Cà Mau thiếu hụt nguồn nước ngọt cho nông nghiệp

Tại tỉnh Cà Mau, mùa khô hạn năm nay kéo dài dẫn đến thiếu hụt trầm trọng nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Tại tỉnh Cà Mau, mùa khô hạn năm nay kéo dài dẫn đến thiếu hụt trầm trọng nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là canh tác một vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Vùng trữ nước ngọt lớn nhất của tỉnh có diện tích tự nhiên hơn 200.000ha thuộc vùng Bắc Cà Mau, hiện trong tình trạng khô hạn vì không có nguồn nước ngọt bổ sung.

Do vậy, người dân ở huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời đã sử dụng nguồn nước giếng, nước ngầm phục vụ tưới tiêu nhưng chỉ cứu vãn được diện tích các vườn rau, vườn cây ăn trái.

Trong năm 2012, lượng mưa trên địa bàn toàn tỉnh đạt thấp và kết thúc sớm cộng với yếu tố thời tiết nắng nóng, làm cho mực nước trên ruộng khô hạn nhanh.

Mặt khác, độ mặn trên các sông tăng nhanh kết hợp với triều cường dâng cao gây xâm mặn sâu vào nội đồng, kéo theo nhiều diện tích các trà lúa bị nhiễm mặn gây thiệt hại.

Mỗi năm, tỉnh Cà Mau đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống cống, nạo vét kênh, bồi trúc các tuyến đê, nhằm mục đích khép kín vùng giữ ngọt, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp.

Phần lớn diện tích sản xuất lúa hiện nay lệ thuộc nhiều vào diễn biến thời tiết, trong khi đó hệ thống thủy lợi ở vùng ngọt chưa được khép kín nên thường bị động trong việc kiểm soát, điều tiết và trữ nguồn nước ngọt tại chỗ trên hệ thống kênh, rạch.

Theo tính toán của Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, muốn có được nguồn nước ngọt sử dụng kéo dài trong suốt mùa khô hàng năm, vấn đề cấp thiết là phải đầu tư xây dựng nhiều cống lớn để ngăn mặn và giữ ngọt. Tuy nhiên, việc thực hiện phương án khép kín vùng ngọt Bắc Cà Mau sẽ còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn đầu tư và sự hỗ trợ của tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết việc tận dụng nguồn nước ngọt vào mùa khô, nhằm bảo tồn thiên nhiên, phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống cháy rừng ở vùng Bắc Cà Mau là hết sức cần thiết.

Vì vậy, ngoài biện pháp đầu tư kinh phí nạo vét kênh tạo nguồn trữ nước kết hợp củng cố bờ bao chống hạn ở huyện U Minh và Trần Văn Thời, các ngành chức năng của tỉnh cần tính đến việc quy hoạch xây dựng các hồ sinh thái trữ nước ngọt trong mùa mưa để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất trong mùa khô hạn./.

Kim Há (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục