thành món ngon độc đáo, thứ quà quê giản dị của người Tràng An.

Những chiếc bánh giầy của làng Quán Gánh, thị trấn Thường Tín (Hà Nội) từ xa xưa đã nổi tiếng với vị dẻo thơm, trở thành món ngon độc đáo, thứ quà quê giản dị của người Tràng An.

Cách thủ đô Hà Nội chừng 15km, dọc hai bên đường Quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận làng Quán Gánh, người ta thấy có rất nhiều hàng bán bánh giầy, khách đi đường ghé lại mua lúc nào cũng đông.

Phần quan trọng nhất để làm ra những chiếc bánh giầy Quán Gánh là khâu chọn gạo, đồ xôi. Gạo làm bánh phải là loại nếp cái hoa vàng được mua về từ vùng Hải Hậu (Nam Định) có độ dẻo thơm, hạt chắc mẩy đều. Còn đỗ để làm nhân bánh là loại đỗ xanh tiêu nguyên vỏ.

Sau khi tuyển chọn kỹ lưỡng nguyên liệu để làm bánh, gạo sẽ được mang đi ngâm khoảng 4 giờ đồng hồ rồi lại đãi một lần nữa để sạch bọt trắng rồi mới đem gạo đi đồ thành xôi.

Bánh giầy Quán Gánh - quà quê giản dị của người Tràng An ảnh 1Nguyên liệu chính để làm bánh giầy Quán Gánh là gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng của vùng Hải Hậu, Nam Định.
Bánh giầy Quán Gánh - quà quê giản dị của người Tràng An ảnh 2Gạo nếp sau khi được ngâm chừng 4 tiếng cho mềm hạt sẽ đồ thành xôi để làm bánh giầy.
Bánh giầy Quán Gánh - quà quê giản dị của người Tràng An ảnh 3Đậu xanh đồ chính được vo tròn để làm nhân bánh giầy.
Bánh giầy Quán Gánh - quà quê giản dị của người Tràng An ảnh 4Gạo nếp giã dẻo để làm vỏ bánh giầy nhân mặn, ngọt.
Bánh giầy Quán Gánh - quà quê giản dị của người Tràng An ảnh 5Bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Quán Gánh đang nặn bánh giầy.
Bánh giầy Quán Gánh - quà quê giản dị của người Tràng An ảnh 6Bánh giầy được đóng gói bằng lá dong xanh.
Bánh giầy Quán Gánh - quà quê giản dị của người Tràng An ảnh 7Những chiếc bánh giầy ngọt trông bắt mắt của người dân Quán Gánh.
Bánh giầy Quán Gánh - quà quê giản dị của người Tràng An ảnh 8Loại bánh giầy không nhân trắng tinh, dẻo mềm thường được dùng ăn kèm với giò lụa.

Công đoạn đồ xôi phải thực hiện thật khéo để khi giã thành vỏ bánh mềm dẻo mà không bị dính tay. Đỗ sau khi được đồ xong sẽ được chia ra làm 2 phần, phần làm nhân bánh mặn, phần làm nhân bánh ngọt. Nhân mặn sẽ được trộn cùng mỡ lợn, hành xào và hạt tiêu.

Với một chút dẻo dẻo của vỏ bánh, một chút bùi bùi của đỗ xanh, ngầy ngậy của mỡ ngấm gia vị hòa quyện với mùi cay nồng của hạt tiêu chắc hẳn ngay cả những ai không thích đồ nếp, đồ mặn hay thậm chí là không thích sự béo ngậy của mỡ phần cũng tò mò muốn một lần nếm thử.

Bánh giầy sau khi làm xong được gói bằng lá dong tươi sẽ đẹp hơn gói bằng lá chuối. Bởi khi mở bánh ra, bên ngoài là lá dong xanh còn bên trong là màu trắng tinh khôi của bánh giầy trông rất bắt mắt. Bánh giầy Quán Gánh cũng có nhiều loại, cùng với bánh giầy nhân ngọt và nhân mặn thì còn có cả bánh giầy không nhân để kẹp giò, chả tùy theo sở thích mỗi người.

Ngày nay, công việc làm bánh giầy của người dân làng Quán Gánh đỡ vất vả hơn, nhiều hộ đã sắm máy giã bánh thay cho sức người nhưng hương vị của bánh giầy Quán Gánh vẫn giữ được nguyên vẹn vị thơm ngon vốn có của nó./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục