Các hãng hàng không Vietnam Airlines và Bamboo Airways đang xúc tiến và đẩy nhanh những thủ tục để cơ quan chức năng của Mỹ cấp phép cho hãng khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ giữa hai nước.
Đáp ứng thủ tục pháp lý và an ninh khắt khe nhất thế giới
Cho đến nay, Việt Nam chưa có hãng hàng không nào có giấy phép của Cục An ninh Vận tải Hoa Kỳ (TSA) và Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) để mở đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ. Hiện Vietnam Airlines và Bamboo Airways đã được cấp phép khai thác các chuyến bay thuê chuyến quốc tế đặc biệt giữa hai nước, với mỗi lần được phép khai thác tối đa 12 chuyến bay trong vòng một năm.
Theo đại diện Vietnam Airlines, ngay từ những năm 2000, hãng đã thành lập văn phòng đại diện tại San Francisco (Mỹ) nhằm xây dựng hệ thống bán và tiếp cận các nguồn khách hàng. Ở giai đoạn này, Vietnam Airlines cũng bắt đầu hợp tác liên danh với một số hãng hàng không nội địa Hoa Kỳ như American Airlines, Delta Air Lines... để thăm dò và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.
Từ đó đến nay, Vietnam Airlines đã không ngừng nâng cao tiêu chuẩn an ninh, an toàn cũng như chất lượng dịch vụ đồng thời liên tục phối hợp với các cơ quan, đối tác trong và ngoài nước để hoàn thành các thủ tục của nhà chức trách Hoa Kỳ và thúc đẩy tiến trình xin cấp phép bay thẳng thường lệ ngay sau khi Cục Hàng không Việt Nam được cấp chứng nhận phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) của nhà chức trách Hoa Kỳ.
[Khi nào các hãng hàng không Việt sẽ mở đường bay thẳng đến Mỹ?]
Để có khả năng khai thác thường lệ, các hãng hàng không phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nhà chức trách Hoa Kỳ, đặc biệt là TSA và sau đó là FAA.
Cụ thể, hãng đã đáp ứng các thủ tục đánh giá của 9 cơ quan tại Hoa Kỳ gồm: cơ quan đăng ký kinh doanh tại bang dự kiến khai thác, Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ (DOT), Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA), Cục An ninh Vận tải Hoa Kỳ (TSA), Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP), Cơ quan Quản lý thuế và thu nhập nội địa (IRS), Bộ Nông nghiệp và Dịch vụ kiểm tra sức khỏe động vật và thực vật Hoa Kỳ (APHIS), Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ (NTBS) và nhà chức trách sân bay San Francisco.
Trên thực tế, việc được Cơ quan an ninh Vận tải hàng không Mỹ (TSA) cấp phép được coi là bước cuối cùng và quan trọng bậc nhất do thủ tục ở khâu này đặc biệt khắt khe.
Theo đó, TSA sẽ phải sang khảo sát sân bay ở Việt Nam, đảm bảo phía Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh của phía Mỹ hay không mới xem xét các bước tiếp theo. Việc cấp phép của TSA cũng chính là cơ sở để FAA cấp phép khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Đến hiện tại, Vietnam Airlines là hãng đã có những bước tiến xa nhất trong việc đáp ứng điều kiện bay thẳng đến Mỹ khi hãng đã chính thức hoàn thành toàn bộ tài liệu và công tác chuẩn bị để TSA xem xét phê chuẩn, trên cơ sở đó FAA sẽ cấp phép cho hãng khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ giữa hai quốc gia.
“Việc thực hiện các chuyến bay thuê chuyến là một trong những bước đệm để hãng hàng không thử nghiệm, đánh giá và chuẩn bị cho kế hoạch khai thác thường lệ đến Hoa Kỳ đồng thời góp phần khẳng định năng lực điều hành, mức độ an toàn tuyệt đối và chất lượng dịch vụ của hàng không Việt Nam sánh ngang chuẩn quốc tế,” đại diện Vietnam Airlines cho biết.
“Giấc mơ” bay thẳng không hề dễ
Hiện nay, hành khách từ Việt Nam đến Mỹ thường phải bay chuyển tiếp tại Hongkong, Đài Loan hoặc Hàn Quốc... với thời gian bay khoảng 20 giờ, gồm cả quá cảnh. Nếu có đường bay thẳng, thời gian bay sẽ rút ngắn xuống còn khoảng 15-16 giờ.
Về năng lực kỹ thuật khai thác, Vietnam Airlines và Bamboo Airways hiện đều sở hữu tàu bay thân rộng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ. Trong số đó, Vietnam Airlines sở hữu đội tàu bay thân rộng "hùng hậu" với gần 30 tàu bay, gồm 14 tàu Airbus A350 và 15 tàu Boeing 787-9 (gồm 11 tàu 787-9, 4 tàu 787-10), còn Bamboo Airways có 3 tàu Boeing 787-9.
Tuy nhiên, các hãng cũng tính toán nếu bay thẳng Mỹ bắt buộc phải giảm tải (chở ít khách và hàng hoá hơn so với cấu hình thiết kế) sẽ không đảm bảo về mặt doanh thu, còn chọn phương án có 1 điểm dừng lại làm phát sinh thêm chi phí cất/hạ cánh và làm tăng thời gian bay, vì thế giảm tính cạnh tranh của dịch vụ.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, trên nhu cầu hồi hương của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, nhu cầu giao thương, quan hệ Việt-Mỹ đang ngày càng được củng cố, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng đây là thời điểm phù hợp để triển khai mở đường bay thẳng tới Mỹ.
Theo ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways, với việc công bố đường bay thẳng Việt-Mỹ, ra mắt Tổng đại lý chính thức và kết nối với các doanh nghiệp đối tác nước bạn, Bamboo Airways xác định đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh sức mạnh nội tại, thực hiện những bước tiến mới nhằm khai thác tuyến bay kết nối thị trường ở hai nửa bán cầu một cách hiệu quả. Qua đó, góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại, đầu tư kinh tế, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương, du lịch của người dân hai nước.
[Chủ tịch Tập đoàn FLC: Đường bay thẳng Việt Nam-Mỹ sẽ không lỗ]
Ông Thắng cũng đưa ra dự kiến nếu điều kiện cho phép, đường bay thẳng từ Việt Nam-Mỹ sẽ đi vào khai thác từ đầu năm 2022, tần suất khởi đầu là 3 chuyến/tuần, và sẽ nhanh chóng nâng lên thành 5-7 chuyến/tuần trên cơ sở nhu cầu thị trường.
“Trước mắt, Bamboo Airways sẽ bay hành trình sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất-sân bay Quốc tế San Francisco, và về lâu dài sẽ kết nối với cả hai sân bay lớn của bang California là sân bay quốc tế San Francisco và Los Angeles,” ông Thắng nói.
Một chuyên gia về hàng không nhìn nhận, khai thác đường bay thẳng Việt-Mỹ không hề dễ bởi trong những năm đầu đường bay thẳng có thể phát sinh lỗ mà điển hình là các hãng hàng không Mỹ đã bỏ cuộc khi mở chặng bay thẳng Mỹ-Việt (Delta Air Lines và United Airlines).
Theo một tính toán trước đây, Vietnam Airlines cần khoảng 5-10 năm mới có thể hòa vốn đường bay Việt-Mỹ. Trong 5 năm đầu khai thác đường bay này sẽ lỗ khoảng 30 triệu USD/năm./.