Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/12, cả nước có 24.748 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 318,72 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện lũy kế đạt 172,35 tỷ USD, bằng 54% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
[Các nhà báo quốc tế đánh giá cao thành tựu phát triển của Việt Nam]
Tính riêng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, theo đó tổng số vốn thực hiện cả năm ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng tương ứng 44,4% và 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Về xuất khẩu, hiện khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23% so và chiếm 72,6% kim ngạch xuất khẩu.
Tín hiệu khả quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu không kể dầu thô trong năm đạt tới 152,34 tỷ USD, tăng 23% và chiếm 71,2% kim ngạch xuất khẩu.
Về nhập khẩu, khối ngoại đạt 126,44 tỷ USD, tăng 23,4% và chiếm gần 59,9% kim ngạch cả nước.
Như vậy, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 25,9 tỷ USD không kể dầu thô.
Báo cáo chỉ ra, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 186,1 tỷ USD, chiếm 58,4% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ hai là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 53,1 tỷ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 20,8 tỷ USD (chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư).
Trong số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 57,66 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư), tiếp đến là Nhật Bản với 49,46 tỷ USD (chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư), các vị trí lần lượt sau đó là Singapore và Đài Loan (Trung Quốc), Britishvirgin Island, Hongkong.
Về địa phương, thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu trong thu hút vốn FDI với 44 tỷ USD (chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Bình Dương với 30,18 tỷ USD (chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư), Đồng Nai với 27,34 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư), Hà Nội đứng thứ tư với 27,28 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư)./.