Bình Phước: Tiếp nhận và tái thả về môi trường tự nhiên nhiều động vật nguy cấp

Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ bảo tồn-Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã tiếp nhận 8 cá thể gồm khỉ đuôi lợn, tê tê java, culi nhỏ, cầy vòi hương, mèo rừng và thả về môi trường tự nhiên.

Ba cá thể Tê tê java được thả về môi trường tự nhiên tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. (Ảnh: TTXVN phát)
Ba cá thể Tê tê java được thả về môi trường tự nhiên tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 27/2, Hạt Kiểm lâm liên huyện, thị xã Bù Gia Mập-Phước Long, tỉnh Bình Phước, cho biết vừa phối hợp với Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ bảo tồn-Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tiếp nhận một cá thể khỉ đuôi lợn (tên khoa học macaca leonina), loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.

Cá thể khỉ đuôi lợn trên có trọng lượng 14kg, được một người dân tại thị xã Phước Long tự nguyện giao nộp.

Theo Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ bảo tồn-Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, cá thể khỉ đuôi lợn trên sau khi tiếp nhận, Trung tâm đảm nhiệm vai trò chăm sóc, cứu hộ, phục hồi tập tính hoang dã trước khi tái thả về môi trường rừng tự nhiên.

Khỉ đuôi lợn được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam 2000 và danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Lâm nghiệp (phụ lục IIB).

Trước đó, Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ bảo tồn, phối hợp với Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Hạt Kiểm lâm liên huyện thị xã Phước Long-Bù Gia Mập cũng tổ chức tái thả 7 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.

Trong số đó, có 3 cá thể tê tê java (tên khoa học là manis javanica); 1 cá thể culi nhỏ (tên khoa học nycticebus pygmaeus); 1 cá thể cầy vòi hương (tên khoa học paradoxurus hermaphroditus); 1 cá thể mèo rừng (tên khoa học prionailurus bengalensis) và 1 cá thể khỉ đuôi lợn.

Các động vật này được tái thả tại khu vực tiểu khu 14, 22 thuộc lâm phần Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, có hiện trạng là rừng hỗn giao tự nhiên và rừng gỗ tự nhiên núi đất, phù hợp cho các loài động trên tìm kiếm thức ăn và tăng khả năng thích nghi của động vật mới tái thả trong môi trường tự nhiên.

Tất cả 7 cá thể động vật được thả trên đều nằm trong nhóm cảnh báo nguy cấp, quý, hiếm, thuộc nhóm IB, IIB được bảo vệ nghiêm ngặt theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục