Các "ông lớn" Internet Trung Quốc ứng phó với giám sát dữ liệu mới

Các công ty Internet Trung Quốc đang đối diện với một loạt quy định quản lý giám sát dữ liệu mới, những quy định này có thể sẽ hạn chế việc sử dụng các thuật toán giới thiệu.
Các "ông lớn" Internet Trung Quốc ứng phó với giám sát dữ liệu mới ảnh 1Hệ điều hành HamonyOS. (Nguồn: Handout)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, ByteDance (công ty mẹ của TikTok) có một vũ khí bí mật, đó là thuật toán mạnh mẽ có thể tính toán chính xác sở thích của khách hàng, đồng thời giới thiệu nội dung họ thực sự muốn xem, khiến họ “không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại”. Tuy nhiên, ByteDance có thể phải nhanh chóng thu hồi vũ khí, hoặc ít nhất cũng giảm bớt việc sử dụng "vũ khí" này.

Các công ty Internet Trung Quốc đang đối diện với một loạt quy định quản lý giám sát dữ liệu mới, những quy định này có thể sẽ hạn chế việc sử dụng các thuật toán giới thiệu. Trước tiên là “Luật bảo vệ thông tin cá nhân” có hiệu lực vào đầu tháng này, yêu cầu các nền tảng cho phép khách hàng có thể lựa chọn việc không chấp nhận nội dung cá nhân hóa và giới thiệu quảng cáo.

Điềm báo không tốt lành

Trung Quốc dường như đang nhanh chóng tăng cường hành động giám sát và kiểm soát. Gần đây, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã ban hành dự thảo hướng dẫn mới, đưa ra một loạt hạn chế đối với việc thu thập, xử lý và luân chuyển dữ liệu xuyên biên giới. 

Điều đáng quan tâm là trước khi các ứng dụng thu thập hoặc sử dụng dữ liệu để tiến hành cá nhân hóa, họ phải nhận được sự đồng ý rõ ràng của khách hàng. Nói cách khác, sau khi khách hàng chủ động lựa chọn dịch vụ cá nhân hóa, các nền tảng mới có thể bắt đầu đầu tư nội dung, không giống việc trực tiếp gửi trước như hiện nay, đợi đến khi khách hàng hủy bỏ mới chấm dứt phân phối.

Chính sách này có thể làm xói mòn mô hình kinh doanh của các nền tảng trực tuyến như TikTok và Taobao ở mức độ rất lớn, từ đó có thể ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động đổi mới của ngành công nghệ Trung Quốc trong tương lai. Nguyên nhân rất đơn giản, nếu được hỏi liệu có chấp nhận các đề xuất cá nhân hóa hay không, rất nhiều khách hàng sẽ cho rằng không đáng hy sinh bí mật cá nhân để có được các đề xuất cá nhân hóa.

[Khó khăn của EU trong cân bằng chiến lược với Trung Quốc]

Khâu “thăm dò” khiến cho tất cả đều trở nên khác biệt. Khi Apple ẩn tùy chọn “từ chối theo dõi ứng dụng” trong cài đặt bảo mật phức tạp của iPhone, chỉ có 25% khách hàng mất thời gian tìm kiếm và khởi động tùy chọn này. Tuy nhiên, khi Apple công khai cung cấp tùy chọn “yêu cầu ứng dụng không theo dõi” cho khách hàng iPhone, thì có đến 84% khách hàng đã nhấp vào tùy chọn này.

Mô hình kinh doanh của các công ty công nghệ Mỹ như Facebook chủ yếu dựa trên nền tảng lợi nhuận của việc thu thập dữ liệu khách hàng và phân phối quảng cáo chính xác. Tuy nhiên, vào tháng 4 năm nay, Apple phát hành hệ điều hành phiên bản iOS 14.5, đưa ra chính sách bảo mật mới, điều này đã giáng một đòn mạnh vào các công ty này. 

Theo ước tính, chính sách bảo mật của Apple thay đổi đã khiến cho bốn công ty Facebook, Snap, Twitter và YouTube thiệt hại gần 10 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2021, chiếm khoảng 12% tổng doanh thu của các công ty này. Hiện nay, các nhà quảng cáo trực tuyến phải thanh toán nhiều chi phí hơn mới có thể tiếp cận được với khách hàng tiềm năng, và họ đã bắt đầu cảm thấy hoang mang.

Điều này là một "điềm báo" không tốt lành đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là dự thảo quản lý dữ liệu của CAC đã vượt xa các quy định mới của Apple. Apple yêu cầu các ứng dụng phải được sự cho phép của khách hàng trước khi chia sẻ dữ liệu khách hàng với bên thứ ba, trong khi đó biện pháp mới của Trung Quốc sẽ yêu cầu các ứng dụng phải nhận được sự đồng ý “chọn tham gia” của khách hàng trước khi sử dụng dữ liệu khách hàng của mình.

“Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR)” của Liên minh châu Âu (EU) là một trong những luật bảo vệ quyền riêng tư nghiêm ngặt nhất trên thế giới, nhưng các điều khoản quản lý giám sát mới của Trung Quốc dường như còn nghiêm ngặt hơn quy định của EU. Mặc dù GDPR yêu cầu các nền tảng phải được sự đồng ý của khách hàng trước khi thu thập và xử lý dữ liệu, nhưng không yêu cầu phải nhận được sự đồng ý cụ thể của khách hàng khi cung cấp dịch vụ đề xuất.

Vai trò của CAC

Các công ty Internet Trung Quốc sẽ ứng phó như thế nào với những quy định quản lý giám sát đang dự thảo, điều này cần tiếp tục quan sát. Chắc chắn họ sẽ vận động chính phủ không thực hiện quy định này. Nếu chính phủ từ chối, họ có thể sẽ tìm cách thông qua việc thiết kế lại chức năng ứng dụng để né tránh quy định. Tuy nhiên, điều này cần có thời gian, đồng thời sẽ mạng lại những rủi ro tuân thủ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đối với CAC, khó khăn của các công ty công nghệ tư nhân có thể không đáng quá lo ngại. Mặc dù không thể nói chính xác những nhân tố nào đã tác động CAC yêu cầu khách hàng tự lựa chọn có chấp nhận phân tích lợi ích chi phí của các đề xuất cá nhân hóa hay không, nhưng có một điều rõ ràng là khuyến khích tăng trưởng kinh doanh và đổi mới công nghệ không phải là nhiệm vụ của CAC.

Vậy, mục tiêu của CAC là gì? Muốn trả lời câu hỏi này, cần xem xét sứ mệnh chính trị, văn hóa và cấu trúc của CAC. Dựa vào quán tính thực thi pháp luật hành chính mạnh mẽ của Trung Quốc, cần chú ý đến các động thái trước đây của CAC, đặc biệt khi đây là một trong những cơ quan chính phủ nhiệt tình can thiệp nhất.

Ban đầu CAC chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh mạng và quản lý giám sát nội dung Internet, nhưng từ năm 2013 trở lại đây, CAC đã mở rộng quy mô đáng kể. 

Tháng Bảy năm nay, sau hai ngày Didi Chuxing phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở New York, CAC đột ngột tiến hành điều tra về an ninh mạng đối với Didi Chuxing, trở thành tiêu điểm quan tâm của giới truyền thông trong một thời gian. Sau đó, CAC yêu cầu các công ty công nghệ Trung Quốc nắm giữ khối lượng lớn thông tin cá nhân khách hàng phải báo cáo thẩm tra an ninh mạng với Văn phòng thẩm tra an ninh mạng trước khi niêm yết ở nước ngoài, xác lập vai trò “người gác cổng” hiệu quả cho các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài. 

Xuất phát từ dữ liệu là huyết mạch của nền kinh tế nền tảng, CAC có không gian rất lớn để mở rộng phạm vi quyền lực của mình. Hơn nữa, nếu dự thảo quản lý giám mới có bất kỳ ẩn ý nào, thì đó chính là CAC đang có kế hoạch loại bỏ hệ sinh thái khép kín của nền tảng Internet, cấm phân biệt giá cả thuật toán, đồng thời tấn công vào các biện pháp định giá không công bằng khác.

Những nỗ lực này chắc chắn sẽ chồng chéo với nhiệm vụ của Tổng Cục Quản lý Giám sát Thị trường Nhà nước Trung Quốc (cơ quan quản lý giám sát chống độc quyền của Trung Quốc). Tuy nhiên điều đó không quan trọng, dưới sự khuyến khích của chính phủ về việc kiềm chế hoạt động của những ông lớn công nghệ, CAC có tham vọng quản lý giám sát rất lớn. Trong những năm tới, nỗ lực thực hiện những mục tiêu này của CAC sẽ phát huy vai trò quan trọng trong việc xác định quỹ đạo hoạt động kinh doanh nền tảng và đổi mới công nghệ của Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục