Biến số trong cuộc cạnh tranh đổi mới sáng tạo Mỹ-Trung

Trung Quốc đã sớm vượt qua Mỹ để đứng đầu thế giới về phương diện công bố các đề tài nghiên cứu trên lĩnh vực đổi mới sáng tạo công nghệ.
Biến số trong cuộc cạnh tranh đổi mới sáng tạo Mỹ-Trung ảnh 1Công nhân lắp ráp các bộ phận của máy bay Airbus A320 tại nhà máy ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc. (Nguồn: EPA-EFE/ TTXVN)

Biến số then chốt trong cuộc đua đổi mới Mỹ-Trung nằm ở sự cạnh tranh trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối và điện toán đám mây, cũng như những đột phá về tiền kỹ thuật số của nền tảng tài chính mới.

Cuộc cạnh tranh và đọ sức Mỹ-Trung là tiêu điểm của quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI, đồng thời cũng là mối quan hệ nước lớn có cạnh tranh cường độ cao, thậm chí là ngấp nghé bên lề chiến tranh trong sự tương tác chặt chẽ.

Dưới bóng đen của cái gọi là "Bẫy Thucydide," hai nước nỗ lực hết sức tránh rơi vào một cuộc chiến hủy diệt lẫn nhau, bởi chỉ có thực hiện vừa hợp tác vừa cạnh tranh mới phù hợp với lợi ích quốc gia lớn nhất của hai nước.

Tuy nhiên, triển vọng của mối quan hệ như vậy được quyết định bởi năng lực đổi mới của mỗi bên. Vấn đề then chốt là liệu có thể thiết lập một cơ chế bồi dưỡng nhân tài tốt nhất hay không, chứ không phải bài xích nhân tài và bị chi phối bởi bầu không khí phản trí thức.

Nhiều số liệu cho thấy động lực đổi mới của Trung Quốc mạnh mẽ, nguồn vốn và nhân tài thường có thể mang lại sự kết hợp tốt nhất, làm những việc lớn mà trước đó được cho là không thể. Mặc dù Mỹ áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc, nhưng trên thực tế điều này lại đẩy gánh nặng vào tay người tiêu dùng Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn đang tăng nhanh. 

Nhân lực: Biến số thật sự

Điều thực sự thay đổi tương lai của Mỹ và Trung Quốc là ABC, nghĩa là trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), chuỗi khối (Blockchain) và điện toán đám mây (Cloud Computing).

Trung Quốc đều đang phát triển như vũ bão trên cả 3 lĩnh vực này, cùng so kè với Mỹ. Lợi thế của Trung Quốc nằm ở thị trường rộng lớn, có thể thử nghiệm đổi mới và thổi bùng ngọn lửa trí tuệ trong quá trình thử nghiệm và sai lầm liên tục.

Gần đây, Trung Quốc thúc đẩy việc phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trên phương diện đổi mới tài chính, có thể kết nối trực tiếp với chip điện thoại di động thông qua internet, phát huy sức mạnh hiệu quả hơn, đây chính là ví dụ điển hình.

[Xu hướng mới của cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc]

Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh muốn tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và nỗ lực đuổi kịp Trung Quốc. Tuy nhiên, những trở ngại mà Mỹ đối mặt trên phương diện này không phải là vấn đề vốn, mà do thiếu hụt nhân tài, không có đủ lực lượng kỹ sư tham gia. Bởi vì số lượng kỹ sư các trường đại học Mỹ mỗi năm đào tạo nhiều nhất là trên 10.000 người, trong khi của Trung Quốc ít nhất là trên 1.000.000 người, do đó nhân tài kỹ thuật rất dồi dào. 

Hiện nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm của Trung Quốc khoảng 8.000.000 người, trong đó hơn 1/2 là ngành kỹ thuật, được chọn lựa kỹ càng, nhân tài kế tục nhân tài, có rất nhiều sáng kiến trong việc xây dựng các công trình lớn, chẳng hạn như sân bay quốc tế Đại Hưng-Bắc Kinh kết hợp thiết kế tinh diệu của "nữ hoàng kiến trúc" Zaha Hadid và sự khéo léo trong thi công của kỹ sư Trung Quốc.

Độ khó kiến trúc của cầu vượt biển Hong Kong (Trung Quốc) - Chu Hải rất cao, cầu và hầm kết hợp với nhau, nhưng đều được giải quyết trong sự sáng tạo của thế hệ nhân tài công nghệ mới của Trung Quốc. 

Trên thực tế, nhân tài khoa học của Mỹ từ trước và sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đều chiêu mộ tinh hoa trên toàn cầu, các nhà khoa học tham gia chế tạo bom nguyên tử đều đến từ các nước như Đức, Italy…

Nửa thế kỷ qua, Mỹ thu hút rất nhiều nhân tài tuấn kiệt từ lưu học sinh Trung Quốc. Tuy nhiên, Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã khơi dậy làn sóng chống Trung Quốc vào cuối nhiệm kỳ để thỏa mãn nhu cầu chính trị dân túy, nhiều nhà khoa học gốc Hoa đều bị bài trừ một cách rõ ràng hoặc có ẩn ý.

Trong 3 năm qua, rất nhiều nhà khoa học Mỹ gốc Hoa đã lựa chọn quay trở về Trung Quốc bởi vì Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bí mật điều tra các tinh hoa công nghệ gốc Hoa, hoài nghi mức độ trung thành chính trị của họ. Trong làn sương mù chính trị, cuối cùng họ phải đối diện với lựa chọn "vì sao không trở về."

Ưu thế đổi mới của Mỹ thực tế nằm ở mở cửa, nhưng lại thiếu điều tiết vĩ mô. Công cuộc khám phá vũ trụ hiện nay vẫn dựa vào kế hoạch SpaceX của Elon Musk - ông chủ thương hiệu xe điện Tesla và không thể khôi phục lại truyền thống dựa vào Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) trước đây, dẫn đến ngân sách tuyển dụng nhân tài và chi tiêu thiếu hụt, hoạt động nghiên cứu khoa học của các tổ chức tư nhân luôn tính toán lợi ích riêng, thiếu hoài bão và không có tầm nhìn đại cục chiến lược của quốc gia. 

Trong khi đó, điểm mạnh của Trung Quốc chính là hệ thống toàn quốc, có tầm nhìn tổng thể. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết thành công của Trung Quốc nằm ở chỗ có sức mạnh lãnh đạo mạnh mẽ, các cơ quan chủ quản hành động kiên quyết và nhanh chóng, coi trọng hiệu quả. Song do thiếu minh bạch và sự giám sát của dư luận, nên Trung Quốc cần phải dựa vào năng lực cân bằng nội bộ và quản lý mạnh mẽ để tránh tham nhũng và lạm quyền. 

Sự "chuyển làn vượt mặt" trong một số lĩnh vực nhất định

Cạnh tranh đổi mới Mỹ-Trung cũng là cạnh tranh của hai hệ thống. Một số lợi thế truyền thống của Mỹ đang dần mai một, trong khi Trung Quốc lại gấp rút vượt lên ở khúc cua, tiến bộ vượt trội trong nhiều lĩnh vực, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, khiến cho Mỹ vất vả đuổi theo. 

Đồng thời, Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy "chuyển làn vượt mặt" trên một số lĩnh vực nhất định, vượt qua đường đua truyền thống, xây dựng lộ trình khác. Trung Quốc đang muốn hướng đến đường đua mới trên phương diện đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, không tiếp tục "vướng víu" với đồng USD trên đường đua vốn có, mà muốn tìm kiếm một con đường mới, hy vọng có thể cập bến giấc mơ về một nền tài chính mới sớm hơn mới có thể làm tan rã sự thống trị của đồng USD trên thực tế.

Tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu khoa học/GDP của Trung Quốc đang tăng nhanh, trong khi của Mỹ lại sụt giảm đáng kể. 

Trung Quốc đã sớm vượt qua Mỹ để đứng đầu thế giới về phương diện công bố các đề tài nghiên cứu trên lĩnh vực đổi mới sáng tạo công nghệ.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã vượt Mỹ về số lượng đơn đăng ký bằng phát minh sáng chế trên toàn cầu. Do đó, dưới quan điểm nghiên cứu khoa học, Trung Quốc đang ở trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, trong khi Mỹ lại ở trong trạng thái đi xuống. 

Tuy nhiên, nỗi lo thấp thỏm của Trung Quốc là bị chỉ trích mức độ mở cửa không đủ, chẳng hạn như công cụ tìm kiếm của Google vẫn bị "cấm cửa" ở Trung Quốc. Phần lớn các nhà khoa học cao cấp có thể vượt tường lửa, nhưng đối với những học sinh bình thường, có quá nhiều ngăn cách với những thông tin của công cụ tìm kiếm Google. Điều này đã hình thành sự bất đối xứng về cấu trúc thông tin, gây trở ngại đối với sự sáng tạo của Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục