Các hãng hàng không châu Á áp dụng một loạt quy định mới để chống dịch

Các hãng hàng không châu Á sẽ sắp xếp chỗ ngồi trên các chuyến bay kiểu giãn cách xã hội, kiểm tra thân nhiệt, giảm hoặc loại bỏ các dịch vụ bán đồ ăn, thức uống và sản phẩm miễn thuế.

Hãng hàng không Philippine Airlines của Philippines mới đây đã công bố các bộ đồng phục mới được sản xuất từ các vật liệu đáp ứng các tiêu chuẩn về y tế và có trang thiết bị bảo hộ kèm theo dành cho đội ngũ nhân viên với sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế trong khâu thiết kế.

Người phát ngôn Cielo Villaluna của Philippine Airlines cho hay các bộ đồng phục này là một phần của tình hình hoạt động trong điều kiện “bình thường mới” và sẽ được thực hiện lâu dài.

Theo các chuyên gia trong ngành, đây được coi là một trong những biện pháp đáng chú ý mà các hãng hàng không đã triển khai nhằm ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và cũng là dấu hiệu cho thấy các hãng hàng không của châu Á chuẩn bị cho một chiến lược hoạt động dài hạn trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Các hãng hàng không trên toàn châu Á đang giới thiệu các sơ đồ chỗ ngồi trên chuyến bay kiểu giãn cách xã hội, kiểm tra thân nhiệt, giảm hoặc loại bỏ các dịch vụ phục vụ trên chuyến bay như bán đồ ăn, thức uống và sản phẩm miễn thuế nhằm tạo niềm tin cho các nhà quản lý và hành khách về vấn đề an toàn sức khỏe trong giai đoạn dịch COVID-19.

Hãng hàng không Cathay Pacific, chỉ hoạt động 3% công suất trong hai tháng 4-5/202, đã đơn giản hóa dịch vụ phục vụ ăn uống trên các chuyến bay và ngừng cung cấp dịch vụ bán hàng miễn thuế trên các chuyến bay tới/từ Trung Quốc cũng như chăn mỏng và tạp chí cho hành khách để tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Tình hình hiện nay có phần tương tự như giai đoạn mà các hãng hàng không phải đối mặt sau sự kiện ngày 11/9/2001, gây tác động tiêu cực tới nhu cầu đi lại bằng đường không.

Trong bối cảnh này, các cơ quan quản lý hàng không cũng như các hãng hàng không áp dụng một loạt quy định mới để đảm bảo an toàn bay.

Nhiều hãng hàng không, trong đó có Philippine Airlines và AirAsia, cho rằng các biện pháp trên cần phải được duy trì thậm chí ngay cả khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa và khôi phục lịch bay.

[Hàng không không được chở khách vượt quá 80% cấu hình tàu bay]

Tuy vậy, giới phân tích cho rằng trong giai đoạn hiện nay, các biện pháp mà các hãng hàng không đang áp dụng nhằm giảm bớt sự quan ngại của hành khách có thể khiến nhu cầu đi lại bằng đường không chỉ ở mức thấp.

IATA cùng với Nghiệp đoàn lao động làm việc trong lĩnh vực vận tải quốc tế (ITWF) đã kêu gọi chính phủ các nước hỗ trợ các hãng hàng không khi nhu cầu đi lại bằng đường không trên toàn cầu đã giảm 80%.

Theo ông Peter Harbison, một quan chức của công ty nghiên cứu hàng không CAPA, số lượng chuyến bay trên toàn cầu sẽ giảm đáng kể trong vài năm và việc áp dụng các biện pháp mới để bảo vệ sức khỏe của hành khách và phi hành đoàn sẽ khiến giá vé máy bay tăng cao.

Ông Harbison dự đoán số lượng hành khách trên các chuyến bay sẽ giảm khoảng 50% trong thời gian tới.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương, Subhas Menon, dự đoán hoạt động giao thông đường không sẽ hồi phục chậm và lưu ý ngành hàng không cần phải thực hiện các giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn sức khỏe cho hành khách.

Dịch COVID-19 đã khiến ngành hàng không châu Á cũng như thế giới rơi vào tình trạng suy giảm chưa từng có trong lịch sử.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), doanh thu từ hoạt động chuyên chở hành khách của các hãng hàng không ở khu vực châu Ấ-Thái Bình Dương trong năm 2020 sẽ giảm 113 tỷ USD so với năm 2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục