Biệt đội giải cứu thú cưng trong thời COVID-19 tại Indonesia

Một nhóm tình nguyện viên ở Indonesia đã đưa những con thú cưng rơi vào tình cảnh không người do chủ nhân mắc bệnh và phải đi cách ly hoặc nhập viện.
Biệt đội giải cứu thú cưng trong thời COVID-19 tại Indonesia ảnh 1Người sáng lập chương trình, Doni Herdaru Tona và các con thú cưng được giải cứu. (Nguồn: Reuters)

“Cô đơn” có lẽ là cảm giác không ít người nhận thấy trong thời gian giãn cách vì đại dịch COVID-19.

Nhiều người đã tìm thấy niềm an ủi ở những con thú cưng nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu không may các chủ nhân mắc bệnh và phải đi cách ly hoặc nhập viện? Đó là lúc những con thú cưng này rơi vào tình cảnh không người chăm sóc.

Một thực tế đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và cũng là một khía cạnh khác cho thấy đại dịch đang tác động tới mọi ngóc ngách của cuộc sống.

Gledis, chú chó pitbull 4 năm tuổi ở Indonesia, từng bị bỏ đói suốt hai ngày cho đến khi một nhóm tình nguyện viên tìm thấy và đưa chú về một trung tâm chăm sóc động vật.

Với hơn 3,7 triệu ca mắc, trong đó có hơn 100.000 ca tử vong, Indonesia đang chật vật ứng phó với một trong những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất tại châu Á. Ngày càng nhiều người mắc bệnh và phải đi cách ly cũng là lúc số lượng thú cưng bị bỏ lại gia tăng.

[Kinh ngạc chó nghiệp vụ có thể phát hiện chính xác người mắc COVID-19]

Nhận thấy thực trạng bất cập này, một nhóm tình nguyện viên bảo vệ động vật đã phát động chương trình “AD-19” giải cứu thú cưng. Sau khi được “AD-19” giải cứu, những con thú cưng sẽ được kiểm tra sức khỏe trước khi được đưa về một trung tâm chăm sóc động vật. Chỉ riêng trong tháng Bảy, chương trình đã tìm thấy  40 chú chó và bốn chú mèo đưa về chăm sóc tại trung tâm cùng với 160 thú cưng khác đã ở đó từ trước.

Người sáng lập chương trình, Doni Herdaru Tona đã bắt đầu bán đồ ăn và quần áo “nhà làm," cho chó và mèo cưng, để gây quỹ chăm sóc những thú cưng bị bỏ mặc trong đại dịch COVID-19. Doni ước tính mỗi tháng trung tâm cần có 120 triệu rupiah (8.340 USD) để duy trì hoạt động mà không nhận tài trợ hay tiền chi trả từ các chủ nhân.

Tuy nhiên, Doni cho biết các thú cưng ở trung tâm sẽ được chăm sóc theo lưu ý của chủ nhân, từ việc cho ăn, tắm đến vệ sinh lồng nhốt. Không chỉ phải lo lắng về chi phí, nguy cơ lây nhiễm virus từ người sang vật nuôi cũng khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn và cũng đồng nghĩa rằng nhiều thú cưng không được tiếp nhận chăm sóc.

Thú cưng sẽ được đưa trở về nhà khi chủ nhân phục hồi và với Doni, điều khiến cô lo sợ nhất là khi điện thoại nhận được những tin nhắn rằng nhiều chủ nhân đã không may qua đời, đồng nghĩa rằng những con thú cưng cũng không thể trở về./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục